Cần số lượng lớn giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật ở cấp THPT

Khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, nếu mỗi trường THPT dự kiến bố trí 1 giáo viên Âm nhạc và 1 giáo viên Mỹ thuật thì cần đào tạo khoảng 2.700 giáo viên Âm nhạc và 2.700 giáo viên Mỹ thuật. Âm nhạc và Mỹ thuật ở THPT cũng là 2 môn học mới chưa có trong chương trình GDPT hiện hành.

Ảnh minh họa/internet

Ảnh minh họa/internet

Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình mới

Những công việc chính trong đào tạo giáo viên trong thời gian tới, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và CBQL giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết, các sở/phòng GD&ĐT sẽ phối hợp với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đề xuất nhu cầu đào tạo giáo viên dạy các môn học mới theo chương trình đào tạo mới. Cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật thực hiện đào tạo giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật để dạy môn học Giáo dục nghệ thuật ở cấp THPT.

Bên cạnh đó, theo tính toán, hiện nay, toàn quốc còn thiếu khoảng 5.600 giáo viên tiếng Anh và 5.600 giáo viên Tin học ở tiểu học. Do đó, đào tạo giáo viên chuyên ngành tiếng Anh, Tin học ở tiểu học cũng là vấn đề đặt ra. Cùng với đó là đào tạo giáo viên theo từng chuyên ngành để bổ sung do tăng quy mô trường, lớp, học sinh và thay thế số giáo viên nghỉ hưu (khoảng 2%/năm).

Ảnh minh họa

Căn cứ lộ trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, các sở/phòng GD&ĐT xác định đối tượng và số lượng giáo viên cần bồi dưỡng từng năm để tổ chức bồi dưỡng đại trà ở địa phương theo phương thức ứng dụng CNTT – giáo viên tự học các bài giảng và tài liệu đã được đưa lên mạng, có sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán; chủ động phối hợp và đặt hàng với các cơ sở đào tạo giáo viên để đào tạo mới, đào tạo văn bằng 2, đào tạo liên thông và bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (Thông tư số 10/2018/TT-BGDĐT).

Căn cứ vào hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục của mỗi cấp học trong Chương trình GDPT mới tiến hành rà soát đội ngũ giáo viên hiện có ở từng trường để dự kiến số lượng giáo viên còn thiếu, số lượng giáo viên dôi dư theo từng môn học, cấp học làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng, điều chuyển, bố trí, sắp xếp giáo viên hợp lý, không để tình trạng thiếu giáo viên khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình mới, nhất là giáo viên dạy những môn học mới.

Đối với các cấp học theo lộ trình, Bộ GD&ĐT yêu cầu cần chọn cử giáo viên phù hợp, thích ứng tốt cho việc đổi mới chương trình để dạy các lớp theo lộ trình đổi mới chương trình, trong đó đặc biệt chú trọng các lớp đầu cấp học. Trong kế hoạch chi tiết cần lưu ý thời điểm song song thực hiện cả chương trình hiện hành và chương trình mới, để có phương án chọn lựa, bố trí, sắp xếp, bồi dưỡng giáo viên vừa đảm bảo thực hiện chương trình mới, vừa nâng cao năng lực đội ngũ theo Chuẩn nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu đổi công việc.

Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên theo 3 nội dung và bảo đảm thời lượng bồi dưỡng theo qui định. Trong thời gian bồi dưỡng theo lộ trình đổi mới chương trình phổ thông mới, nội dung 1 (theo chỉ đạo của các Vụ chuyên môn sẽ dành thời lượng để bồi dưỡng thực hiện chương trình mới, các nội dung còn lại để đáp ứng nhu cầu của địa phương và các yêu cầu của Chuẩn nghề nghiệp).

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các sở/phòng GD&ĐT quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, chủ động cụ thể hóa các chương trình, kế hoạch của sở/phòng GD&ĐT trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên;

Tiếp tục rà soát đội ngũ giáo viên, xác định số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn họcvà thực hiện điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; giảm dần số biên chế nhân viên làm các công việc gián tiếp; có biện pháp xử lý đối với giáo viên, CBQL chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức;

Thực hiện nghiêm túc đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn nghề nghiệp; thực hiện bổ nhiệm, thi, xét thăng hạng và xếp lương theo hạng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đúng quy định; chủ động phối hợp, liên kết với các cơ sở đào tạo giáo viên trên địa bàn và các cơ sở khác để đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và CBQL; đảm bảo các chế độ chính sách cho giáo viên và CBQL trong thực hiện chương trình GDPT và sách giáo khoa mới.

Ông Hoàng Đức Minh

Ban hành chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thống nhất cả nước

Bộ GD&ĐT sẽ cùng các sở/phòng GD&ĐT triển khai thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông; chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông; các chương trình bồi dưỡng theo Chuẩn; tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý trường phổ thông cốt cán để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ theo lộ trình. Bồi dưỡng nâng cao năng lực giáo viên, CBQL theo chuẩn nghề nghiệp, trong đó có một số năng lực cốt lõi để thực hiện chương trình GDPT mới như năng lực dạy học tích hợp, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, kiểm tra đánh giá học sinh theo năng lực...

Bộ GD&ĐT sẽ ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trường phổ thông thống nhất trong cả nước, trong đó có chương trình đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, chưa có trong chương trình GDPT hiện hành và chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học tích hợp trong chương trình GDPT mới.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở/phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo Kế hoạch số 791/KH-BGDĐT của Bộ GD&DTD chi tiết các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cơ sở GDPT thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Trong đó, cần chú ý:

Thực hiện triển khai tốt Chuẩn nghề nghiệp giáo viên để từ đó có lực lượng đội ngũ cốt cán hợp lý nhất về số lượng, cơ cấu và chất lượng để cử đi bồi dưỡng tập trung ở trung ương và thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn... trong quá trình triển khai bồi dưỡng đại trà giáo viên ở địa phương.

Chuẩn bị các điều kiện triển khai tập huấn, bồi dưỡng giáo viên bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng chương trình GDPT và sách giáo khoa mới theo kế hoạch/lộ trình của Bộ GD&ĐT. Tập trung rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tập huấn, bồi dưỡng giáo viên qua mạng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện hệ thống bồi dưỡng và quản lý bồi dưỡng đội ngũ qua mạng; hoàn thành việc xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường sư phạm theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm đảm bảo yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng dựa trên định mức kinh tế - kỹ thuật; ban hành Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên (trong đó có giảng viên trường sư phạm).

Về phía các cơ quan quản lý, cần rà soát, xây dựng và thực hiện các chính sách tạo động lực cho giáo viên, CBQL giáo dục; nghiên cứu, rà soát và đề xuất chế độ, chính sách về tuyển dụng, sử dụng, chế độ làm việc, lương, phụ cấp và thu nhập của giáo viên; thực hiện tôn vinh, khen thưởng và làm tốt công tác thông tin, truyền thông tới đội ngũ giáo viên để tạo động lực và sự đồng thuận trong quá trình triển khai áp dung chương trình, sách giáo khoa mới.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/can-so-luong-lon-giao-vien-am-nhac-my-thuat-o-cap-thpt-3977132-v.html