Cần sớm hỗ trợ tôn lợp nhà cho người dân Bắc Kạn

Đến mùng 2 Tết (ngày 26-1), hơn 3.000 hộ dân chịu thiệt hại do mưa đá ở Bắc Kạn xảy ra vào đêm giao thừa đã ổn định cuộc sống, tiếp tục đón Tết. Phần lớn nhà cửa hư hại mái dưới 50% đã được lợp lại bằng ngói và tấm lợp phi-bro xi-măng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, vì với những vật liệu không thể chống chịu được mưa đá như vậy, người dân vẫn cứ thấp thỏm hằng đêm.

Người dân thôn Bản Duồm B, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn lợp lại mái nhà bị vỡ do mưa đá trong đêm 24-1.

Người dân thôn Bản Duồm B, xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn lợp lại mái nhà bị vỡ do mưa đá trong đêm 24-1.

NDĐT - Đến mùng 2 Tết (ngày 26-1), hơn 3.000 hộ dân chịu thiệt hại do mưa đá ở Bắc Kạn xảy ra vào đêm giao thừa đã ổn định cuộc sống, tiếp tục đón Tết. Phần lớn nhà cửa hư hại mái dưới 50% đã được lợp lại bằng ngói và tấm lợp phi-bro xi-măng. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, vì với những vật liệu không thể chống chịu được mưa đá như vậy, người dân vẫn cứ thấp thỏm hằng đêm.

Đêm giao thừa (24-1) vui đón năm mới bỗng nhiên trở thành “ác mộng” đối với 3.280 hộ dân ở 21 xã, thuộc năm huyện, gồm: Ngân Sơn, Chợ Đồn, Chợ Mới, Bạch Thông và Na Rì khi nhà ở bị tốc mái, vỡ, thủng tấm lợp, ngói với mức độ hư hỏng trên 50%. Mưa rào và dông lốc kèm theo ba đợt mưa đá với mật độ dày, đường kính viên đá phổ biến từ 0,5 đến 3 cm, có nơi lớn hơn 5 cm (to bằng quả trứng gà) khiến cho những mái ngói âm dương, tấm lợp phi-bro xi-măng vỡ vụn nhanh chóng.

Ngân Sơn là địa bàn có tới năm xã, gồm: Thượng Quan, Cốc Đán, Ngân Sơn, Trung Hòa, Nà Phặc chịu thiệt hại do mưa đá trong đêm giao thừa. Mưa đá vừa dứt, không khỏi xót xa khi chứng kiến những mái nhà thủng lỗ chỗ vì mưa đá, nhiều nhà hư hỏng toàn bộ mái lợp; nhiều cháu nhỏ co ro trong mưa rét ngay trong đêm giao thừa. Ở Thượng Ân, hầu hết nhà của nhân dân làm theo kiểu cổ, mái lợp ngói âm dương đã trải qua nhiều thế hệ nên không thể chống chịu được trước sức nặng, gia tốc của những viên đá to bằng quả trứng gà đổ xuống. Nhiều hộ đáng ra được vui năm mới thì lại phải đón Tết trong cảnh màn trời, chiếu đất.

Ông Đồng Văn Dong, thôn Bản Duồm B cho biết, đến giờ cả gia đình vẫn chưa hết hãi hùng trước độ tàn phá của mưa đá. Khoảng hơn 19 giờ tối 24-1, cả nhà quây quần bên bếp lửa, sẵn sàng mâm cỗ đón mừng năm mới thì mưa đổ xuống. Ban đầu chỉ nghe lách cách trên mái ngói, rồi bất ngờ, mưa đá ồ ạt, ngói vỡ vụn như có ai dùng búa tạ đập vào. Thật may, trong nhà còn có một góc có trần bằng ván nên cả nhà chui vào đó tránh nhưng toàn bộ thực phẩm chuẩn bị cho Tết, thóc, tài sản trong nhà hư hỏng, ướt sũng nước. Ở Bản Duồm B và các thôn khác tại Thượng Ân, phần lớn các hộ đều chịu thiệt hại như nhà ông Dong. Ngược lại, những hộ đã lợp mái bằng tôn cứng thì không ảnh hưởng gì.

Bí thư Huyện ủy Ngân Sơn Hà Sỹ Thắng cho biết, thiệt hại phần lớn rơi vào những hộ lợp mái nhà bằng ngói và tấm lợp phi-bro xi-măng. Đặc biệt, các xã Bằng Vân, Thượng Ân, Cốc Đán chủ yếu là nhà xây gạch kiên cố nhưng mái lợp ngói âm dương rất lâu đời. Do vậy, nhà ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè nhưng phần mái không thể chịu được mưa đá.

Lực lượng dân quân xã Thượng Ân, huyện Ngân Sơn giúp người dân lợp lại mái nhà bị vỡ do mưa đá.

Bạch Thông là địa bàn đứng thứ hai về số nhà bị hư hại do mưa đá đợt này ở Bắc Kạn với tổng số 583 nhà. Bí thư Huyện ủy Bạch Thông Đồng Văn Lưu cho biết, trong hai ngày qua, huyện huy động cả lực lượng quân đội của Ban Chỉ huy quân sự huyện và công an huyện xuống các thôn giúp dân lợp tạm lại mái nhà bằng bạt, cấp chăn ấm, di chuyển một số hộ tới nhà họp thôn, bảo đảm cho người dân có chỗ ngủ. Đến ngày 26-1, hầu hết các hộ bị hỏng toàn bộ mái nhà đã ổn định chỗ ở, có điều kiện tiếp tục ăn Tết. Chúng tôi chỉ đạo các xã, tập trung lực lượng tại chỗ tiếp tục giúp dân trong vài ngày tới để sau đó hỗ trợ cho nhân dân lợp lại nhà. Để chống chịu hiệu quả với mưa đá thì giải pháp tốt nhất là lợp tôn cứng nhưng giá thành vật liệu này lại đắt đỏ so với thu nhập của người dân.

Thực tế, đây không phải là bài học mới đối với tỉnh Bắc Kạn. Trước đó, vào tháng 4-2018, một trận mưa đá với đá viên kích thước tương tự như đợt mưa này đã “đập nát” mái nhà của hơn 1.000 hộ dân tại huyện Pác Nặm. Có những xã như Xuân La, toàn bộ nhà dân “trắng mái” vì mưa đá do chủ yếu lợp bằng tấm lợp phi-bro xi-măng. Tháng 4-2019, tại hai xã Sỹ Bình và Vũ Muộn (Bạch Thông), mưa đá làm vỡ 1.300 tấm lợp, 150 tấm úp nóc, 4.500 viên ngói của 130 hộ dân. Bắc Kạn đã phải xin hỗ trợ kinh phí từ trung ương để giúp người dân lợp lại toàn bộ nhà hư hỏng 100% mái bằng tôn cứng. Đến nay, với mái tôn cứng, các hộ đã được hỗ trợ hoàn toàn yên tâm trong mùa mưa, không còn lo mưa đá.

Không thể phủ nhận, ngói và tấm lợp phi-bro xi-măng rất hữu dụng ở các thôn, bản vùng cao tại Bắc Kạn do giá rẻ, dễ vận chuyển, dễ thi công. Trong khi đó, tôn cứng giá thành cao, khó vận chuyển, cần có thợ và máy bắn tôn mới có thể thi công được. Về lâu dài để ổn định chỗ ở, bảo đảm an toàn trong thiên tai, Bắc Kạn đã chỉ đạo cần phải thay thế, lợp lại mái che bằng tôn cứng, tuy nhiên, kinh phí ở đâu thì đang là bài toán khó. Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, với 3.280 nhà bị thiệt hại trong đợt này, trung bình mỗi nhà cần 150 m2 tôn cứng với giá khoảng 80.000 đồng/m2, ước kinh phí thực hiện đã lên tới ngót nghét 40 tỷ đồng. Đây là số kinh phí lớn, vượt quá khả năng cân đối của một tỉnh nghèo thu ngân sách chưa đầy 800 tỷ đồng/năm.

Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Kạn Hà Kim Oanh cho biết, chúng tôi hiểu rõ việc lợp tôn cứng là giải pháp hữu hiệu nhất giúp người dân chống chịu được mưa đá thường xuyên xảy ra trên địa bàn. Tuy nhiên, với giá thành cao, chi phí vận chuyển, thi công lớn thì rõ ràng quá sức người dân và của tỉnh nên chưa thể thực hiện một cách đồng bộ trên diện rộng ngay được. Việc cần kíp bây giờ là sớm hỗ trợ ngay cho các hộ vừa bị thiệt hại trong đợt mưa đá vừa qua.

Trước mắt, để hỗ trợ 3.280 hộ dân bị hư hỏng mái nhà trong đợt mưa đá vừa qua, tỉnh Bắc Kạn đã kiến nghị trung ương hỗ trợ cho tỉnh 39 tỷ đồng để mua tôn cứng, lợp lại nhà cho các hộ bị thiệt hại. Tuy nhiên, 3.280 hộ này mới chỉ ở 21 xã, trong khi Bắc Kạn còn hàng nghìn thôn, bản vùng cao ở hơn 100 xã khác mà phần lớn vẫn lợp nhà bằng ngói và tấm lợp phi-bro xi-măng. Do vậy, các bộ, ngành trung ương cần sớm cấp kinh phí cho Bắc Kạn để hỗ trợ ngay các hộ đang chịu thiệt hại.

Về lâu dài, có giải pháp, biện pháp hỗ trợ lợp mái tôn cứng hoặc vật liệu khác phù hợp thay thế cho nhân dân, tránh lặp lại bài học đắt giá đã hai lần xảy ra trong năm 2019 và 2020 nhất là khi mưa đá ở địa phương này đang có chiều hướng diễn ra thường xuyên hơn.

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, tính đến ngày 26-1, do ảnh hưởng của mưa đá trong đêm 24-1 toàn tỉnh đã có 3.280 nhà dân bị hư hại trên 50% mái lợp do mưa đá; làm dập, nát, hư hỏng hàng trăm ha cây thuốc lá mới trồng, cây khoai tây đang trong thời kỳ thu hoạch. Tỉnh tổ chức họp khẩn cấp Ban chỉ huy PCTT - TKCN chỉ đạo, đối với những hộ bị hỏng toàn bộ mái nhà di chuyển tới nhà người thân gần nhất, nhà họp thôn, cấp bạt, chăn để tạm thời ổn định chỗ ở. Các địa phương chủ động khắc phục theo phương châm “bốn tại chỗ”; tiếp tục rà soát, đánh giá thiệt hại; khẩn trương chỉ đạo trồng lại diện tích thuốc lá bị hư hỏng; duy trì trực ban, trực chiến đấu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tham gia khắc phục, ứng cứu sự cố khi có yêu cầu.

TUẤN SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43046502-can-som-ho-tro-ton-lop-nha-cho-nguoi-dan-bac-kan.html