Cần sớm có quy định pháp lý để quản lý thuốc lá điện tử

Tổ chức Y tế thế giới đã có khuyến cáo về tác hại của thuốc lá điện tử (TLĐT) và thuốc lá làm nóng đối với sức khỏe người tiêu dùng cũng như môi trường sống. Thế nhưng ở nước ta hiện vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật và quy định pháp lý cụ thể để quản lý đối với các sản phẩm này.

Mối nguy hại từ thuốc lá điện tử

Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới cho biết: Tất cả các loại thuốc lá, bao gồm cả TLĐT và thuốc lá làm nóng đều độc hại. Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), đến ngày 4-2-2020, đã có 64 ca tử vong và 2.758 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp phải nhập viện do TLĐT hoặc liên quan đến hút TLĐT được ghi nhận ở Mỹ.

Một số nghiên cứu khác trên thế giới về tác động của TLĐT đến sức khỏe người tiêu dùng đã chỉ rõ: Trong hơi được tạo ra từ thuốc lá điện tử (sol khí) có chứa glycols, aldehydes, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, hydro cacbon thơm đa vòng, nitrosamines, kim loại, phân tử silicate và các chất khác. Dicarbonyls (glyoxal, methylglyoxal, diacethyl) và hydroxycarbonyls (acetol) cũng được cho là hợp chất quan trọng trong sol khí. Các chất này là độc tố được chứng minh gây nên hàng loạt thay đổi bệnh lý quan trọng. Các hạt siêu mịn trong khói TLĐT có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển những bệnh tim mạch hoặc hô hấp cho cả người hút và người xung quanh. Một số kim loại nặng, như: Chì, bạc, niken và formaldehyde tìm thấy trong sol khí của một số loại TLĐT. Ngoài ra, trong khói TLĐT có chứa nicotine. Ngoài tính gây nghiện, nicotine có thể gây tác động tiêu cực đến sự phát triển thai nhi trong quá trình mang thai và các bệnh tim mạch. Tiếp xúc với nicotine ở trẻ vị thành niên và thai nhi có ảnh hưởng lâu dài đến phát triển não bộ, tiềm năng dẫn đến rối loạn học tập và rối loạn tâm thần kinh. Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy, việc hít phải các hương liệu trong dung dịch TLĐT lâu dài sẽ gây ra tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. Kết quả nghiên cứu tại Mỹ năm 2018 cho thấy, sử dụng TLĐT hằng ngày có liên quan tới việc tăng tỷ lệ mắc bệnh nhồi máu cơ tim.

Việc sử dụng TLĐT làm gia tăng tương ứng các vụ ngộ độc nicotine do tiếp xúc, hoặc uống dung dịch được sử dụng trong TLĐT. Các quan sát tại Mỹ cho thấy, trẻ em có nguy cơ phơi nhiễm cao với TLĐT và dung dịch nicotine, trong đó, bao gồm cả những ảnh hưởng từ tương đối nhẹ như kích ứng mắt, da, buồn nôn, nôn... đến bệnh nặng đe dọa tính mạng và một số trường hợp tử vong. Ngoài ra, việc sử dụng TLĐT tiềm ẩn nguy cơ gây nên cháy, nổ. Hiện nay, đã có 200 trường hợp phát nổ được ghi nhận tại Anh và Mỹ, trong đó có trường hợp thương tích đe dọa tính mạng, gây thiệt hại về tài sản.

Khó khăn trong quản lý thuốc lá điện tử ở nước ta

Theo các cơ quan chức năng, hiện nay TLĐT được các công ty hoặc người bán hàng quảng cáo là sản phẩm ít gây hại, rồi quảng cáo sử dụng TLĐT để cai thuốc lá truyền thống... Những quảng cáo này đăng trên nhiều trang mạng xã hội, video quảng cáo, giới thiệu sản phẩm gây hiểu sai lệch cho người sử dụng. Ngoài ra, việc sử dụng người nổi tiếng để quảng cáo TLĐT cũng làm tăng tính hấp dẫn đối với người sử dụng. Bên cạnh đó, các công ty sản xuất thuốc lá đang tập trung thiết kế sản phẩm với hình thức nhỏ, đẹp, bắt mắt, hướng đến giới trẻ. Trên thực tế, TLĐT đang được bán trôi nổi trên thị trường và sử dụng tại Việt Nam nhưng chưa có quy định nào quản lý đối với sản phẩm này. Đến thời điểm hiện tại, đã có 42 quốc gia trên thế giới cấm TLĐT. Tại cuộc họp các bên tham gia Công ước khung về phòng, chống tác hại của thuốc lá lần thứ 8 đã đưa ra khuyến nghị về những sản phẩm thuốc lá mới, trong đó có nêu “ngăn chặn sự khởi đầu của các sản phẩm thuốc lá mới” là một trong những giải pháp ưu tiên đối với các nước.

Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Trước những tác hại của shisha và TLĐT với sức khỏe của người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, Bộ Y tế cũng đang phối hợp cùng Bộ Công Thương đề xuất với Chính phủ và Quốc hội ra quy định cấm sử dụng, nhập khẩu sử dụng TLĐT, shisha vào năm 2020. Riêng đối với thuốc lá làm nóng, do áp dụng quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là dùng nguyên liệu thuốc lá và chế phẩm khác có liên quan, nên theo luật, loại này vẫn được cho phép sử dụng. Tuy nhiên, cần phải có những quy định mang tính đặc biệt hơn như cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh và phải có quy định quy chuẩn quốc gia cho loại thuốc này để giới hạn hàm lượng an toàn đối với người sử dụng. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm quản lý TLĐT ở các nước trên thế giới, để bảo vệ sức khỏe của người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên thì việc cấm sản xuất, kinh doanh sản phẩm TLĐT ở Việt Nam là cần thiết.

DƯƠNG SAO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/can-som-co-quy-dinh-phap-ly-de-quan-ly-thuoc-la-dien-tu-610326