Cần sớm hoàn thiện các dự án để giảm tải cho cảng Chân Mây

Cảng biển nước sâu Chân Mây có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế -xã hội tỉnh Thừa Thiên-Huế và các vùng lân cận. Tuy nhiên hiện bến số 1 cảng Chân Mây đang quá tải, trong khi bến số 2 và số 3 được thi công chậm tiến độ gây ảnh hưởng đến việc đón tàu vào cảng…

Tìm hiểu được biết, sau hơn 20 năm đưa vào khai thác, hiện cảng Chân Mây có một bến tàu số 1 với chiều dài 480m cầu bến; trong đó, bến phía biển dài 360m, độ sâu 12,5m đáp ứng yêu cầu tiếp nhận các tàu hàng có tải trọng đến 50.000 DWT và tàu du lịch quốc tế hơn 4.000 khách.

Tuy nhiên, trước thực trạng gia tăng về số chuyến tàu hàng và tàu du lịch đăng ký cập cảng Chân Mây thì bến số 1 của cảng đang trở nên quá tải, vượt công suất thiết kế, tàu hàng và tàu du lịch phải vào chung bến dẫn đến nhiều bất cập.

Tiến độ xây dựng bến số 2 và số 3 cảng Chân Mây được đẩy nhanh để phục vụ khai thác tàu.

Tiến độ xây dựng bến số 2 và số 3 cảng Chân Mây được đẩy nhanh để phục vụ khai thác tàu.

Điển hình, Công ty CP Vật liệu xây dựng Lộc An (gọi tắt Công ty Lộc An, đóng ở tỉnh Thừa Thiên-Huế) là doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, nên thường xuyên xuất, nhập hàng qua cảng Chân Mây.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Lộc An phản ảnh, do cảng Chân Mây chỉ có một bến cảng nên khi có nhiều tàu cùng cập bến thì tàu hàng phải nằm chờ ở ngoài biển. Trong khi đó, việc thuê nhân viên bốc xếp, bảo vệ hàng hóa, phí bồi thường cho chủ tàu do trễ hợp đồng vì đợi tàu lên đến hàng chục triệu đồng. Bình quân mỗi năm, Công ty nhập khoảng 10 tàu chở than với trên 20 nghìn tấn thì phải bù lỗ cho các khoản phí nói trên với số tiền rất lớn…

Với mục đích giảm tải cho bến số 1 cảng Chân Mây, từ nhiều năm trước, dự án bến cảng số 2 có chiều dài 280m, tiếp nhận tàu hàng đến 50.000 DWT, với số vốn 849 tỷ đồng do Công ty CP Cảng Chân Mây làm chủ đầu tư và bến cảng số 3 với số vốn 846 tỷ đồng, do Công ty TNHH Hào Hưng Huế làm chủ đầu tư đã được khởi công.

Trong đó, dự án bến số 3 có quy mô 12,1ha, chiều dài bến 270m, được thi công vào tháng 9-2015 và dự kiến đưa vào sử dụng năm 2019. Tuy nhiên, hiện các công trình, hạng mục thi công tại 2 bến cảng này đều đang chậm tiến độ so với kế hoạch.

Lý giải nguyên nhân dự án chậm tiến độ, ông Thang Khánh Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hào Hưng Huế nói rằng, ngoài việc hoàn tất các thủ tục, hồ sơ pháp lý thì đơn vị được Bộ TN&MT cho phép nạo vét 1,2 triệu m3 bùn cát để tận dụng tôn tạo bờ của bến số 3.

Thế nhưng quá trình thực hiện gặp nhiều sự cố do thời gian mưa lớn kéo dài, điều chỉnh quy mô, vị trí từ tuyến luồng nhánh và vũng quay tàu nên thời gian nạo vét và san lấp mặt bằng bị gián đoạn. Vì thế, Công ty đã xin UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế gia hạn tiến độ thêm 9 tháng và được chấp thuận, dự kiến đến hết tháng 9-2020 dự án sẽ hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu khai thác tàu.

Ngoài ra, theo phản ánh của một số doanh nghiệp khác, cảng Chân Mây có bãi tập kết hàng hóa để cho các công ty, đơn vị có nhu cầu thuê làm bãi chứa than, dăm gỗ và các loại hàng hóa được bốc dỡ từ tàu hàng vào cảng để chờ vận chuyển đến nhà máy sản xuất, hoặc đưa đi tiêu thụ. Nhưng thời gian gần đây, các bãi tập kết này đã được yêu cầu đóng cửa khiến các doanh nghiệp thường xuyên có tàu hàng cập cảng Chân Mây gặp không ít khó khăn.

Cụ thể, Công ty CP LEC Group thuê bãi với diện tích khoảng 7.700m2 ở cảng Chân Mây để chứa than. Lo ngại bãi than gây ảnh hưởng đến môi trường và hoạt động đón tàu du lịch nên Ban Quản lý khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu Công ty CP Cảng Chân Mây và Công ty CP LEC Group chấm dứt hoạt động bãi chứa than nói trên, khẩn trương xử lý số than còn tồn đọng. Vì thế doanh nghiệp này buộc phải vào cảng Tiên Sa, TP Đà Nẵng để thuê bãi tập kết than dù chi phí vận chuyển tăng gấp nhiều lần.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP cảng Chân Mây cho hay, ngoài việc đôn đốc các đơn vị thi công khắc phục khó khăn, huy động nhân lực, trang thiết bị thi công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bến cảng số 2 và số 3, đơn vị còn đề xuất các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế quy hoạch thêm điểm trung chuyển hàng hóa ở khu vực phụ cận cảng để đáp ứng yêu cầu vận tải, bốc dỡ hàng hóa.

Theo ông Chương, việc thực hiện dự án xây dựng bến cảng số 2 và số 3 là rất cấp thiết để tiếp nhận lượng hàng hóa và đón tàu du lịch quốc tế cập cảng đang gia tăng. Dự kiến trong năm 2020, cảng Chân Mây sẽ có 3 cầu cảng hoạt động với lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 7,4 triệu tấn/năm, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa của các doanh nghiệp cũng như phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.

Anh Khoa

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/xa-hoi/can-som-hoan-thien-cac-du-an-de-giam-tai-cho-cang-chan-may-590963/