Cần sa có thể lưu giữ trong sữa mẹ trong vòng 6 ngày từ khi sử dụng

Phát hiện mới đây cho thấy khi một người phụ nữ đang cho con bú sử dụng cần sa, các chất của nó sẽ lưu giữ ở sữa 6 ngày. Các bác sỹ đang tìm hiểu mức độ và thời gian ảnh hưởng của việc sử dụng cần sa tới sữa mẹ một cách chi tiết.

Một nghiên cứu được công bố vào thứ Hai vừa qua trên tạp chí Nhi Khoa đã tìm thấy một lượng ít chất hóa học thường có trong cần sa như tetrahydrocannabinol (THC) ở trong sữa mẹ tại thời điểm 6 ngày, sau khi họ hút cần hoặc sử dụng ở các hình thức khác.

Cần sa trong sữa mẹ có ảnh hưởng đến trẻ?

Christina Chambers, tác giả của cuộc nghiên cứu, đồng thời là giáo sư Nhi khoa ở đại học California, Sandiego và là giám đốc nghiên cứu lâm sàng phòng Nhi khoa của Bệnh viện nhi Rady nói rằng: "Ở thời điểm này, kết quả của cuộc nghiên cứu vẫn chưa thể kết luận được liệu một mức độ nào đó của các chất trong cần sa có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của trẻ hay không. Câu trả lời cho việc này rất quan trọng bởi nó sẽ củng cố thêm cơ sở và chứng cứ xác đáng cho những lời khuyên của các chuyên gia nhi khoa, sản khoa tới phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú".

Một cuộc khảo sát được công bố năm trước trên Tạp chí Y khoa JAMA phát hiện số lượng người sử dụng cần sa trong số 279,457 phụ nữ mang thai ở California đã tăng từ 4,2% (2009) lên 7,1% (2016).

Các nhà khoa học đã có những nghiên cứu kỹ hơn về ảnh hưởng của cần sa tới sức khỏe của những phụ nữ đang cho con bú. Ở Mỹ, 9 bang bao gồm Alaska, California, Colorado, Maine, Massachusetts, Nevada, Oregon, Vermont và Washington đều cho phép buôn bán và sử dụng cần sa cho cả mục đích giải trí và y tế.

Liệu cần sa có gây ảnh hưởng hay không?

Các nhà nghiên cứu đã phân tích chất hóa học THC và các thành phần khác có trong sữa mẹ của 50 người phụ nữ được ghi nhận sử dụng cần sa. Họ đều có con từ vài tháng tuổi (trẻ sơ sinh) đến hơn 12 tháng. Từ năm 2014 đến 2017, những người phụ nữ này cung cấp tổng cộng 54 mẫu sữa, được dùng phân tích tại phòng thí nghiệm của đại học California, San Diego. Các bà mẹ cũng đồng thời phải trả lời câu hỏi liệu họ có tiếp xúc với cần sa, các loại thuốc và chất khác trong vòng 14 ngày trước khi mẫu sữa của họ được thu thập.

Sau khi đã phân tích những mẫu sữa, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng THC được tìm thấy ở 34 trong số 54 mẫu, tức chiếm 63%. Lượng chất THC trung bình được tìm thấy là 9,47 nanogram/milliliter. 5 mẫu trong đó (tức 9%) cũng được phát hiện có chứa cannabidiol, một loại chất hóa học khác trong cần sa.

Những nhà nghiên cứu sau đó đã tiến hành đo lường mức THC trẻ nhỏ có thể hấp thụ. Sau khi đã xem xét mức độ thường xuyên cho con bú của các bà mẹ, lượng sữa trẻ hấp thụ và các yếu tố khác, các nhà nghiên cứu đã ước lượng: Giả sử một em bé 3 tháng tuổi nặng 6.1 kg thì có thể hấp thụ 0.040 nanogram chất THC trên 1 milliliter sữa.

Chamers – tác giả cuộc nghiên cứu chia sẻ: "Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Liệu nó có thực sự ảnh hưởng không? Liệu có khả năng dù chỉ một lượng nhỏ chất THC trong sữa mẹ cũng có thể tác động đến sự phát triển thần kinh của trẻ? Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có được câu trả lời chính xác cho những thắc mắc trên".

Tuy nhiên, cuộc nghiên cứu vẫn còn tồn tại một số hạn chế, trong đó bao gồm việc nó hoàn toàn dựa vào sự tường thuật và báo cáo chủ quan của những người phụ nữ về việc tiếp xúc và sử dụng cần sa.

Những nhà nghiên cứu cũng không trực tiếp đo lường lượng THC và các chất khác có trong trẻ sơ sinh đang được uống sữa mẹ mà dựa vào tính toán và ước lượng. Nhưng, mọi thứ vẫn chưa kết thúc, Chambers nói rằng sẽ có thêm những cuộc khảo sát và nghiên cứu khác trong tương lai gần, có thể sẽ về mối liên hệ giữa cần sa với hoạt động thần kinh của trẻ.

Các chất hóa học “xâm nhập” vào sữa mẹ bằng cách nào?

Đến thời điểm này, theo bác sỹ Robyn Horsager-Boeher, giáo sư đồng thời là trưởng ngành Sản khoa và Phụ khoa của the University of Texas Southwestern's William P.Clements Jr.University Hospital ở Dallas, cuộc nghiên cứu hướng tới cung cấp thêm thông tin và kiến thức cho mọi người về sử dụng cần sa và nuôi con bằng sữa mẹ.

THC hay các thành phần khác trong cần sa có thể tích tụ trong nguồn sữa mẹ bởi các mạch máu trong ngực dẫn đường tới các tuyến sản xuất sữa. Sự dẫn đường đó tạo điều kiện cho các chất hóa học và thuốc trong máu được truyền đến sữa mẹ đồng thời cũng “phụ thuộc vào kích thước các chất, lượng chất có trong máu của thai phụ và liệu các loại thuộc/chất hóa học đó có phản ứng với chất béo và protein hay không”.

Horsager-Boehrer chia sẻ về cuộc nghiên cứu, cô cũng nói thêm: “THC thường dễ tan trong chất béo. Trong khi đó, sữa mẹ có lượng chất béo cao, vì vậy, kết quả được đưa ra cũng không quá bất ngờ.”

Dr. Melissa Bartick, phó giáo sư ngành y khoa của trung tâm dịch vụ sức khỏe Cambridge và đại học Y Harvard ở Massachusetts, người không tham gia vào cuộc nghiên cứu cho biết: "Để xác định sự tác động của các chất tới trẻ nhỏ, việc đầu tiên cần làm là xác định liệu lượng chất tìm thấy trong sữa có truyền vào máu của trẻ hay không. Chúng ta cũng phải kiểm tra những ảnh hưởng đối với khả năng nhận thức, trí tuệ và hành vi của trẻ em trong khi loại bỏ những yếu tố dễ gây nhầm lẫn như sự tiếp xúc khách quan trong quá trình mang thai hay cách thức nuôi dạy con cái. Vì vậy, chúng tôi khó có thể đưa ra lời khuyên cụ thể nào từ cuộc nghiên cứu này."

Lời khuyên cho phụ nữ

Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ đã công bố một báo cáo lâm sàng mới đi kèm theo cuộc nghiên cứu với những những lời khuyên cho các phụ nữ đang mang thai và cho con bú có sử dụng cần sa.

Báo cáo đề cập rằng cần sa không nên được sử dụng trong giai đoạn thai kỳ và việc sử dụng chúng trong khi cho con bú cũng không được khuyến khích. Tuy vậy, báo cáo này cũng đồng thời cho rằng vấn đề này vẫn cần được nghiên cứu và tìm hiểu thêm, các chị em phụ nữ cũng cần được cung cấp thông tin về những ảnh hưởng tiềm tàng của THC tới quá trình mang thai và sự phát triển của trẻ nhỏ để từ đó có thể đưa ra quyết định cho riêng mình.

Theo Vietnammoi.vn

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/can-sa-co-the-luu-giu-trong-sua-me-trong-vong-6-ngay-tu-khi-su-dung-3947975-l.html