Cần sự đồng thuận của nạn nhân

Nạn nhân của hành vi mua bán người (MBN) thường có tâm lý mặc cảm, xấu hổ, sợ hãi, ngại tiếp xúc, thay đổi lời khai… Những tác động tâm lý này ảnh hưởng tới quá trình cung cấp thông tin của nạn nhân cho cơ quan chức năng và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho họ trước pháp luật như: luật sư, luật gia, trợ giúp viên pháp lý…

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) phát biểu tại buổi hội thảo Nâng cao kỹ năng tư vấn pháp luật về phòng, chống mua bán người do Hội Luật gia tổ chức. Ảnh: Đ.Phú

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) phát biểu tại buổi hội thảo Nâng cao kỹ năng tư vấn pháp luật về phòng, chống mua bán người do Hội Luật gia tổ chức. Ảnh: Đ.Phú

Đây là những vấn đề được nhiều đại biểu nêu ra tại buổi hội thảo Nâng cao kỹ năng tư vấn pháp luật về phòng chống MBN do Hội Luật gia tỉnh tổ chức vào ngày 22-12, với sự tham gia của hơn 20 luật sư, luật gia và cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh, Sở Tư pháp tỉnh.

* Lấy nạn nhân làm trung tâm

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, tội phạm MBN xảy ra tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em. Đặc điểm và cách thức kiểm soát nạn nhân của tội phạm mua bán người như: bắt nợ (nạn nhân phải trả khoản chi phí lớn, nạn nhân lâm vào hoàn cảnh kinh tế khó khăn), cô lập (thu giữ giấy tờ, giam nhốt nạn nhân), bêu xấu, làm nhục, đánh đập, xâm hại tình dục… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, suy nghĩ, quá trình tố giác tội phạm của nạn nhân khi họ được giải cứu.

Gần nhất vào ngày 21-12, Công an TP.Biên Hòa tạm giữ 4 đối tượng gồm: Bùi Thị Thủy Triều (30 tuổi, thường trú tỉnh Kiên Giang), Phan Vũ Hải (30 tuổi, thường trú tỉnh Long An), Duy Anh Tuấn (23 tuổi, thường trú tỉnh Phú Yên) và Bùi Thị Trang (24 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa) để điều tra về hành vi mua bán người dưới 16 tuổi. Các đối tượng này đã lừa bán 2 bé gái: T.T.D. cùng L.X.N. (tên bị hại đã được thay đổi, cùng 15 tuổi, ngụ tại tỉnh Khánh Hòa) cho nhiều chủ quán karaoke tại nhiều địa phương như: Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh.

Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Phan Văn Châu cho biết, trong những năm qua, các luật gia, luật sư của Hội đã nhận tư vấn miễn phí cho khoảng 10 trường hợp liên quan tới vấn đề MBN. Nạn nhân của các vụ MBN thường hoang mang, cảnh giác, khép kín, thụ động, không hợp tác; né tránh, ngại tiếp xúc, mất niềm tin, thiếu sự tin tưởng vào người khác; lo sợ khi phải làm việc với chính quyền vì sợ bị bắt giữ do vi phạm pháp luật trong quá trình bị bán…

“Những tác động có hại này ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng làm rõ các sự kiện, sự việc, quá trình bị buôn bán, tố giác tội phạm của nạn nhân. Do đó, luật sư, luật gia khi tư vấn cho họ phải thông hiểu đặc điểm diễn biến tâm lý nêu trên của nạn nhân MBN để tìm kiếm thông tin, chứng cứ và có sự hỗ trợ phù hợp, nhằm giúp họ yên tâm khi tiếp cận dịch vụ pháp lý” - ông Phan Văn Châu nhấn mạnh.

Tương tự, luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) đưa ra quan điểm, trong quá trình tư vấn, hỗ trợ cho nạn nhân, người tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho họ cần lấy nạn nhân làm trung tâm, chỉ tập trung vào các nhu cầu và mối quan tâm của nạn nhân để đảm bảo cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân một cách phù hợp, không mang tính phán xét, truy hỏi gây ức chế để nạn nhân cảm thấy mình thật sự được bảo vệ một cách an toàn, được hưởng đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ phù hợp, được cảm thông, chia sẻ từ người đối diện.

“Phương pháp này giúp nạn nhân tôn trọng chính mình và những người xung quanh. Nạn nhân không để mình bị tổn thương lần nữa, được tin cậy và khuyến khích tham gia nhằm giải quyết các vấn đề của bản thân, được bảo mật thông tin, danh tính” - luật gia Vòng Khiềng bộc bạch.

* Các nguyên tắc cần tuân thủ

Theo quy định pháp luật, nguyên tắc khi tiếp xúc và làm việc với nạn nhân bị mua bán như: tôn trọng các quyền con người của nạn nhân; cần có sự đồng thuận trước của nạn nhân; không gây tổn hại; không phân biệt đối xử; giữ kín và bảo mật thông tin; vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. “Nếu luật gia, luật sư khi tiếp xúc với nạn nhân không thực hiện đúng và tôn trọng nguyên tắc trên, không những vi phạm pháp luật mà còn làm nạn nhân bị tổn thương, mất niềm tin” - luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) nêu quan điểm.

Bằng kinh nghiệm của mình, luật sư Nguyễn Đức phân tích, sự tôn trọng đối với nạn nhân thông qua việc lắng nghe các lo lắng, e ngại, mối quan tâm và nhu cầu của mỗi cá nhân là nạn nhân. Không gây tổn hại tới nạn nhân là khi tư vấn không nên có lời nói, hành động, thái độ có thể làm tổn thương về tâm lý hoặc rủi ro về an toàn cho nạn nhân và thân nhân của họ. Đồng thời, khi tư vấn cho nạn nhân, các luật gia, luật sư phải có nghĩa vụ bảo mật thông tin cho nạn nhân. Đây là điều mà các luật gia, luật sư hết sức lưu ý khi tư vấn cho nạn nhân liên quan đến nạn MBN.

Đồng tình với quan điểm của luật sư Nguyễn Đức, bà Ngô Thị Mỹ Thuần (Hội LHPN tỉnh) cho rằng, người tư vấn, hỗ trợ pháp lý cần đảm bảo có sự đồng thuận của nạn nhân dựa trên các thông tin mà họ được cung cấp. Các thông tin về trình tự, thủ tục và cách thức tiếp cận các dịch vụ pháp lý phải được giải thích, mô tả đầy đủ và theo cách thức phù hợp để nạn nhân là phụ nữ, trẻ em có thể hiểu đúng trước khi họ đồng ý hợp tác với người tư vấn, hỗ trợ pháp lý trong việc tố cáo sự việc đến cơ quan chức năng để xử lý.

“Để đạt được sự đồng thuận của nạn nhân cần có thời gian và phương pháp tiếp cận hợp lý, thuyết phục, hiệu quả. Bởi phụ nữ, trẻ em là đối tượng rất dễ bị tổn thương nên cần có phương pháp, giải pháp tiếp cận, tìm kiếm thông tin phù hợp để tăng cường giao tiếp 2 chiều, tin cậy lẫn nhau” - bà Thuần bày tỏ.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202012/tu-van-phap-luat-cho-nan-nhan-cac-vu-mua-ban-nguoi-can-su-dong-thuan-cua-nan-nhan-3036542/