Cần sớm công bố lộ trình di dời KCN Biên Hòa I

Đó là một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa I, tỉnh Đồng Nai kiến nghị với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, tại buổi tiếp xúc chuyên đề ngày 26-9.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại KCN Biên Hòa I.

Cụ thể, tại buổi tiếp xúc, nhiều đại diện doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN Biên Hòa I bày tỏ đồng tình chủ trương di dời toàn bộ các doanh nghiệp đang sản xuất để chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1.

Tuy nhiên, chủ trương này đã có khoảng từ khoảng 10 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa lộ trình cụ thể. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp do không dám đầu tư, mở rộng sản xuất mà phải gần như hoạt động cầm chừng. Do đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần sớm công bố thời gian di dời, chính sách hỗ trợ khi di dời và điểm đến đầu tư mới.

Cùng quan điểm trên, đại diện lãnh đạo Tổng công ty Sonadezi, đơn vị đang quản lý hạ tầng KCN Biên Hòa I cho rằng, việc chưa có lộ trình, phương án đền bù, chính sách hỗ trợ để thực hiện di dời nên đơn vị không dám đầu tư cải tạo hạ tầng, khiến nhiều hạng mục xuống cấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất lớn.

Trước ý kiến trên, đại diện các sở, ngành và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết, lộ trình, chính sách bồi thường, hỗ trợ di dời KCN Biên Hòa I, liên quan các cơ quan T.Ư nên phải chờ khi có chỉ đạo thì mới tính toán cụ thể và công bố cho doanh nghiệp.

Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Năm ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp và cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai sẽ tổng hợp, gửi đến các cơ quan chức năng trong thời gian sớm nhất để có biện pháp giải quyết.

KCN Biên Hòa I ra đời năm 1963, tổng diện tích 323 ha. Hiện, có khoảng 80 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 40 doanh nghiệp có hợp đồng thuê đất đến năm 2051. Theo tính toán, mỗi ngày các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây xả hơn 9.000 m3 nước thải, trong đó chỉ có khoảng 1.000 m3 được đấu nối qua KCN Biên Hòa II để xử lý, phần còn lại các doanh nghiệp tự xử lý rồi xả trực tiếp ra sông Đồng Nai.

Năm 2009, UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất và Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng KCN này. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tổng mức đầu tư đề án di dời và chuyển đổi công năng KCN I là hơn 15 nghìn tỷ đồng.

Mới đây, tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan, đồng chí Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai khẳng định, di dời KCN Biên Hòa I là vấn đề cấp bách, không thể trì hoãn thêm. Bởi hơn một triệu người dân TP Biên Hòa và hàng triệu người dân các tỉnh Đông Nam Bộ phụ thuộc vào nước sông Đồng Nai. Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường, cuối năm 2022, Đồng Nai sẽ đóng cửa KCN Biên Hòa I.

Một góc KCN Biên Hòa I.

THIÊN VƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37734602-can-som-cong-bo-lo-trinh-di-doi-kcn-bien-hoa-i.html