Cần sự đột phá để phát triển văn hóa, thể thao Thủ đô

Sáng 3-3, Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc.

Cùng chủ trì có các đồng chí Thường trực Thành ủy Hà Nội; đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các sở, ngành chức năng Thủ đô.

Chưa xứng tầm với vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến

Báo cáo tại buổi làm việc về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020, 2 tháng đầu năm 2021, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trần Thế Cương cho biết, sở đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; không để xảy ra các vấn đề nóng, gây bức xúc. Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, thể thao cũng được nâng cao hơn; sự quan tâm, đầu tư cho văn hóa, thể thao cũng nhiều hơn; huy động được nhiều nguồn lực xã hội tham gia hơn...

Đồng chí Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Sở TT và TT Hà Nội.

Đồng chí Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Sở TT và TT Hà Nội.

Sở đã hoàn thành tốt vai trò cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 04 của Thành ủy (khóa XVI) về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”; tham mưu xây dựng Chương trình số 06 của Thành ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”. Nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, trọng tâm là tuyên truyền, thực hiện 02 Quy tắc ứng xử được triển khai với nhiều hình thức, mô hình đổi mới, sáng tạo.

Đặc biệt, thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo thành phố giao, sở đã tiến hành cải tạo, sửa chữa các công trình phục vụ đăng cai tổ chức SEA Games 31 và huấn luyện, chuẩn bị lực lượng vận động viên, huấn luyện viên phục vụ SEA Games 31.

Tuy vậy, theo giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trần Thế Cương, văn hóa Hà Nội vẫn chưa tương xứng với vị thế của Thủ đô; nhu cầu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội rất lớn. Hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội còn nhiều hạn chế. Thể thao thành tích cao phát triển chưa thật sự bền vững, việc ứng dụng khoa học để nâng cao thành tích của vận động viên còn hạn chế...

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nêu 5 nhóm kiến nghị với Thành phố về tuyên truyền, định hướng; về cơ chế, chính sách; về công tác tổ chức bộ máy; về cơ sở vật chất, trang thiết bị... Đáng chú ý, Sở kiến nghị Thành phố đồng ý về chủ trương cho phép Sở phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, như có chế độ đãi ngộ, tuyển dụng không qua thi tuyển - đối với những nghệ sĩ, vận động viên có thành tích xuất sắc; cho phép được ký hợp đồng chuyên môn trong chỉ tiêu biên chế đối với các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công trẻ và một số lao động để đảm bảo cho các hoạt động thường xuyên của đơn vị...

Cần tạo sự đột phá để phát triển lĩnh vực văn hóa, thể thao

Sau khi nghe ý kiến phát biểu, đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá, buổi làm việc có ý nghĩa rất cần thiết, không chỉ đánh giá kết quả đạt được của ngành văn hóa và thể thao, đề ra phương hướng phát triển và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, mà còn cung cấp những luận cứ để xây dựng Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025".

Cơ bản thống nhất với những kết quả đạt được và những vấn đề còn hạn chế đã nêu, đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, trong công tác quản lý nhà nước còn chậm được đổi mới, có lúc, có nơi còn xem nhẹ hoặc buông lỏng. Việc đầu tư cho văn hóa còn dàn trải, hiệu quả thấp... Ban chỉ đạo Chương trình 06, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phải tập trung phân tích, đánh giá kỹ hơn về những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và xây dựng con người Hà Nội.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Sở TT và TT Hà Nội.

“5 năm tới đây, chưa nói đến những vấn đề mới, các đồng chí chỉ tập trung giải quyết được những hạn chế, yếu kém thì đã tạo ra những bước chuyển biến mới về văn hóa, thể thao”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Đảng ta luôn xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Đối với Hà Nội thì văn hóa lại càng quan trọng, vì Thủ đô là thành phố ngàn năm văn hiến... Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII cũng đã xác định, phát triển văn hóa, con người Hà Nội là nguồn lực nội sinh quan trọng bậc nhất để phát triển Thủ đô bền vững.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải tập trung đổi mới về tư duy, tạo bước đột phá về thể chế, chính sách và các giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa, thể thao. Đầu tiên cần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sang cơ chế tự chủ; đổi mới cơ chế thu hút, đãi ngộ tài năng; rà soát nếu biên chế trên nguyên tắc tạo điều kiện cho đơn vị tuyển chọn bổ sung, trên nguyên tắc không tăng tổng chỉ tiêu toàn thành phố.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn sau cuộc làm việc, các cơ quan Thành phố sẽ vào cuộc quyết liệt, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thường trực Thành ủy; tạo ra thay đổi thực chất, vị thế của Thủ đô trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, con người Hà Nội phát triển nhanh hơn; văn nghệ sĩ, vận động viên sống được bằng nghề.

TUẤN SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/can-su-dot-pha-de-phat-trien-van-hoa-the-thao-thu-do-653118