Cần sớm đưa Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng hoạt động trở lại

Sau hàng chục năm thi công xây dựng, Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) có tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, hạng mục quan trọng của dự án là Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng gặp sự cố từ tháng 8-2019, từ đó đến nay nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm không được xử lý, ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Cầu. Song, việc xử lý sự cố lại rất chậm trễ.

NDĐT - Sau hàng chục năm thi công xây dựng, Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên (Thái Nguyên) có tổng mức đầu tư 950 tỷ đồng hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, hạng mục quan trọng của dự án là Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng gặp sự cố từ tháng 8-2019, từ đó đến nay nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm không được xử lý, ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Cầu. Song, việc xử lý sự cố lại rất chậm trễ.

Nhà máy xử lý nước thải “đắp chiếu”

Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên là dự án trọng điểm của tỉnh Thái Nguyên, có tổng mức đầu tư rất lớn, nhân dân TP Thái Nguyên kỳ vọng khi dự án hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ngập úng cục bộ tại một số vị trí, đặc biệt là nước thải sinh hoạt bị ô nhiễm với khối lượng khoảng 8.000 m3 mỗi ngày được thu gom, xử lý trước khi thải ra sông Cầu.

Nhân dân TP Thái Nguyên đã từng ngao ngán trước tình trạng dự án được triển khai xây dựng với tiến độ “rùa bò”, mất rất nhiều năm mới hoàn thành các hạng mục, gồm: Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng; chín trạm bơm nước thải, 17 km đường ống, 345 hố ga thu nước, 400 m suối Xương Rồng 1, 200 m suối Xương Rồng 2, xây dựng hồ điều hòa Cống Ngựa và suối Cống Ngựa...

Cuối cùng, dự án cũng hoàn thành, vận hành hệ thống từ năm 2018. Tuy nhiên, việc vận hành hệ thống chưa được bao lâu thì một trong những hạng mục quan trọng nhất là Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng có vốn đầu tư rất lớn xảy ra sự cố, làm cho nhân dân thất vọng, hoài nghi về chất lượng thiết bị, lắp đặt và trình độ quản lý, vận hành. Cụ thể, nhà máy này có tổng vốn đầu tư hơn 200 tỷ đồng, công suất xử lý 8.000 m3 nước thải sinh hoạt/ngày, được vận hành thử từ năm 2018, đến ngày 24-8-2019 thì xảy ra sự cố cháy ba tủ điện tại phòng điều khiển của nhà máy, làm cho toàn bộ hệ thống xử lý nước thải tê liệt, không thể hoạt động được; cán bộ, công nhân nhà máy nghỉ việc, không có thu nhập.

Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng “đắp chiếu” từ khi gặp sự cố đến nay, nước thải sinh hoạt không được xử lý gây ô nhiễm làm dư luận thất vọng. Điển hình là hồ điều hòa Cống Ngựa trên địa bàn phường Hoàng Văn Thụ được đầu tư xây dựng rộng 2,5 ha, có chức năng thu gom nước thải trong khu vực để đưa về Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng. Từ khi Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng “đắp chiếu”, nước thải không được bơm về nhà máy, chảy tự nhiên vào hồ, gây ô nhiễm khu vực chung quanh.

Đứng trên bờ hồ điều hòa Cống Ngựa, thấy nước thải từ các khu vực lân cận chảy về đen ngòm, bốc mùi hôi tanh rất khó chịu, điều đó cho thấy nhân dân sinh sống chung quanh hồ phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng từ khi Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng dừng hoạt động. Mặt khác, lượng nước thải sinh hoạt rất lớn của TP Thái Nguyên bị ô nhiễm không được xử lý, xả ra sông Cầu gây ô nhiễm nguồn nước. Nhà máy dừng hoạt động lâu ngày, các thiết bị cũng bị ảnh hưởng, xuống cấp.

Loay hoay khắc phục sự cố

Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng ngừng hoạt động từ tháng 8-2019 do cháy ba tủ điện.

Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng ngừng hoạt động từ tháng 8-2019 do cháy ba tủ điện.

Từ khi ba tủ điện tại phòng điều khiển của Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng bị cháy đến nay đã mười tháng, chủ đầu tư Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP Thái Nguyên là Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã bàn nhiều giải pháp nhưng đến nay chưa khắc phục được.

Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên Trương Văn Dũng lý giải: “Sau khi xảy ra sự cố, mất ba tháng để cơ quan chức năng điều tra nguyên nhân, sau khi cơ quan chức năng kết luận là do sự cố, không có phá hoại mới tính đến việc khắc phục thì thấy rất phức tạp, cần kinh phí lớn, chưa xác định được chủ đầu tư, đơn vị lắp đặt hay bên cung cấp thiết bị chịu trách nhiệm. Toàn bộ thiết bị của Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng được nhập khẩu, đơn vị cung cấp thiết bị ở nước ngoài, thời gian vừa qua do dịch Covid-19 nên không thể sang để bàn các giải pháp khắc phục sự cố cụ thể”.

Cuối tháng 3-2020, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức cuộc họp với chủ đầu tư dự án và lãnh đạo các sở, ngành liên quan, đồng ý cho Công ty TNHH MTV Thoát nước và Phát triển hạ tầng đô thị Thái Nguyên vay vốn từ nguồn Quỹ phát triển của tỉnh để hỗ trợ người lao động mất việc làm và khắc phục sự cố Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng. Tuy nhiên, việc này đến nay chưa thực hiện được, vì liên quan đến các bên tư vấn dự án, cung cấp, lắp đặt thiết bị.

Đầu tháng 6-2020, UBND tỉnh Thái Nguyên và chủ đầu tư dự án tổ chức cuộc họp với các bên liên quan để xác định giải pháp cụ thể khắc phục sự cố. Tuy nhiên, cuộc họp chưa đi đến thống nhất bên nào phải chịu trách nhiệm về kinh phí khắc phục sự cố với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng. Do đó, chưa biết đến bao giờ nhà máy xử lý nước thải có vốn đầu tư rất lớn này mới hoạt động trở lại.

Nhà máy có số vốn đầu tư rất lớn, có ý nghĩa thiết thực đối với bảo vệ môi trường “đắp chiếu” đã mười tháng và chưa biết khi nào vận hành trở lại làm dư luận bức xúc, hoài nghi. Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên cần xác định cụ thể thiệt hại, thời gian, phương án khắc phục, bên nào chịu trách nhiệm khắc phục sự cố nhằm đưa Nhà máy xử lý nước thải Gia Sàng hoạt động trở lại, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân, góp phần tích cực bảo vệ nguồn nước sông Cầu không bị ô nhiễm để phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân các tỉnh mà dòng sông chảy qua.

THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/44951402-can-som-dua-nha-may-xu-ly-nuoc-thai-gia-sang-hoat-dong-tro-lai.html