Cần siết chặt định giá cổ phiếu khi chào sàn

Việc định giá cổ phiếu quá cao, không sát với giá trị thực của doanh nghiệp, sẽ khiến nhà đầu tư bị thua lỗ nặng, nhất là khi doanh nghiệp gặp thông tin bất lợi, như trường hợp của Yeah1 (HoSE: YEG).

Cổ phiếu YEG đã có 12 phiên tiếp tục lao dốc và trắng bên mua

Cổ phiếu YEG đã có 12 phiên tiếp tục lao dốc và trắng bên mua

Trên nhiều diễn đàn chứng khoán, những bình luận trái chiều về YEG không ngừng tăng lên. Phần lớn nhà đầu tư cho rằng thị giá cổ phiếu của Yeah1- một công ty mới thành lập hơn chục năm và hoạt động trong lĩnh vực khác biệt so với những doanh nghiệp niêm yết là “siêu đắt”, là không tưởng.

Ông Nguyễn Hải Nam - nhà đầu tư trên sàn ACBS cho rằng, nếu không có sự cố với YouTube, đà tăng của YEG có thể còn kéo dài khi “hàng” còn trong tay những cổ đông hiện hữu, cụ thể là ban lãnh đạo Yeah1 và một số quỹ ngoại. Tuy nhiên, về lâu dài, có thể xuất hiện nhiều yếu tố khiến cổ phiếu này điều chỉnh mạnh khi thị trường biến động theo khuynh hướng tiêu cực, hoặc kết quả kinh doanh của doanh nghiệp không tăng trưởng như hứa hẹn…

“Hoạt động kinh doanh đặc thù, chưa có tham chiếu cụ thể để so sánh nên YEG giống như một "con chuột bạch" cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Tôi dự đoán giá cổ phiếu này chưa có đáy và việc nhà đầu tư rót tiền vào đây giống như chơi một ván cược quá mạo hiểm", ông Nam chia sẻ.

Được biết, HSC là công ty tư vấn định giá cho YEG lên sàn. Theo đó, HSC định giá YEG bằng 3 phương pháp: chiết khấu dòng tiền, P/E và P/B trên cơ sở so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực như Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc…

Tổng hợp kết quả các phương pháp này với tỷ trọng lần lượt là 60% - 20% - 20%, HSC xác định giá bình quân của cổ phiếu YEG là 250.445 đồng/cp. Trên thực tế, sau khi lên sàn, với 3 phiên đầu tiên giao dịch tăng kịch trần, YEG đã lập kỷ lục với mức giá 350.000 đồng/cp.

Tròn 1 tháng sau khi lên sàn, thị giá cổ phiếu YEG bị mất khoảng 50% so với mức giá cao nhất, và sau sự cố với YouTube, giá cổ phiếu YEG hiện rớt thảm về mức 110.500 đồng/cp (phiên giao dịch ngày 18/3/2019).

Trong khi đó, giá cổ phiếu YEG trên sổ sách (P/B) cũng giảm đáng kể. Từ mức 7,5 lần trong bản cáo bạch hồi tháng 6/2018 của YEG, kết phiên giao dịch 18/3, chỉ số này của YEG chỉ còn 2 lần.

Ông Nguyễn Bách Việt- Chuyên gia kiểm toán KPMG, nhận định: “Trong lịch sử sàn HoSE, chỉ số P/B trung bình dao động từ 1,20 lần đến 4,59 lần. Trước lúc chào sàn, P/B của YEG ở mức cao đặc biệt chứng tỏ phần lớn giá trị định giá của doanh nghiệp này đến từ doanh thu dự kiến, chứ hoàn toàn không có bất kỳ tài sản đảm bảo nào trong bảng cân đối kế toán. Giờ đây, doanh thu sụt giảm mạnh sau sự cố với YouTube, triển vọng kinh doanh của YEG cũng sụt giảm theo. "Mặc dù thành viên HĐQT YEG vừa qua đã mua cổ phiếu YEG nhằm giúp giá cổ phiếu này tránh bị lao dốc mạnh, nhưng tôi nghĩ rằng nhà đầu tư nên sáng suốt trong thời điểm này, nắm giữ cổ phiếu này là rất rủi ro", ông Việt cho biết.

Theo luật sư Nguyễn Hồng Nhung- Trưởng VP Luật sư Hồng Nhung, tiềm lực nội tại của YEG không đủ để có thể chào sàn với giá cao như vậy. Sẽ dễ dàng hơn cho nhà đầu tư nếu định giá cổ phiếu này được rõ ràng, sát với kết quả kinh doanh.

Với trách nhiệm chính là nhà tư vấn đưa ra thị trường cổ phiếu đúng giá trị, nhưng công ty tư vấn và định giá cổ phiếu YEG có vẻ như đã làm ngược lại với trách nhiệm lương tâm của mình (!?). Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính minh bạch của cổ phiếu niêm yết trên thị trường, cũng như việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Do vậy, UBCK Nhà nước cần có những chế tài siết chặt khâu định giá các doanh nghiệp trước khi lên sàn để đảm bảo tính minh bạch của thị trường.

Hà Phương

Bạn đang đọc bài viết Cần siết chặt định giá cổ phiếu khi chào sàn tại chuyên mục Tài chính - Ngân hàng của Báo Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: (024) 3.5771239,

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/can-siet-chat-dinh-gia-co-phieu-khi-chao-san-146801.html