'Cần số thực để có cơ sở hoạch định chính sách'

Lo ngại số TNLĐ xảy ra trong khu vực không có quan hệ lao động nhiều và có nhiều người chết, tuy nhiên theo Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) Hà Tất Thắng, 'chúng ta cần con số thực để trên cơ sở đó hoạch định chính sách'.

Tăng cả về số vụ và số người chết

Theo báo cáo của 51/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, năm 2018 cả nước xảy ra 907 vụ TNLĐ làm 970 người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động bị nạn trong đó có 417 người chết. So với năm 2017, tăng 59,16% về số người chết và 57,6% số vụ TNLĐ có người chết.

“Con số này này tăng là do việc chấp hành báo cáo TNLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động tốt hơn so với năm 2017”, Cục trưởng Hà Tất Thắng thông tin. Theo ông Thắng, nếu như năm 2017 mới chỉ có 43 tỉnh, TP thực hiện việc thống kê TNLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động thì năm 2018 đã có 51/63 tỉnh, TP báo cáo (tăng 18,6%). Chứng tỏ chính quyền địa phương từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh đã quan tâm hơn đến việc thống kê TNLĐ trong khu vực không có quan hệ lao động.

“Từ trước đến nay, Việt Nam chưa hề có điều tra về TNLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Kể từ khi Luật An toàn vệ sinh lao động có hiệu lực từ ngày 1-7-2016 thì theo quy định của Luật mới thực hiện việc thống kê. Đây là một việc làm mới, khó nhất là trong bối cảnh nguồn lực cấp xã còn hạn chế. Trên thế giới hiện nay cũng chỉ có 6 quốc gia luật hóa việc thống kê này”, Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng thông tin.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc số vụ TNLĐ trong khu vực ngoài hợp đồng tăng là do thực tế tăng hay do công tác thống kê đã được thực hiện tốt hơn , Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng cho biết: “Khi quy định việc thống kê TNLĐ trong khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động vào trong Luật An toàn vệ sinh lao động, đã dự liệu là số TNLĐ sẽ tăng. Kết quả thống kê không ngoại dự liệu số TNLĐ có người chết trong khu vực này tăng. Nhưng chúng ta cần con số thực để trên cơ sở đó hoạch định chính sách”.

Cũng theo Cục trưởng Hà Tất Thắng, kết quả thống kê điều tra qua các kênh khác phần nào có thể chứng minh cho điều này. Chẳng hạn qua thống kê của BV các vụ tai nạn xử lý thương tích mà xác minh đó là TNLĐ, điều tra qua sổ thống kê khai tử ở cấp xã số người chết trong cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là khoảng hơn 2.000 người. Khai báo bằng con đường chính thức của chính quyền địa phương là 1.039 người. Trước kia khi việc thống kê chưa được thực hiện đầy đủ thì con số này chỉ có khoảng hơn 600 người thôi, chiếm 1/4. Giờ qua khai báo đã nâng lên 1/2 rồi.

“Đây là một sự cố gắng của các cấp các ngành, cơ quan trong công tác thống kê Vì nguồn lực cấp xã cũng có hạn”, ông Thắng nói.

Dự thảo Nghị định về bảo hiểm TNGT đang được xây dựng, hoàn thiện với nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng.

Dự thảo Nghị định về bảo hiểm TNGT đang được xây dựng, hoàn thiện với nhiều chính sách hỗ trợ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng.

Tuyên truyền về an toàn lao động đến lao động yếu thế

Phân tích từ 114 biên bản điều tra TNLĐ chết người năm 2018, nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm 46,49% (trong đó có 7,02% tổng số vụ do người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động). Nguyên nhân người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn ATLĐ chiếm 18,42% tổng số vụ. Còn lại 35,06% là do các nguyên nhân khác.

Luật An toàn vệ sinh lao động đã quy định chính quyền địa phương (UBND các cấp) phải bố trí nguồn lực kinh phí để làm công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tuy nhiên vừa rồi qua thực tế giám sát tại 7 tỉnh thấy việc triển khai ở cấp xã còn rất yếu. Do đó tới đây sẽ dành nguồn lực nhất định hỗ trợ cho việc tuyên truyền chính sách, quy định về an toàn vệ sinh lao động đến khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, khu vực người lao động đang yếu thế.

Công tác tuyên truyền theo đó sẽ được thực hiện bằng nhiều kênh khác nhau để đến được với người lao động. Chẳng hạn như hiện nay Luật cũng đã quy định các nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ, máy móc thiết bị có trách nhiệm hướng dẫn an toàn trong quá trình sử dụng thiết bị.

Cục trưởng Cục An toàn lao động Hà Tất Thắng cũng thông tin Bộ LĐ-TB&XH đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện trong khu vực không có quan hệ lao động. Hiện Dự thảo Nghị định lần 1 đã được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ. Chính phủ đang xem xét việc hỗ trợ kinh phí cho người lao động làm việc không theo hợp đồng mua bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp. Khi được bạn hành, những người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động sẽ được hỗ trợ các chính sách phòng ngừa, trường hợp xảy ra tai nạn lao động sẽ được hỗ trợ các chế độ.

Năm 2018 các vụ TNLĐ trong khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực xây dựng, mộc, hàn, điện, nuôi trồng thủy sản. Các địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2018 là Hải Dương, Yên Bái, Cà Mau, Thái Nguyên, Phú Yên, Quảng Nam…

Năm 2018 các vụ TNLĐ trong khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực xây dựng, mộc, hàn, điện, nuôi trồng thủy sản. Các địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2018 là Hải Dương, Yên Bái, Cà Mau, Thái Nguyên, Phú Yên, Quảng Nam…

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-so-thuc-de-co-co-so-hoach-dinh-chinh-sach-144072.html