Cần sự trỗi dậy của 'con rồng lửa'

Phần cuối dãy núi Trường Sơn trên lãnh thổ Việt Nam đổ dài ra Biển Đông mang trên mình một khu vực trầm tích núi lửa rộng lớn từ Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Phú Yên và đổ dài ra đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Giới chuyên môn ví đây là 'con rồng lửa' chứa nhiều cảnh quan kì thú, giá trị địa chất đặc sắc trên nền tảng đá, đất bazan cổ xưa. Tuy nhiên, giá trị này chưa bộc lộ hết tiềm năng để có thể trở thành tài nguyên du lịch làm giàu cho miền Trung – Tây Nguyên.

Thác Gia Long, Đắk Nông trong tổng thể công viên địa chất núi lửa Krong Nô. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Thác Gia Long, Đắk Nông trong tổng thể công viên địa chất núi lửa Krong Nô. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Một vài cảnh quan đẹp, mang dấu ấn trầm tích núi lửa với hệ thống hang động, thác nước, bãi đá bazan cổ, cá biệt có cả dấu ấn các miệng âm và miệng dương núi lửa cũ... đã trở nên quen thuộc như: Hang động Krong Nô (Đắk Nông), hệ thống thác dọc theo sông Serepốk và các chi lưu, ghềnh đá đĩa Tuy Hòa, Phú Yên, vách đá đen đảo Bé Lý Sơn...

Trong đó, đáng chú ý có công viên địa chất núi lửa Krông Nô (tỉnh Đắk Nông), đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), công viên địa chất Phú Yên (tỉnh Phú Yên), công viên địa chất Gia Lai (tỉnh Gia Lai) đều đang trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu. Đằng sau giá trị của những cảnh quan này là hồ sơ về sự vận động của vỏ trái đất, vị trí địa lý, những biến cố về kiến tạo địa chất, địa mạo liên quan trực tiếp đến tương lai địa cầu và nguồn sống, sự vận động của thời đại.

Mô hình Công viên địa chất toàn cầu thực chất là danh hiệu tạo tiềm năng, tiền đề để khởi sinh một mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững quy mô từ địa phương tới khu vực và trên toàn quốc đối với quốc gia có sở hữu giá trị địa chất đặc biệt. Thông qua đó, UNESCO khuyến khích những hoạt động phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của các loại hình di sản đã được công nhận. Hơn lúc nào hết, cụm từ “đánh thức tiềm lực” đã đề cập tới một cách chính thức và là một câu hỏi day dứt đối với các địa phương sở hữu tài nguyên thiên nhiên vô giá này. Song đừng để những tài nguyên này bị khai thác chưa đúng tầm, hời hợt như cách ứng xử với một số cảnh quan “núi giả, cây trồng” mọc lên như nấm hiện nay.

Thiên nhiên chỉ thực sự có giá trị khi đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội. UNESCO khuyến cáo các địa phương sở hữu cảnh quan thiên nhiên đắt giá này cần có những hành động cụ thể, mạnh mẽ nhằm thúc đẩy phát triển nhanh các hạng mục để khai thác. Những hành động này cần như một cuộc truyền thông lớn, để cả thế giới biết đến bao gồm xúc tiến thương mại, du lịch, bảo vệ cảnh quan, môi trường, phòng tránh các xung đột truyền thống giữa khai thác và bảo tồn.

Trước mắt là công viên địa chất núi lửa Krông Nô, ở phía Tây Nam của vùng Tây Nguyên, đoạn cuối dãy Trường Sơn trải dài trên 5 huyện và 1 thị xã gồm huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk GLong và thị xã Gia Nghĩa. Đây là một phần của cao nguyên M’Nông nên thơ, hùng vĩ. Hệ thống hang động trong đá bazan này từng được xác lập kỉ lục Đông Nam Á về quy mô, độ dài và tính độc đáo.

Vùng ngoại vi của khu vực này gồm rừng già, các thác nước và vách núi lộ vỉa bazan đặc sắc. Một số thác nước như thác Gia Long, thác Đray-Nu, Đray-sáp, thác Trinh Nữ... có các cột đá bazan khổng lồ dính liền khối, đổ gãy biểu thị những vận động tự nhiên của vỏ trái đất có giá trị nghiên cứu và tham quan rất thú vị. Ngay bên cạnh đó là các di sản địa cổ sinh như các hóa thạch cúc đá, các khuôn cây in hằn trong đá bazan, các dãy núi cao phân bậc địa hình, các hồ nước tự nhiên đầy thơ mộng như hồ Ea Snô, hồ Trúc, hồ Tây và các miệng núi lửa độc đáo và đặc trưng như Chư R’luh, Nam Kar, Ea Tling... trong tổng thể một vùng rộng lớn có tiềm năng địa chất khoáng sản đặc thù.

Một trong số những tiêu chí cơ bản của một di sản thế giới được công nhận đó là cuộc sống, sinh hoạt của cư dân địa phương hiện tại trên nền di sản. Sự tiếp nối của thời kỳ có niên đại hàng ngàn năm cách ngày nay và tiếp nối đến sự sống hiện tại và tương lại là một tiêu chí cơ bản. Điều đó mang lại những giá trị gia tăng về mặt văn hóa cho di sản. Riêng với Công viên địa chất núi lửa Krong Nô, xung quanh khu vực này có nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia.

Điều cơ bản nhất là vùng địa chất này dung chứa cả một không gian văn hóa cồng chiêng đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Thêm vào đó là đời sống tinh thần, quan niệm về sự sống, sự chắt lọc về văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên bằng hệ thống các tín ngưỡng dân gian, lễ hội, sử thi, nghệ thuật diễn xướng, trò chơi dân gian. Mọi tiêu chí có vẻ như đang ủng hộ rất đáng kể cho một sự vinh danh được mong đợi.

Đó sẽ là cú “quẫy mình” của “con rồng lửa” trên dãy Trường Sơn sau nhiều chờ đợi.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/can-su-troi-day-cua-con-rong-lua/