Cần quyết liệt, chung tay hành động

Tại các tỉnh phía Nam, dịch bệnh tay chân miệng (TCM) đang bùng phát mạnh với chủng virus nguy hiểm. Cùng với đó, bệnh sởi và sốt xuất huyết (SXH) cũng đang lây lan. Bộ Y tế khẳng định, tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát, tuy nhiên người dân không được chủ quan, cần hết sức coi trọng công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB).

Virus Ev71 nguy hiểm xuất hiện khá phổ biến

Theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Đồng 1, số ca bệnh TCM tăng đột biến trong 3 tuần gần đây. 9 tháng đầu năm 2018, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 2.180 ca TCM, trong đó 46 ca nặng (độ 3, 4) và 1 ca tử vong. Tính riêng trong tháng 9, đã có 814 ca nhập viện, tăng 182,5% so với cùng kỳ năm 2017. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: “Những năm trước, kết quả điều tra dịch tễ cho thấy số trẻ mắc TCM do Entero virus 71 (Ev71) rất thấp, nhưng gần đây, hơn 50% trẻ mắc virus Ev71. Virus này có đặc tính lây lan rất nhanh và diễn tiến nặng, sốt cao có thể gây các biến chứng: Thần kinh, tim mạch, phù phổi, sốc, suy tim và tử vong nhanh…

Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng trong tình trạng tương tự, mỗi ngày số lượng bệnh nhân TCM nhập viện 50 ca. Tính từ đầu năm tới nay, bệnh viện điều trị cho 1.094 trẻ bị TCM, trong đó chủ yếu tập trung vào tháng 8 và tháng 9.

Thông tin từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, số ca mắc sởi liên tục tăng, nhiều nhất từ giữa tháng 8 đến nay. Số ca mắc sởi cao nhất khu vực phía Nam là Đồng Nai với 136 ca. Nhiều trẻ mắc sởi từ các tỉnh lân cận tiếp tục chuyển về TP Hồ Chí Minh điều trị, khiến các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng quá tải.

Trong 9 tháng năm 2018, cả nước ghi nhận 53.529 trường hợp mắc TCM, trong đó 25.845 trường hợp nhập viện và đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc trong cả nước giảm 25,3%, số trường hợp nhập viện giảm 20,1%, tuy nhiên một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội.

Tuy nhiên, tại các tỉnh, thành phố phía Bắc thì số ca TCM mắc chủng Ev71 không nhiều. Theo PGS, TS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương: Nhóm bệnh nhân mắc virus EV, đặc biệt là EV71 chỉ lác đác, cũng không ghi nhận sự bất thường.

Tại cuộc họp do Bộ Y tế cùng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức, đại diện các tỉnh, thành phố và chuyên gia y tế đã nêu nhiều giải pháp phòng tránh, ngăn chặn lây lan TCM, sởi và SXH, đặc biệt chú trọng đến vai trò của y tế cơ sở. Người dân khi phát hiện người thân có dấu hiệu bị các bệnh trên cần đưa ngay đến cơ sở y tế tuyến xã, huyện để khám, điều trị sớm. Không để tình trạng bệnh chỉ nhẹ, dấu hiệu chưa rõ ràng đều đổ dồn về các cơ sở y tế chuyên sâu, gây quá tải và tăng nguy cơ lây nhiễm chéo rất nguy hiểm.

Trước tình hình dịch bệnh, Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản khẩn gửi các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn phải bảo đảm cung ứng đủ thuốc phòng, chống bệnh TCM.

Giữ gìn vệ sinh tại các trường học, khu dân cư

GS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện đang là thời gian cao điểm với điều kiện thời tiết khí hậu rất thuận lợi cho dịch bệnh TCM và các bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển và làm tăng nguy cơ bùng phát dịch. Đặc biệt, dịch bệnh dễ bùng phát và lây lan trong trường học, cơ sở giáo dục. Trên thực tế đã xảy ra các trường hợp mắc bệnh rải rác tại một số nơi tập trung đông dân cư, gia tăng giao thương, đi lại, ở vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian tới, tình hình dịch bệnh có thể sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ngoài nguy cơ bệnh mới nổi và nguy hiểm có khả năng xâm nhập vào nước ta, thì các bệnh dịch lưu hành trong nước, như TCM, sởi và SXH luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cục bộ nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống.

Theo nhận định của PGS, TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), công tác PCDB còn nhiều khó khăn do các bệnh, như SXH, TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng bệnh, hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng, ý thức tự phòng bệnh của người dân… Ngoài ra, cũng còn các nguyên nhân chủ quan, khó khăn trong quản lý đối tượng tiêm chủng; một số địa phương chưa thật sự vào cuộc, còn phó mặc cho y tế; một bộ phận người dân chưa hợp tác với chính quyền, ngành y tế trong PCDB; chưa có ý thức chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, loại trừ các ổ lăng quăng (bọ gậy); chưa đưa con, em đi tiêm chủng đúng lịch theo hướng dẫn của ngành y tế.

Trước diễn biến và nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Bộ Y tế đã chủ động triển khai các hoạt động PCDB. Ngành y tế kêu gọi sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội và người dân trong công tác PCDB. Nếu không có sự vào cuộc của chính quyền địa phương thì không thể có được thành công, nhất là trong công tác truyền thông để mỗi người dân có trách nhiệm cùng chung tay tham gia PCDB TCM, sởi và SXH. Ngành y tế và ngành giáo dục cần phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền các biện pháp PCDB trong trường học, cơ sở giáo dục, như: Rửa tay với xà phòng, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy), tiêm vắc-xin phòng bệnh…

THU HƯƠNG - BẢO MINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/can-quyet-liet-chung-tay-hanh-dong-552420