Cần rõ trách nhiệm và lộ trình thực hiện

Thông qua các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, nhiều kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của người dân đã được Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp của thành phố Hà Nội ghi nhận, chuyển các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết theo quy định.

Đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tiếp công dân để giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo.

Tuy có nhiều cố gắng, song đến nay vẫn còn khoảng 15% kiến nghị của cử tri chưa được giải quyết. Đây đều là những vấn đề đã được phản ánh nhiều lần, khiến cử tri bức xúc, yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm cũng như lộ trình giải quyết.

Theo tổng hợp của UBND thành phố Hà Nội, từ kỳ họp thứ hai đến kỳ họp thứ năm HĐND thành phố Hà Nội, có 1.582 kiến nghị của cử tri thuộc trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố. Nội dung kiến nghị tập trung vào các lĩnh vực như quản lý đất đai, nhà ở, môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng, văn hóa - xã hội, quản lý đô thị, quản lý tài chính, quy hoạch, vệ sinh an toàn thực phẩm, cải cách hành chính…

Đến nay, kiến nghị của cử tri đã được UBND thành phố giao các sở, ngành, quận, huyện, thị xã giải quyết, đạt hơn 80%. Từ năm 2016 đến nay, tại huyện Phú Xuyên có 31 quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật phải tổ chức thực hiện. Hiện nay, huyện đã thực hiện xong dứt điểm 28 quyết định, còn ba quyết định đang tổ chức thực hiện. Đối với 47 thông báo kết luận giải quyết tố cáo, huyện đã thực hiện xong 26 kết luận, còn 21 thông báo đang được tổ chức thực hiện. Phần lớn các nội dung khiếu nại, tố cáo trên địa bàn đều liên quan quản lý đất đai, dồn điền đổi thửa. Tại quận Hai Bà Trưng đã có bảy trong 10 kiến nghị được giải quyết. Ba kiến nghị còn lại đều là những vụ việc tồn đọng lâu năm do liên quan nhiều cấp, ngành như vụ việc liên quan dự án đầu tư cống hóa mương tại ngách 153/34 Vĩnh Tuy (thuộc Dự án K5B) và dự án cống hóa mương Lạc Trung …

Đợt giám sát của HĐND thành phố Hà Nội về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, thông báo kết luận tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn thành phố từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 cho thấy, các kiến nghị được giải quyết đã đáp ứng một phần nguyện vọng chính đáng và những bức xúc của cử tri. Qua đó góp phần giữ vững sự ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Mặc dù vậy, tình hình chậm giải quyết khiếu nại, kiến nghị của cử tri đang là thực trạng khá phổ biến ở các địa phương. Hơn 15% kiến nghị, khiếu nại chưa được giải quyết đều là những vấn đề được cử tri kiến nghị, tái kiến nghị nhiều lần, kéo dài nhiều năm chưa được các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết thỏa đáng, gây bức xúc trong một bộ phận nhân dân. Điều đáng nói, đây đều là những kiến nghị về công tác quản lý đô thị, quản lý đất đai, thủy lợi… liên quan nhiều cơ quan, đơn vị, cần có sự phối hợp đồng bộ mới có thể giải quyết triệt để.

Thừa nhận tại một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Xuyên có tình trạng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể chưa làm tốt vai trò tham gia hòa giải đối với một số vụ việc tranh chấp, khiếu nại ngay từ cơ sở, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, trách nhiệm này thuộc về người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người được giao nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo, các cơ quan, đơn vị được giao tham mưu giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, do trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm của một số cán bộ, công chức làm công tác hòa giải này còn yếu và thiếu so với yêu cầu đặt ra.

Lo lắng về những tồn đọng kéo dài trong giải quyết kiến nghị của cử tri, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Phạm Thị Thanh Mai đề nghị: Các cơ quan chức năng khi trả lời kiến nghị của cử tri, nếu vấn đề đã rõ, khả thi, cần nêu lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành, phương hướng giải quyết. Nếu vấn đề chưa rõ, khó thực hiện cũng cần trả lời cho cử tri biết nguyên nhân khách quan, chủ quan để cử tri hiểu hơn vấn đề và có sự chia sẻ.

Những kiến nghị đúng của cử tri nếu không được giải quyết triệt để ngay từ cơ sở để lâu sẽ phát sinh đơn, thư khiếu nại, tố cáo, gây bức xúc, thậm chí tạo điểm "nóng" trong dư luận. Trên thực tế, đã có những kiến nghị của cử tri giải quyết chậm trễ dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp, gây mất an ninh trật tự. Để nâng cao hiệu quả công tác này, chính quyền các cấp cần đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành, phân công rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, bảo đảm giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có sai phạm trong quá trình giải quyết vụ việc. Đồng thời lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý thấu tình, đạt lý của cử tri để quá trình xử lý, giải quyết công việc được tốt hơn.

Việc tổng hợp kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri, tiếp công dân cần được các đơn vị coi trọng, phân công cán bộ có kinh nghiệm tổng hợp đầy đủ, trung thực và chuyển đúng địa chỉ cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đôn đốc, theo dõi quá trình xử lý.

An Trân

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37965202-can-ro-trach-nhiem-va-lo-trinh-thuc-hien.html