Cần sự vào cuộc của gia đình, nhà trường và xã hội

Bạo lực học đường (BLHĐ) hiện nay không còn là vấn đề mới. Tuy nhiên, tình trạng nhiều vụ HS đánh nhau trong thời gian gần đây đang là vấn đề đáng báo động. Đã đến lúc cần coi BLHĐ là một vấn nạn cần phải ngăn chặn nhằm tạo cho môi trường học đường là nơi an toàn, lành mạnh cho trẻ.

Tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp học sinh phát triển tâm lý lành mạnh và trưởng thành hơn.

Tham gia các hoạt động ngoại khóa sẽ giúp học sinh phát triển tâm lý lành mạnh và trưởng thành hơn.

ĐÁNH BẠN VÌ NHỮNG MÂU THUẪN VẶT VÃNH

Ngày 10/7, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip quay cảnh một nhóm học sinh nữ của Trường THCS Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) đánh hội đồng một bạn cùng trường. Theo đó, nhóm nữ sinh này gồm 5 người do Tr.Th.H.Tr. cầm đầu đã liên tiếp tát vào mặt, đánh vào đầu, đấm đá em M.Th.Th.Th (bạn cùng lớp). Ngay sau khi clip được tung lên mạng, ngành giáo dục và các cơ quan chức năng đã vào cuộc tiến hành điều tra, làm rõ. Qua đó xác định, sự việc diễn ra vào giờ ra chơi ngày 20/6. Địa điểm xảy ra vụ việc tại phòng công trình đang sửa chữa trong khuôn viên trường, nhà trường không bố trí học và nghiêm cấm HS vào khu vực đang xây dựng này. Theo trình bày của em M.Th.Th.Th, đây không phải là lần duy nhất Th. bị đánh hội đồng, mà rất nhiều lần Th. bị các bạn đánh hội đồng. Nhưng đây là lần nặng nhất và được quay lại.

Theo bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT, thời gian tới, Sở GD-ÐT sẽ tăng cường công tác phòng chống BLHĐ trong trường học, trong đó đặc biệt quan tâm tới công tác phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, giáo dục về pháp luật và mời công an về trường nói chuyện với HS để cung cấp những kiến thức về pháp luật cho các em. Đồng thời trình chiếu những đoạn phim về giáo dục BLHĐ để chỉ rõ hành vi không đúng cho các em HS. Nhà trường, gia đình sẽ có nhiệm vụ khơi dậy tình người trong các em, dạy các em biết quý trọng tình bạn, biết quan tâm và chia sẻ với bạn bè.

Trong khi dư luận xã hội chưa hết bàng hoàng, phẫn nộ trước cách hành xử “côn đồ” của nhóm nữ sinh Trường THCS Bình Châu thì mới đây, ngày 13/7, trên mạng xã hội lại tiếp tục xuất hiện video clip dài 39 giây, quay lại cảnh một nhóm HS nữ ở Trường THCS Trần Nguyên Hãn (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) đánh hội đồng một bạn cùng trường. Theo đó, nhóm HS này kéo tóc, đấm đá túi bụi vào người một bạn nữ lớp 6. Điều đáng lo ngại là nhiều bạn đứng xung quanh không can ngăn mà còn reo hò, cổ vũ. Được biết, nữ sinh bị đánh tên V, HS lớp 6, Trường THCS Trần Nguyên Hãn. Em V. cho biết, thời gian em bị đánh là chiều 11/7, sau lễ tổng kết năm học, em được nhiều bạn rủ đến hồ bơi ở xã Phước Tỉnh chơi. Một lúc sau xảy ra xích mích với bạn, em V. ra lấy xe về thì một bạn nam chạy theo bảo “quay lại lấy đồ để quên”. Khi em V. quay lại khu vực sát hồ bơi thì bị nhóm bạn đánh.

Qua phân tích, xác minh 2 vụ nữ học sinh bị đánh hội đồng xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy, giữa các em không có mâu thuẫn gì lớn, chủ yếu chỉ là các mâu thuẫn nhỏ. Vụ học sinh đánh nhau ở Trường THCS Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) là một ví dụ. Nguyên nhân chính dẫn đến việc đánh nhau là do hiểu nhầm lẫn nhau trong nhóm bạn chơi cùng. Một trong số đó cho rằng khi đi chơi Th. hay bỏ về trước, hoặc một bạn trong nhóm mời sinh nhật nhưng Th. không tới dự… Từ những hiềm khích đó nên các bạn đã thấy khó chịu với Th, nảy sinh mâu thuẫn và dẫn tới việc đánh bạn trong thời gian qua.

Còn vụ đánh hội đồng tại Trường THCS Trần Nguyên Hãn cũng có lý do tương tự, do cảm giác không ưa, thấy ghét nên nhóm nữ sinh đánh bạn chứ không xảy ra mâu thuẫn gì lớn.

TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC, RÈN LUYỆN KỸ NĂNG SỐNG

Mặc dù 2 vụ việc kể trên chưa gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng đã làm dấy lên nỗi lo về BLHĐ ở trong môi trường trường học. Câu hỏi được đặt ra là làm sao để không có những sự việc đau lòng tương tự, giải pháp nào để trường học thật sự an toàn đối với HS? Cô Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Vũng Tàu, phụ trách công tác tâm lý học đường cho biết, năm học 2019-2020 vừa qua, tại Trường THCS Vũng Tàu, nhà trường đã thực hiện tư vấn tâm lý cho 70 HS. Qua công tác tư vấn tâm lý cho thấy, ở lứa tuổi HS các em chưa thực sự trưởng thành, có cái tôi rất lớn nên thích làm những gì mình muốn. Một số gia đình quá nuông chiều con cái, làm thay con mọi việc, khiến cho các em yếu về kỹ năng sống, sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ tới bản thân. Do vậy chỉ cần gặp phải những mâu thuẫn nhỏ là các em lại giải quyết bằng bạo lực. “Thường những HS đánh nhau là những HS cá biệt, thiếu sự quan tâm, giáo dục từ phía gia đình. Ngoài ra, không ít trường hợp cha mẹ nuông chiều con quá mức, luôn đáp ứng đầy đủ về nhu cầu vật chất mà quên đi nhu cầu tinh thần, thiếu sự quan tâm, kiểm soát đến suy nghĩ và hành động của con em mình. Trong khi đó, các em thường nhận thức chưa đầy đủ và dễ có hành động chưa đúng”, cô Nguyễn Thị Phương Dung chia sẻ.

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn tâm lý Châu Á, qua theo dõi những vụ việc BLHĐ trong thời gian gần đây cho thấy, tỷ lệ HS nữ tham gia BLHĐ khá nhiều, điều này cho thấy có sự thay đổi trong tâm lý lứa tuổi ở HS nữ hiện nay. Thực tế sự phát triển chưa toàn diện của HS trong giai đoạn dậy thì cũng ảnh hưởng tới hành vi, hành động của các em. Ở giai đoạn này các em phát triển chưa đồng đều giữa sinh lý và tâm lý. Đây cũng là giai đoạn mà hoạt động của HS thường hướng vào bạn bè làm trung tâm, các hành vi suy nghĩ đều bị ảnh hưởng từ bạn bè xung quanh, lấy bạn bè làm hình mẫu để “học theo”.

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Lan Phương cho rằng, để ngăn chặn và đẩy lùi BLHĐ hiện nay, nhà trường cần nâng cao nhận thức và giáo dục HS với các phương pháp hiệu quả nhất. Cụ thể, tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh để thu hút HS, giúp các em có thể kết nối với nhau trong các hoạt động. Về phía gia đình, cha mẹ nên chăm lo và quan tâm đến con cái nhiều hơn để giúp con phát triển đúng hướng. Ngoài ra, tự bản thân các em có ý thức trách nhiệm xa lánh các hành vi BLHĐ và trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết để ứng phó với BLHĐ. Cùng với đó, xã hội cần lên án, ngăn chặn, tố cáo và xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trong học đường.

Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ trẻ em, bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, để nâng cao hiệu quả phòng chống BLHĐ, cần phải đặc biệt chú trọng đến các giải pháp phòng ngừa hiệu quả. Trong đó, cần tăng cường giáo dục pháp luật, nhận thức về quyền của trẻ em cho thầy cô, phụ huynh. Đồng thời, cần giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, lên tiếng cho HS, để các em chủ động xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, điều tiết tình cảm, chấn chỉnh hành vi sai trái.

Thầy Phạm Đức Khương, giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý học đường Trường THCS Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc cho biết, để đầy lùi BLHĐ các trường học nên thường xuyên tổ chức “Diễn đàn lắng nghe trẻ em nói” ở quy mô lớp, để tạo điều kiện cho phụ huynh và HS gần gũi và hiểu nhau hơn. Qua đó cũng giúp cho giáo viên hiểu được tâm lý và nhu cầu tình cảm của HS hơn.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202008/ngan-chan-bao-luc-hoc-duong-can-su-vao-cuoc-cua-gia-dinh-nha-truong-va-xa-hoi-905986/