Cần sự dấn thân của giới hàn lâm

Tại hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Viện Văn học mới đây, một trong những hướng đi thời gian tới của cơ quan nghiên cứu văn học đầu ngành này là đưa tính học thuật, hàn lâm trong nghiên cứu văn học tham dự vào đời sống văn học.

Nhìn vào bản chất vấn đề, đây là chuyện nên làm và không chỉ là công việc của mỗi Viện Văn học mà còn của các cơ quan nghiên cứu văn học ở các trường đại học và cả những nhà nghiên cứu văn học độc lập. Nhưng không phải cứ muốn là được mà cần thời gian và không ít công sức xuất phát từ tâm huyết muốn cho nền văn học phát triển lành mạnh.

Khoa học văn học bao gồm ba chuyên ngành: Lịch sử, lý luận và phê bình. Bộ ba này có mối quan hệ mật thiết, kể cả khi chọn nghiên cứu sâu lý luận văn học thì người nghiên cứu không thể không tìm hiểu lịch sử văn học, chí ít là lịch sử của chính chuyên ngành lý luận văn học. Rõ ràng không có chuyên ngành nào quan trọng hơn chuyên ngành nào nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là trong đời sống văn học ở bất cứ đâu thì phê bình văn học vẫn được chú ý nhất và do đó có sức ảnh hưởng đến dư luận nhất. Nguyên do bởi phê bình văn học nghiên cứu văn bản tác phẩm, trực tiếp đưa ra những kiến giải về hình thức, nội dung… của tác phẩm thông qua những cách đọc khác nhau. Còn gì thú vị hơn khi một độc giả không chuyên về văn học được nhà phê bình giải mã nhân vật Chí Phèo của nhà văn Nam Cao là sản phẩm tất yếu của cấu trúc xã hội phân chia giai tầng ở nông thôn trước đây chứ không chỉ là do áp bức, bóc lột của nhân vật Bá Kiến. Dựa theo phương pháp phê bình lịch sử-văn hóa, nhân vật Chí Phèo và cả truyện ngắn cùng tên đã được khám phá sâu hơn, thú vị hơn; góp phần cho việc thưởng thức văn chương được đa dạng, sinh động.

Để viết được một bài phê bình có tính phát hiện kể trên đòi hỏi người viết phải là một người đọc rộng, không chỉ tác phẩm văn học đã đành, còn phải đọc về văn hóa học, lịch sử, xã hội học, lý thuyết phương pháp phê bình... Từ nền tảng của việc đọc, nhà phê bình phải nghĩ sâu hướng phát hiện, không bị chi phối bởi những yếu tố bên ngoài và trình bày luận điểm trong sáng, mạch lạc, đầy tính nghệ thuật. Công phu là vậy cho nên một cây bút nghiêm túc, có tác phẩm tên tuổi trong giới phê bình văn học đương nhiên là không có nhiều.

Bất cứ ở đâu, để trở thành một nhà phê bình văn học chuyên nghiệp đòi hỏi cá nhân phải được sinh hoạt và lao động trong một môi trường chuyên nghiệp đó là viện nghiên cứu, trường đại học, báo và tạp chí. Nhưng đang có một nghịch lý là các nhà phê bình vững chuyên môn ở viện nghiên cứu, trường đại học không phải là ít nhưng lại cách biệt với đời sống văn học, chỉ quẩn quanh ở những giờ giảng, hướng dẫn luận văn, luận án, tổ chức buổi thảo luận hẹp, những cuốn sách chuyên luận in tối đa 1.000 cuốn... rất ít được dư luận quan tâm. Trong khi lĩnh vực báo chí truyền thông là lĩnh vực tiếp xúc trực tiếp với bạn đọc rộng rãi lại thiếu những cây bút phê bình có chuyên môn và bản lĩnh. Chính vì thế, khi xảy ra một sự việc, hiện tượng trong đời sống văn học, người đọc thiếu định hướng từ những tiếng nói có thẩm quyền, công tâm; đánh giá về văn học lại do những người không chuyên phát biểu thiên lệch, gây ra sự nhiễu loạn hệ giá trị.

Có hai giải pháp được cho là khả thi hơn cả, đó là: Bồi dưỡng, nâng cao đội ngũ làm phê bình văn học trên các cơ quan truyền thông đại chúng và giới nghiên cứu hàn lâm cần tham dự đời sống văn học nhiều hơn. Trong một kỳ họp gần đây của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, có ý kiến cho rằng phải bồi dưỡng những người làm công tác phê bình văn học tại các cơ quan truyền thông, báo chí để có thể đáp ứng yêu cầu công việc kịp thời và hiệu quả. Giải pháp này thực tế chỉ có tính chất tạm thời, bởi nếu không được đào tạo bậc đại học văn chương, những người này rất khó có khả năng thẩm định văn chương, đưa ra nhận định khách quan và đúng đắn. Đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn về cơ bản hiệu quả sẽ không cao.

Hướng đi giới nghiên cứu hàn lâm cần dấn thân vào đời sống văn học nhiều hơn được xem là mang tính lâu dài và có hiệu quả cao hơn. Giới nghiên cứu hàn lâm lâu nay thường sử dụng các khái niệm thuật ngữ văn học chuyên biệt để nghiên cứu văn học, nhưng đa số độc giả không thể hiểu các khái niệm này. Do vậy, để phê bình của giới hàn lâm đi sâu vào độc giả, nhất thiết cần đơn giản hóa các khái niệm, trình bày rõ ràng kiến giải sao cho thật dễ hiểu, sinh động và lôi cuốn. Xu hướng này không có gì lạ khi mà những nhà nghiên cứu lý thuyết văn học hàng đầu như Umberto Eco (1932-2016) cũng thường xuyên viết bài viết ngắn, độc đáo và sâu sắc được dịch ra tiếng Việt với nhan đề “Đi tìm sự thật biết cười” (NXB Hội Nhà văn, 2004). Thực tế, chưa ai có thể tìm hiểu ngọn nguồn vì sao các nhà nghiên cứu hàn lâm Việt Nam chưa thực sự dấn thân, trực tiếp góp tiếng nói với các vấn đề văn học một cách rộng rãi, định hướng dư luận. Trong khi đó rất nhiều nhà tâm lý học, nghệ thuật học bên cạnh tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu bài bản, họ đã tìm cách mở các lớp học về tâm lý, nghệ thuật giảng dạy phổ thông để những ai quan tâm có thể tìm hiểu về chính tâm lý con người và các ngành nghệ thuật. Do vậy, thiết nghĩ, nghiên cứu văn học chuyên sâu là câu chuyện cả cuộc đời nhưng việc phổ biến những nghiên cứu góp sức xây dựng cho việc thẩm định văn chương, tránh những tranh cãi không cần thiết cũng là việc nên làm.

Cả hai giải pháp cần phải tiến hành song song và như đã nói để đánh giá hiệu quả cần phải có thời gian và nhất là từng cá nhân nhà phê bình cụ thể có muốn dấn thân hay không?

VIỆT PHONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/can-su-dan-than-cua-gioi-han-lam-556417