Cần sớm kiểm soát thuốc lá mới

Trong khi tiến độ quản lý thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng vẫn chưa có kết luận thì ngoài thị trường chợ đen, tình hình tội phạm buôn lậu mặt hàng này ngày càng gia tăng và biến tướng nguy hiểm hơn.

Trong khi các trường hợp ngộ độc ma túy do hút thuốc lá điện tử (TLĐT) lậu chưa kịp lắng xuống thì gần đây lại dấy lên việc các đối tượng buôn lậu ma túy dùng tiền dụ dỗ học sinh tiểu học sử dụng TLĐT trá hình chứa chất cấm. Điều này cho thấy nếu vẫn chưa có phương án chế tài nặng tay đối với các hình thức buôn lậu, việc mất kiểm soát sẽ có khả năng xảy ra, để lại những hậu quả khôn lường cho xã hội.

Hút thử thuốc lá điện tử lậu vì được tặng tiền

Cuối tháng 3, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) đã phát đi cảnh báo cho phụ huynh về hiện tượng lừa đảo, dụ dỗ học sinh tiểu học hút và truyền bá TLĐT trong môi trường học đường.

Kẻ gian dụ dỗ học sinh hút thuốc lá điện tử tại khu vực công cộng (hình minh họa)

Kẻ gian dụ dỗ học sinh hút thuốc lá điện tử tại khu vực công cộng (hình minh họa)

Cảnh báo này xuất phát từ việc 5 đối tượng lạ mặt xuất hiện tại Trường Tiểu học Lại Yên, Hoài Đức mời trẻ em hút TLĐT ở công viên. Nhóm này còn hứa hẹn "Hút và rủ thêm người hút sẽ được tặng luôn điếu TLĐT và thêm 50.000 đồng". Một vài em đã hút thử.

Điều đáng nói, các sản phẩm mà các em hút thử đều là hàng lậu, không rõ nguồn gốc, chất lượng, thậm chí cả thành phần chứa trong đó. Khi bị bắt, các nguồn hàng TLĐT này đều chỉ bị xếp chung chung là hàng hóa nhập lậu, không đủ chứng từ, với mức phạt hành chính không đáng kể.

Vừa không ngại mức phạt nhẹ như trên, kẻ gian còn lợi dụng sự non nớt, chưa hiểu biết của trẻ em để không chỉ buôn bán trái phép mà còn dùng TLĐT làm công cụ chứa ma túy, chất cấm, nhằm lôi kéo thế hệ trẻ trở thành "con nghiện" và thậm chí là "kênh phân phối" của chúng. Mới đây, trong một vụ bắt giữ 100 thiết bị TLĐT tại huyện Thạch Thất (Hà Nội), Công an TP Hà Nội đã giám định các sản phẩm và cho thấy 100% số TLĐT này đều chứa chất ma túy ADB-Butinaca. Đây là một loại ma túy không chỉ đang được ngụy trang dưới vỏ bọc TLĐT, mà còn có trong nhiều loại đồ dùng và thực phẩm thường dùng của giới trẻ. Các loại ma túy, tiền chất ma túy này gây ra ảo giác, kích thích thần kinh trung ương, dẫn tới tổn thương các cơ quan nội tạng của người dùng.

Nhiều năm qua, việc kiểm soát các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) bằng luật nào, cách quản lý ra sao… vẫn còn là bài toán chưa có lời giải. Có ý kiến cho rằng nên cấm hoàn toàn nhóm sản phẩm này để người dùng không còn cơ hội tiếp cận, từ đó loại trừ được nguy cơ ngộ độc. Tuy nhiên, cách cấm đoán này chẳng những chỉ hiệu quả đối với thị trường hợp pháp của các sản phẩm chính danh, đầy đủ nhãn mác, chứng từ, mà còn làm lợi cho thị trường chợ đen được bỏ ngỏ để mở rộng chân rết.

Thực trạng này có thể nhìn thấy rõ tại Thái Lan, mặc dù quốc gia này cấm TLĐT, nhưng tỉ lệ buôn lậu trực tuyến các sản phẩm này tăng 97% từ tháng 7 đến tháng 9-2022. Tình trạng TLĐT phổ biến tại thị trường chợ đen Thái Lan đã làm cho du khách khi đến quốc gia này nhầm tưởng sản phẩm đã được cho phép bán hợp pháp. Chưa kể, chính sách cấm của Thái Lan còn gây khó khăn cho du khách quốc tế có sử dụng các sản phẩm này khi du lịch sang đây.

Phải bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng

Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đang hiện diện tại thị trường Việt Nam

Đến nay, ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, cho biết từ cuối năm 2022, lãnh đạo Bộ Công thương đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo Bộ Y tế cùng các Cục, Vụ có liên quan để thống nhất nội dung sửa đổi Nghị định về kinh doanh thuốc lá thay thế cho Nghị định 67/2013. Trên cơ sở đóng góp ý kiến của Bộ Y tế, Bộ Công thương đã hoàn thiện dự thảo Nghị định và đang chờ ý kiến chính thức bằng văn bản từ Bộ Y tế.

Dưới góc độ cơ quan thẩm định pháp luật, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp, phân tích nếu hiểu theo đúng tinh thần của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá thì Nghị định 67/2013 chỉ điều chỉnh những thứ gọi là thuốc lá, còn những thứ chứa cần sa, ma túy thì không còn là thuốc lá, và đương nhiên là bị cấm. Còn sản phẩm nào chứa nguyên liệu thuốc lá thì được xác định là sản phẩm thuốc lá và nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, chứ không thể cấm.

Ông Hải cho rằng nếu TLTHM đã xâm nhập Việt Nam thông qua các con đường xách tay, buôn lậu và trở thành mặt hàng mua bán công khai, thì đã đến lúc chúng ta cần phải sửa đổi hệ thống pháp luật, để đưa vào quản lý ngay vì không có rào cản pháp lý.

Bên cạnh đó, theo Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, việc cấm TLTHM hay không còn phải phụ thuộc vào những cam kết theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đồng quan điểm, ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - đánh giá việc cấm, không cấm hay tạm dừng nhập khẩu TLTHM cần phải rõ ràng, nhất là đối với thông lệ quốc tế, các thỏa thuận hợp tác quốc tế mà Việt Nam đã ký kết và đang là thành viên uy tín, tích cực. "Tất cả cần được cân nhắc một cách cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định đối với loại hàng hóa đặc thù như TLĐT" - ông Hạ nhấn mạnh.

Giới chuyên gia cũng nhìn nhận nếu cuộc tranh luận giữa "cấm hay quản" TLTHM của các bộ ngành càng kéo dài, việc mất kiểm soát tội phạm buôn lậu ma túy trá hình núp bóng trong thiết bị TLĐT là điều không tránh khỏi. Và thực tế, việc công khai dụ dỗ học sinh tiểu học sử dụng TLĐT có chứa ma túy chính là hệ quả rõ ràng nhất mà cơ quan quản lý cần cân nhắc để sớm đẩy nhanh tiến độ ra quyết định kiểm soát tất cả mặt hàng thuốc lá.

Quân Trần

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/suc-khoe/can-som-kiem-soat-thuoc-la-moi-20230410170803869.htm