Cần siết chặt các cơ sở hành nghề y dược tư nhân

Thói quen của một bộ phận không nhỏ người dân cứ ốm là gọi người đến nhà truyền dịch mà không hiểu hết hậu quả có thể xảy ra như sốc và tử vong.

Cháu bé 22 tháng tuổi ở xã Yên Thường, Gia Lâm (Hà Nội) tử vong sau ít phút truyền dịch tại Phòng khám chuyên khoa nội của BS Nguyễn Thị Kim Cúc (392 Ngô Gia Tự, quận Long Biên) vào ngày 16-10 lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy hiểm chết người khi truyền dịch tại nhà, tại phòng khám tư.

Trước đó đã xảy ra nhiều ca thiệt mạng do truyền dịch “tự phát”, tuy nhiên dịch vụ truyền dịch tại nhà vẫn đăng tải nhan nhản trên mạng, đặc biệt là thói quen của một bộ phận người dân cứ ốm là gọi người đến nhà truyền dịch mà không hiểu hết hậu quả có thể xảy ra như sốc và tử vong.

Thiếu hiểu biết có thể dẫn đến mất mạng

Hơi sốt cũng truyền dịch, rối loạn tiêu hóa cũng truyền dịch, thậm chí có người bệnh chẳng liên quan gì đến mất nước nhưng cũng gọi y tá tới nhà truyền dịch với ý nghĩ “truyền dịch là tốt nhất, bệnh mới mau khỏi”. Đây là tư duy của nhiều người hiện nay.

Chị Nguyễn Thị Huế (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Chị Huế bước vào giai đoạn mãn kinh, thường bị rối loạn tiền đình. Lần nặng nhất chị phải “nằm bẹp” nửa tháng. Tuy ngồi dậy thì chóng mặt nhưng chị vẫn ăn uống được, nhưng chị vẫn gọi y tá phường tới nhà truyền đạm, truyền nước hoa quả.

Thấy chúng tôi thắc mắc, chị bảo: “Truyền vào mới khỏe, bố mẹ chị lần trước cũng bị, chị thuê người đến nhà truyền cho ông bà 10 ngày”. Tôi tỏ ra lo ngại với trình độ của cô “y tá phường” thì chị nói: “Thấy cô ấy giới thiệu là làm ở Trạm Y tế phường, thường xuyên làm dịch vụ truyền nước nên chị tin tưởng”.

Thậm chí, bố mẹ đẻ chị Huế còn nhờ một y tá về hưu lâu năm đến nhà truyền dịch. Đem tư tưởng “truyền dịch là mau khỏi bệnh”, chị Huế còn áp đặt lên cả cô em dâu đang có con bị rối loạn tiêu hóa đã 3 ngày nay “cho đi bệnh viện để bác sĩ truyền nước”.

Trên thực tế, khi vào bệnh viện, không phải cứ tiêu chảy, sốt, nôn là bác sĩ chỉ định truyền dịch. Nhiều phụ huynh thấy BS không có chỉ định còn xin bác sĩ cho con mình được truyền.

Anh Bùi Minh Hải (quận Tây Hồ) cho biết, con gái anh sốt 13 ngày nằm ở Khoa Nhi (Bệnh viện Xanh Pôn), gia đình cũng lo cháu sốt cao kéo dài, ăn uống kém, sợ cháu yếu đã đi hỏi bác sĩ xem cháu có phải truyền dịch hay không. Nhưng bác sĩ giải thích trường hợp của cháu không phải truyền dịch mà cháu chỉ cần uống oresol bù nước là đủ.

Truyền dịch một cách vô tội vạ đang trở thành vấn đề đáng lo ngại khi ngành Y tế không kiểm soát được hoạt động của các phòng khám tư, của những y tá mở dịch vụ truyền dịch tự phát tại nhà đang gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân. Dịch vụ truyền dịch tự phát chẳng cần biết người bệnh mắc bệnh gì, có chỉ định của bác sĩ hay không, cứ thấy gọi là đến truyền cho người ốm.

Người bệnh cần đến bệnh viện, cơ sở y tế đảm bảo điều kiện nhất định để truyền dịch.

Kiểm soát chặt chẽ hành nghề y dược tư nhân

Đã có rất nhiều ca tai biến do truyền dịch từ cơ sở y tế tư nhân hoặc tại nhà đến bệnh viện cấp cứu. Có thầy thuốc nói rằng, trong 20 năm hành nghề, anh đã điều trị nhiều ca sốc, ngừng tuần hoàn do tiêm truyền tại nhà, tại phòng khám đưa đến bệnh viện.

Và cũng ngần ấy năm anh chưa chỉ định truyền dịch cho bất cứ bệnh nhân nào tại nhà. Thế nhưng, chỉ cần lên google có thể thấy rất nhiều trang mạng quảng cáo dịch vụ truyền dịch tại nhà như: “Phòng khám Nhân Chính – truyền nước tại nhà 150.000đ/chai”.

Với thói quen truyền dịch vô tội vạ như hiện nay thì nguy cơ tai biến, đặc biệt là sốc do truyền dịch rất lớn. Như trường hợp của cháu bé 22 tháng tuổi ở Gia Lâm (Hà Nội) bệnh cháu mắc đã đến mức độ phải truyền dịch hay chưa mà bác sĩ đã chỉ định.

Theo gia đình cháu thì chiều 15-10 cháu có biểu hiện sổ mũi, sốt 38,5 độ, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc kê thuốc cho cháu về uống, nhưng không đỡ. Hôm sau gia đình lại đưa cháu đến khám lại thì BS Cúc đã chỉ định truyền dịch. Sau đó cháu có biểu hiện tím tái, cứng đơ, gia đình gọi thì bà Cúc từ trên tầng chạy xuống đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang nhưng cháu đã tử vong trước khi tới bệnh viện.

Theo ThS.BS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) thì truyền dịch là một trong những nguyên nhân gây tai biến như: sốc, suy tim cấp, phù phổi cấp do quá tải thể tích tuần hoàn.

Trước việc truyền dịch tự phát tại nhà như hiện nay, BS Nguyễn Văn Thường cảnh báo, không phải cứ sốt, tiêu chảy là truyền dịch mà chỉ định truyền dịch trong trường hợp người tiêu chảy nhiều, nôn trớ nhiều, không ăn uống được dẫn tới người bệnh mất nước, mất dịch.

Bởi truyền dịch không đúng chỉ định dẫn tới quá tải cấp tính, gây phù phổi cấp hoặc suy tim cấp. Với trẻ em bị sốt, tiêu chảy thì biện pháp tốt nhất để bù nước là bằng đường uống và tốt nhất khi trẻ sốt cao, tiêu chảy nhiều là uống oresol pha theo đúng hướng dẫn sử dụng. Trường hợp trẻ không uống được thì phải đưa trẻ đến cơ sở y tế đảm bảo điều kiện nhất định mới cho truyền dịch.

Sau sự việc này, Sở Y tế Hà Nội cần siết chặt công tác quản lý hành nghề y dược tư nhân để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Trần Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/y-te/can-siet-chat-cac-co-so-hanh-nghe-y-duoc-tu-nhan-516159/