Cần sự phối hợp các ngành để truy tố, xét xử hành vi ngược đãi, xâm hại phụ nữ, trẻ em

Tại phiên chất vấn chiều nay (6/11), một số ĐBQH đặt câu hỏi và lo ngại các hành vi ngược đãi, xâm hại phụ nữ, trẻ em thời gian qua chưa được xử lý nghiêm. Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí, không phải chỉ một ngành kiểm sát có thể quyết định việc điều tra, truy tố, xét xử hành vi này được.

 Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn

Giải đáp một phần câu hỏi của các đại biểu về tình trạng ngược đãi người thân, vứt bỏ trẻ sơ sinh, cũng như xâm hại phụ nữ, trẻ em tại sao chưa được xử lý nghiêm, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, cho rằng: Trong các hành vi ngược đãi người già, trẻ nhỏ, cũng như xâm phạm đến quyền con người, xâm hại phụ nữ, trẻ em như đại biểu nêu, "tôi đề nghị Quốc hội nên có chỉ đạo, có 1 Nghị quyết để tập trung phối hợp thực hiện. Bởi vì đây không phải chỉ ngành kiểm sát có thể quyết định việc điều tra, truy tố, xét xử hành vi này được".

Theo ông Lê Minh Trí, cần có sự phối hợp của cả cơ quan điều tra Bộ Công an, của kiểm sát, thậm chí cả cơ quan thi hành án hình sự để có thể xử lý nghiêm và răn đe các hành vi nêu trên.

Trong thực tế, khi điều tra vụ án, bao giờ cũng phải xem xét cả buộc tội và gỡ tội; có cả vấn đề oan sai, cũng như bỏ lọt tội phạm. "Khi chứng lý không đủ mà chưa có sự thống nhất của các cơ quan tư pháp thì không dễ dàng có thể làm mạnh được nhưng chúng ta mong muốn", ông Lê Minh Trí nói.

Viện trưởng Viện KSND Tối cao cho rằng, với các hành vi xâm hại đến người khác nói chung, đặc biệt là xâm hại phụ nữ trẻ em, luôn được Viện kiểm sát quan tâm, xử lý. Những vấn đề bức xúc được Quốc hội quan tâm, được các cấp quan tâm phối hợp thì sẽ được làm tốt. "Nếu chỉ một mình Viện kiểm sát phải làm tốt thì cũng không làm được".

Điều khiển phiên chất vấn và trao đổi thêm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Quốc hội đã ra Nghị quyết giám sát tối cao về xâm hại trẻ em. Theo đó, đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp để thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Toàn cảnh nghị trường Quốc hội

Trước đó, như Báo PNVN đã phản ánh, báo cáo việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Với tình trạng xâm hại tình dục trẻ em gia tăng phức tạp, nhiều Đại biểu Quốc hội đã yêu cầu tăng cường hoạt động phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP ngày 01/10/2019 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của Bộ luật Hình sự và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Nghị quyết có nhiều nội dung tiến bộ, hướng dẫn cụ thể công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; có tác dụng tháo gỡ được những khó khăn trong thực tiễn, được các chuyên gia quốc tế và trong nước đánh giá cao.

Thời gian qua, Tòa án nhân dân tối cao đã thành lập 38 Tòa gia đình và người chưa thành niên tại các Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Theo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các Tòa án đã tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khẩn trương nghiên cứu hồ sơ nên hầu hết các vụ án xâm hại trẻ em đều được đưa ra xét xử nghiêm minh, trong thời hạn luật định.

Mức hình phạt mà các Tòa án đã tuyên phạt bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật; tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.

HH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/can-su-phoi-hop-cac-nganh-de-truy-to-xet-xu-hanh-vi-nguoc-dai-xam-hai-phu-nu-tre-em-20201106160343075.htm