Cần quyết tâm cao hơn nữa

Những năm 1980 trở về trước, các nhà máy: Cao su Sao Vàng, Xà phòng Hà Nội, Thuốc lá Thăng Long (hay còn gọi là Khu cao - xà - lá) được coi là vùng ven đô Hà Nội. Cùng với các nhà máy: Giầy Thượng Đình, Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Cơ khí chính xác - những thương hiệu có tiếng của công nghiệp Thủ đô và đất nước, hình thành nên Khu công nghiệp Thượng Đình trên vùng đất vốn hoang vu. Tính đến trước năm 1986, Hà Nội có 7 khu công nghiệp tương tự Thượng Đình.

Theo sự phát triển của Thủ đô, ngày nay, Khu công nghiệp Thượng Đình và nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp khác đã trở thành khu vực đô thị sầm uất. Nhà máy phải dời đến các khu công nghiệp khác ở ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Sự di dời này cũng giống sự hình thành những nhà máy, khu công nghiệp trước đây - ra ngoài khu dân cư, nhường chỗ cho đô thị với những chức năng mới, để đến nơi được quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp. Đó là lẽ tất yếu của sự phát triển.

Nếu quy hoạch Thủ đô Hà Nội năm 1992 xác định, một mặt thành phố cải tạo các khu công nghiệp trong nội đô để bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường và nguy cơ cháy, nổ; mặt khác có chính sách ưu tiên di dời các cụm công nghiệp vừa và nhỏ đến địa điểm thích hợp, thì đến quy hoạch Thủ đô Hà Nội năm 1998, chủ trương này được xác định rõ hơn, đó là di dời các khu, cụm công nghiệp ra khỏi nội đô. Năm 2011, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tiếp đó là Luật Thủ đô năm 2013, xác định yêu cầu di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô, hình thành các đô thị vệ tinh có chức năng công nghiệp và khu công nghiệp mới.

Theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2015, đến năm 2020, Hà Nội sẽ di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Thành phố Hà Nội đã phân loại, cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng và không phù hợp quy hoạch bắt buộc di dời ngay; cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đề xuất xử lý cụ thể từng trường hợp theo Luật Bảo vệ môi trường và quy hoạch phân khu đô thị đã được phê duyệt.

Trên thực tế, trong quá trình đó đã có nhiều đơn vị sản xuất di dời đến nơi mới và tiếp tục phát triển, mở rộng quy mô sản xuất nhờ điều kiện hạ tầng tốt hơn. Song cũng có không ít cơ sở vẫn "yên vị", mặc dù điều kiện hạ tầng giờ đã chật hẹp khó có thể phát triển được; hoặc đã di dời phần lớn thiết bị, máy móc xây dựng cơ sở mới nhưng vẫn giữ đất làm trụ sở, văn phòng giao dịch...

Đương nhiên, hệ lụy là nguy cơ ô nhiễm khí thải, nước thải, tiếng ồn, cháy, nổ, ảnh hưởng đến cuộc sống của dân cư xung quanh, tác động tiêu cực đến sự phát triển chung của thành phố. Nhiều khu đất "vàng" được giữ lại nhưng không sử dụng, dẫn đến lãng phí, trong khi hạ tầng kỹ thuật, xã hội (vườn hoa, trường học, khu vui chơi công cộng...) phục vụ đời sống nhân dân vẫn còn rất thiếu nhưng không có quỹ đất xây dựng...

Giải thích cho việc chưa di dời, hầu hết doanh nghiệp nêu lý do thiếu vốn đầu tư cơ sở mới hoặc gặp khó khăn trong giải quyết việc làm cho công nhân, chính sách hỗ trợ chưa thực sự khuyến khích... Song, có lẽ nguyên nhân chính vẫn là từ nhận thức, lợi ích của doanh nghiệp và sự thiếu cương quyết của cơ quan quản lý. Dù không nói ra nhưng nhiều người vẫn ngầm hiểu đô thị hóa đã biến "tấc đất" thành "tấc vàng". Diện tích đất đai, nhà xưởng lớn là khối tài sản hữu hình nên có một thực tế không ít nhà máy sau khi di dời đã nhường chỗ cho... chung cư, tòa nhà văn phòng thay vì các công trình công cộng như đáng ra phải thế.

Từ những bất cập trong thực tiễn; từ yêu cầu tất yếu của sự phát triển của một đô thị đang hướng tới văn minh, hiện đại, rõ ràng việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô đã trở nên cấp thiết. Quá trình đó cần có sự chỉ đạo đồng bộ, thực hiện thống nhất giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Một cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong diện di dời hiệu quả phải đi đôi với lộ trình di dời cụ thể, đặt dưới sự giám sát thực hiện chặt chẽ.

Chính sách hỗ trợ là giới thiệu địa điểm mới phù hợp, là ưu đãi về thuế, về lãi suất vay vốn giúp doanh nghiệp có khả năng xây dựng cơ sở mới, hoặc giúp doanh nghiệp liên kết, thu hút đầu tư nước ngoài phát triển sản xuất. Khi đã có chính sách tốt, doanh nghiệp cũng buộc phải cam kết rõ lộ trình và trách nhiệm thực hiện. Nếu cố tình giữ đất hoặc "phù phép" chuyển đổi mục đích sử dụng thì phải có cơ chế thu hồi.

Ngoài ra, cần quy định cụ thể việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô. Điều nhân dân mong mỏi là những quỹ đất "vàng" này nên ưu tiên dành xây dựng công trình công cộng, tạo lập không gian sống văn minh, hiện đại, bảo đảm giảm tải hạ tầng đô thị. Cũng như việc di dời cơ sở sản xuất, quá trình khai thác quỹ đất để lại cũng cần có sự giám sát chặt chẽ, bảo đảm sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch.

Chủ trương, kế hoạch đã có, giờ là lúc cần sự quyết tâm cao hơn nữa.

Gia Khánh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suy-ngam/945425/can-quyet-tam-cao-hon-nua