Cần sự hợp tác của tiểu thương

Ngay sau khi chợ Sóc Sơn bị cháy (ngày 21-6-2018), UBND huyện Sóc Sơn đã khẩn trương xây dựng chợ tạm để phục vụ nhu cầu kinh doanh của tiểu thương và mua sắm của người dân. Tuy nhiên, khi chợ tạm đã xây xong nhưng nhiều tiểu thương vẫn không chịu vào đây bán hàng mà vẫn 'cố thủ' tại chợ cũ đã bị cháy.

Các sạp hàng tạm bợ trên nền chợ Sóc Sơn bị cháy.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực chợ Sóc Sơn bị cháy cách đây hơn 5 tháng, hiện có tới hơn 40 gian hàng được các tiểu thương dựng bằng cọc sắt, che bạt, tôn để kinh doanh. Trong khi chợ tạm đã được UBND huyện Sóc Sơn đầu tư xây dựng xong nhưng lại thu hút được rất ít tiểu thương vào kinh doanh. Khu chợ tạm hiện có diện tích 5.807m2, với 288 sạp hàng nhưng đến nay chỉ có 43/196 tiểu thương có đơn xin vào chợ để kinh doanh.

Chị Huỳnh Thị Kim Cúc, tiểu thương bán hàng tại chợ Sóc Sơn bị cháy cho biết: “Chúng tôi muốn vào kinh doanh trong chợ tạm, nhưng không muốn viết đơn vì sẽ phải tham gia đóng góp nhiều loại phí...!”. Còn chị Phạm Thị Phương (cũng là một người kinh doanh buôn bán nhiều năm ở chợ Sóc Sơn) cho hay: “Chợ cháy rồi, tiểu thương muốn buôn bán bình thường trên nền chợ cũ thôi. Chúng tôi không cần phải xây dựng lại chợ và nâng cấp lên chợ loại II...”!

Giải thích về việc yêu cầu các hộ phải làm đơn khi vào kinh doanh tại chợ tạm, ông Hoàng Chí Dũng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn cho biết: “Cơ sở hạ tầng tại chợ tạm được đầu tư xây dựng bằng ngân sách nhà nước theo Quyết định số 1999/QĐ-UBND ngày 16-7-2018 của UBND huyện Sóc Sơn. Do vậy, khi các hộ kinh doanh tại chợ tạm phải tuân thủ quy chế hoạt động của chợ tạm, ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật và làm đơn, ký hợp đồng sử dụng địa điểm để Ban Quản lý chợ loại II Sóc Sơn sắp xếp ngành hàng hợp lý, bảo đảm hoạt động theo nội quy”.

Khảo sát cho thấy, chợ tạm được xây dựng đầy đủ các hạng mục chính: Sạp hàng, khu kỹ thuật, nhà vệ sinh, nhà để xe… và Ban Quản lý chợ loại II Sóc Sơn cũng đã hoàn thành phương án sắp xếp ngành hàng. Tuy nhiên, phản ứng tiêu cực của các hộ tiểu thương đang khiến những nỗ lực khắc phục hậu quả vụ cháy chợ cuối tháng 6-2018 trở nên phức tạp hơn. Theo bà Vi Thị Bình Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, có những tiểu thương không chịu di dời khỏi mặt bằng chợ cũ đã bị cháy và chiếm dụng, họp chợ trái phép ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai đầu tư xây dựng lại chợ mới.

Hiện nay, các đơn vị chức năng của huyện đang chờ Công an TP Hà Nội thẩm định hồ sơ và nghiệm thu phương án phòng cháy chữa cháy tại chợ tạm, sau đó sẽ bố trí cho các tiểu thương đã đăng ký vào kinh doanh trong chợ tạm. Các cơ quan chức năng của UBND huyện tập trung tuyên truyền, vận động các tiểu thương kinh doanh trái phép tại chợ cũ bị cháy tự giác tháo dỡ quầy quán, sạp hàng và các công trình vi phạm. Nếu các hộ cố tình không chấp hành sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Để bảo đảm an toàn cho hoạt động kinh doanh của các tiểu thương và xây dựng lại chợ Sóc Sơn sau khi bị cháy là hết sức cần thiết. Việc các tiểu thương đưa ra các lý do không vào chợ tạm và tự ý mở quầy quán hoạt động trên diện tích chợ Sóc Sơn bị cháy cho thấy đã làm ảnh hưởng việc khắc phục hậu quả vụ cháy chợ cũng như tiến độ xây dựng chợ mới.

Cần sự hợp tác của tiểu thương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/quan-huyen/920741/can-su-hop-tac-cua-tieu-thuong-