Cần sớm di dời các nhà máy, kho hóa chất nguy hại ra khỏi nội đô

Phần lớn người dân đều mong muốn di dời nhà máy, kho hóa chất có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi nội đô Hà Nội và muốn trên diện tích đất đó sẽ xây dựng công viên, cơ sở y tế hoặc cơ sở giáo dục...

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, xử lý nguy cơ cháy, nổ các kho, nhà máy hóa chất trong thành phố. Chỉ đạo này được ban hành bởi trước đó, trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ cháy các kho, nhà máy hóa chất ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường và sức khỏe của người dân. Đơn cử như vụ cháy kho hóa chất ở phường Thượng Thanh, quận Long Biên hồi đầu tháng 7/2020 hay trước đó là vụ cháy Công ty Rạng Đông tháng 8/2019…

Từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có thể thấy hiện trạng trong nội đô vẫn còn nhiều kho, nhà máy hóa chất chưa di dời. Sự cần thiết của việc di dời các kho, nhà máy hóa chất ra khỏi nội đô là vấn đề tốn không ít giấy mực của báo chí sau khi xảy ra các vụ cháy nổ kho hóa chất. Tuy nhiên, có một thực trạng là kể từ thời điểm xảy ra vụ cháy tại Công ty Rạng Đông đến nay, việc di dời các kho, nhà máy hóa chất hầu như vẫn dậm chân tại chỗ. Theo ghi nhận của PetroTimes, đến nay mới có Nhà máy chế biến thuốc lá Thăng Long di dời đến huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Hiện trường vụ cháy công ty Rạng Đông.

Hiện trường vụ cháy công ty Rạng Đông.

Tại nhiều diễn đàn, hội thảo về việc di dời các nhà máy hóa chất ra khỏi thành phố, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tổng rà soát, đánh giá nguy cơ sự cố với các cơ sở sản xuất, lưu giữ, bảo quản hóa chất, trường hợp tiềm ẩn nguy cơ cao cần lập tức di dời ra khỏi khu dân cư đông đúc, tránh sự cố môi trường nghiêm trọng do cháy hóa chất có thể xảy ra. Bên cạnh đó, đa phần người dân khi được hỏi đều bày tỏ mong muốn các kho, nhà máy hóa chất sớm được di dời ra khỏi nội đô.

Ông Lê Quang Bình – đại diện Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) mới đây đã công bố kết quả khảo sát ý kiến của người dân về không gian công cộng và việc di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư tại tọa đàm “Hiện trạng di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư và cơ hội mở rộng không gian công cộng”.

Theo đó, có tới 98% người dân được hỏi ủng hộ quyết định di dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư của thành phố Hà Nội. Đa số người dân muốn nhà máy chuyển đi được thay bằng công viên (93%), cơ sở y tế (43%) hoặc cơ sở giáo dục (40%). Điều này cũng nhất quán với nhu cầu của người dân Hà Nội khi 92% cho rằng không gian công cộng là quan trọng với lối sống của họ và 79% cho rằng Hà Nội đang thiếu không gian công cộng”.

Cũng tại tọa đàm, các đại biểu tham dự cho rằng, để cân bằng lợi ích của đa số người đân và chủ đầu tư thì cơ quan nhà nước, cụ thể là UBND thành phố cần đứng ra để lắng nghe tất cả các bên. Nhiều đại biểu cũng cho biết các cơ quan đại diện cho người dân như HĐND thành phố cần giám sát chính sách để không để xẩy ra tình trạng mục đích tốt đẹp của việc di dời nhà máy để giảm tải, giảm ô nhiếm, tăng không gian cộng nhưng thực tế lại thay thế bằng chung cư thương mại.

Nhà máy thuốc lá Thăng Long mới di dời về KCN Quốc Oai - Thạch Thất nhưng người dân đã phản ánh tình trạng ô nhiễm không khí.

Trong một lần trao đổi với PetroTimes, ông Lê Hồng Phong - Công ty Cổ phần môi trường đô thị và Công nghiệp 10 - đơn vị thường xuyên thực hiện việc xử lý hậu quả sau vụ cháy kho, nhà máy hóa chất cho biết, việc di dời các nhà máy, kho hóa chất ra khỏi nội đô là điều cần phải làm ngay. Bởi bình thường thì không sao nhưng khi xảy ra sự cố, mặc dù đã có các phương án dự phòng rồi nhưng vẫn không thể tránh khỏi hậu quả, ảnh hưởng đến môi trường và con người.

Theo tôi được biết, hiện ở Hà Nội còn rất nhiều nhà máy, kho hóa chất đang nằm trong dân, nếu xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân vì vậy, cơ quan chức năng cần phải có kế hoạch dài hơi, lộ trình và kiên quyết để thực hiện việc di dời.

Tùy thuộc vào loại hóa chất và hàm lượng, nồng độ của hóa chất, tùy vào sự cố sẽ dẫn đến những hậu quả, tác động khác nhau. Như vụ cháy kho hóa chất ở Long Biên hồi tháng 7 vừa qua, tại thời điểm xảy ra cháy, nếu người bình thường không có đồ bảo hộ có thể ngất, nhưng sau một thời gian, hóa chất đó sẽ bay hết. Nhưng với vụ việc đổ chất thải nguy hại vào nguồn nước sông Đà thì khác. Bởi hóa chất đổ xuống đất, ngấm sâu nên phải xử lý cả đất.

Cũng theo ông Phong, các công nhân của công ty ông cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường xử lý hậu quả các vụ cháy, nổ hóa chất bởi có nhà máy, kho hóa chất nằm sâu trong ngõ. Chính vì vậy, ông Phong đồng tình với việc cần di dời các nhà máy, kho hóa chất ra khỏi nội đô và phải làm càng sớm càng tốt.

Xuân Hinh

Nguồn PetroTimes: https://batdongsan.petrotimes.vn/can-som-di-doi-cac-nha-may-kho-hoa-chat-nguy-hai-ra-khoi-noi-do-575648.html