Cần siết chặt quản lý nguồn gốc, chất lượng giống cây trồng

Những năm gần đây, phong trào trồng rừng và cải tạo vườn tạp, xây dựng các mô hình kinh tế phát triển mạnh. Do đó, hàng năm trên địa bàn tỉnh cần một số lượng lớn các loại giống cây trồng. Tuy nhiên, công tác quản lý nguồn gốc, chất lượng giống cây trồng hiện vẫn còn bỏ ngỏ ở một số khâu, dẫn đến nguy cơ người dân mua phải giống cây mập mờ về xuất xứ, không bảo đảm về chất lượng.

Vườn ươm giống cây lâm nghiệp tại xã Thăng Long (Nông Cống).

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm toàn tỉnh có nhu cầu khoảng 11.000 tấn giống lúa, 1.000 tấn giống ngô, 2.000 tấn giống lạc, 300 tấn giống đậu tương và hàng triệu giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Để đưa hoạt động cung ứng giống vào quy củ, với các cây trồng chủ đạo như lúa, ngô, hàng năm, thông qua việc xây dựng các mô hình khảo nghiệm, nhiều giống chất lượng, năng suất cao đã được đưa vào sản xuất, hiệu quả trong lĩnh vực trồng trọt tăng lên qua từng mùa vụ.

Tuy nhiên, với hoạt động cung ứng, quản lý giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả vẫn còn nhiều tồn tại bất cập. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép hoạt động, hằng năm cung cấp cho thị trường 17,2 triệu cây giống. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại hàng trăm vườn ươm tự phát tại các huyện: Triệu Sơn, Nông Cống, Hà Trung, Như Thanh, Như Xuân... Giá cây giống bán ra từ các vườn ươm tự phát chỉ bằng khoảng ½ so với các cơ sở đủ tiêu chuẩn cung ứng giống được cơ quan quản lý Nhà nước cấp phép. Đại diện Công ty CP Giống cây lâm nghiệp Thanh Hóa, cho biết: Theo quy định, cây giống của các cơ sở được cấp phép phải đầy đủ các tiêu chuẩn, như: Nguồn gốc xuất xứ hạt giống, tiêu chuẩn chiều cao, đường kính cây giống, cây đạt tiêu chuẩn không sâu bệnh, thân cây không cong... mới cho xuất khỏi vườn ươm. Thực tế cho thấy, mức độ thiệt hại kinh tế do các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp tự phát gây ra không nhỏ. Điển hình với cây keo, các giống keo lai chuẩn sẽ cho thu hoạch gấp khoảng 3 lần so với các giống trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên, do nhận thức còn hạn chế nên nhiều hộ dân trồng rừng vẫn tìm mua giống tại các cơ sở này.

Với các chủng loại cây ăn quả, hiện nguồn cung ứng trên địa bàn tỉnh khá đa dạng. Tuy nhiên, người dân vẫn chưa thể tìm kiếm được một địa chỉ tin cậy và thuận tiện để lựa chọn cây giống. Nếu có nhu cầu mua giống cây ăn quả với số lượng lớn, đa phần các nhà vườn phải tự “lặn lội” tìm đến các địa phương có giống bản địa. Còn với các vườn quy mô nhỏ, người sản xuất vẫn lựa chọn giống cây tại các cơ sở trên địa bàn và tại các chợ. Trong khi đó, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng nguồn giống còn khá mù mờ và các ngành chức năng vẫn đang lúng túng trong khâu quản lý. Hơn nữa, các giống cây ăn quả nếu được du nhập từ các địa phương khác mà chưa được khảo nghiệm để đánh giá sự phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tại địa phương thì rủi ro với người sản xuất là khá lớn.

Cây lâm nghiệp, cây ăn quả đều là những loại cây có chu kỳ đầu tư dài, vốn lớn. Do đó, người dân cần thận trọng khi lựa chọn giống đưa vào sản xuất, nhất là với quy mô lớn. Thiết nghĩ, để chủ động được nguồn giống cây trồng chất lượng tốt, đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh để phục vụ nghiên cứu, sản xuất giống trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, các ngành có liên quan của tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm được kiến thức pháp luật về giống. Trong công tác quản lý, các lực lượng chức năng cần phối hợp, tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, lấy mẫu trên thị trường để đánh giá thực trạng về chất lượng giống cây trồng; thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về điều kiện cung ứng và chất lượng giống cây trồng theo quy định.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/can-siet-chat-quan-ly-nguon-goc-chat-luong-giong-cay-trong/133128.htm