Cần quy hoạch vùng sản xuất muối Bạc Liêu

Để nghề muối phát triển, tỉnh Bạc Liêu cần có đề án quy hoạch vùng sản xuất muối.

Giảm gần 2.000 diện tích sản xuất muối

Ông Phạm Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: Nghề muối tỉnh Bạc Liêu là nghề truyền thống được hình thành và phát triển hơn 100 năm, là địa phương có diện tích sản lượng đứng đầu tại ĐBSCL. Vùng sản xuất muối của tỉnh Bạc Liêu chủ yếu tập trung ở các tỉnh ven biển từ TP Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải.

Trong quá trình làm muối, nghề muối trải qua rất nhiều giai đoạn nhưng vẫn duy trì trên 1.500 ha. Với điều kiện đặc thù nên muối Bạc Liêu rất nổi tiếng và chất lượng. Năm 2013, sản phẩm muối Bạc Liêu được Cục sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) công nhận chỉ dẫn địa phí. Đặc biệt, cuối năm 2020, nghề muối Bạc Liêu còn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tuy nhiên, nghề muối luôn đứng trước những thách thức rất lớn như: phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết, kết cấu hạ tầng muối bị hạn chế, giá muối thấp, được mùa thì mất giá…nên đời sống người dân làm muối gặp khó khăn.

Trong mùa vụ 2020 – 2021, toàn tỉnh Bạc Liêu có trên 1.500 ha sản xuất muối, giảm khoảng 2.000 ha so với năm 2011, trong đó huyện Đông Hải có diện tích sản xuất muối trên 1.300 ha, huyện Hòa Bình là trên 180 ha và TP Bạc Liêu khoảng 80 ha. Diện tích sản xuất theo truyền thống (phơi trên nền đất) là gần 1.400 ha và theo phương pháp trải bạt là khoảng 100 ha.

 Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiểm tra tình hình sản xuất muối trên địa bàn xã Điền Hải, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) Ảnh: Trọng Linh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam kiểm tra tình hình sản xuất muối trên địa bàn xã Điền Hải, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) Ảnh: Trọng Linh.

Cần quy hoạch vùng sản xuất muối Bạc Liêu

Ông Hồ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu (gọi tắt là công ty Muối Bạc Liêu) cho biết: Qua hơn 25 năm thành lập và phát triển, Công ty muối Bạc Liêu từ sản xuất muối hột, đến nay công ty đã đã có 7 sản phẩm chủ lực từ muối gồm: Muối tinh, muối hạt sạch, muối hạt sạch sấy, muối tinh sấy i ốt, muối ớt, muối ớt tôm và muối tiêu…Hiện nay, Công ty muối Bạc Liêu đang áp dụng hệ thống quản lý HACCP CODEX đạt chuẩn quốc tế và thế thống chất lượng ISO 22000. Nhờ áp dụng 2 hệ thống chất lượng, công ty đã xúc tiến được trên 7 hệ thống siêu thị lớn như: Big C, Cop Mart, Vinmart, Bách hóa xanh… với 300 cửa hàng tại 13 tỉnh thành vực phía nam, với sản lượng chế biến 35 tấn muối/ngày.

Ngoài ra, Công ty xuất khẩu thị trường nước ngoài như: Hàn Quốc bình quân mỗi tháng xuất khẩu khoảng 100 tấn muối/tháng dùng để ướp Kim chi, còn thị trường Nhật Bản là khoảng 40 tấn/tháng (tuy nhiên phải qua trung gian) là dùng để làm rượu…

Theo ông Tuấn, với sản lượng xuất khẩu như hiện tại là quá thấp so với tiềm năng của công ty. Tuy nhiên, do giá thành sản xuất quá cao nên khó có thể cạnh tranh với các tỉnh thành khác…riêng là chi phí vận chuyển đã chiếm tới 40% giá muối.

Để nghề muối tồn tại và phát triển lâu dài tỉnh Bạc Liêu cần quy hoạch vùng sản xuất muối, theo hướng đa dịch vụ...Ảnh: Phan Thanh Cường.

Ông Tô Minh Đương, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho rằng để giúp diêm dân an tâm sản xuất và gắn bó lâu dài với nghề làm muối tỉnh Bạc Liêu phải kiến nghị với Bộ NN-PTNT xem xét, hỗ trợ đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống cầu, đường giao thông và các tuyến kênh thủy lợi chính để phục vụ cho vận chuyển và sản xuất muối lâu dài cho diêm dân.

Đồng Thời, mời gọi các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu xây dựng các nhà máy chế biến muối thành phẩm phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, kết hợp mở rộng các dịch vụ du lịch từ nghề muối.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam: Trước hết thì tỉnh Bạc Liêu cần xác định lại diện tích sản xuất muối sau cho phù hợp nhất, sau đó báo cáo với Bộ NN-PTNT để tham mưu với Thủ tướng Chính phủ. Thứ hai, Bạc Liêu cần xây dựng mô hình điểm sản xuất. Để nâng cao giá trị nghề muối Bạc Liêu cần sản xuất theo hướng đa dịch vụ, giảm lao động thủ công thay vào đó là công nghệ khác…cần tìm những nhà đầu tư, doanh nghiệp để liên kết, nâng cao chuỗi liên kết giá trị.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, khẳng định: Nếu muốn nghề muối phát triển bền vững, thì tỉnh Bạc Liêu cần sớm quy hoạch vùng sản xuất muối, diện tích bao nhiêu là vừa đủ. Đối với các hộ có diện tích muối sản xuất không đạt hiệu quả Thứ trưởng Nam đề nghị nên chuyển sang nuôi tôm hoạch nuôi Artemia cho thích hợp với điều kiện tự nhiên của từng địa phương.

TRỌNG LINH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/can-quy-hoach-vung-san-xuat-muoi-bac-lieu-d287834.html