Cần quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động triển lãm

'Hoạt động triển lãm đã có những bước phát triển với nhiều nội dung, hình thức mới rất đa dạng, phong phú, đồng thời nảy sinh nhiều vấn đề mới cho thấy sự cần thiết phải có những quy định pháp lý để điều chỉnh' - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh tại Chương trình Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về việc ban hành Nghị định về hoạt động triển lãm, chiều ngày 11/12.

Gia tăng số lượng, nội dung, hình thức triển lãm

Trình bày tờ trình về việc xây dựng Nghị định về hoạt động triển lãm, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch cho biết: trong đời sống văn hóa - xã hội, triển lãm là một trong những hoạt động quan trọng không thể thiếu để tuyên truyền, phổ biến, quảng bá các nội dung chính trị, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nội dung để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Đối với các bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố, việc tổ chức triển lãm vừa là một kênh hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến, phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa là một hình thức để quảng bá, giới thiệu thông tin, hình ảnh, tư liệu chuyên ngành và địa phương. Đối với các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, triển lãm cũng là một hình thức được tổ chức thường xuyên nhằm mục đích công bố, phổ biến, giới thiệu, quảng bá tác phẩm, sản phẩm, thông qua đó tạo sự liên kết, hình thành và định hướng tư tưởng, nội dung, thẩm mỹ, văn hóa đối với công chúng.

Chương trình Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 11/12

Hiện nay, triển lãm là hoạt động diễn ra thường xuyên, liên tục, có xu hướng gia tăng cả về số lượng, nội dung và hình thức. Theo thống kê sơ bộ của riêng ngành văn hóa, năm 2013 cả nước có 499 cuộc triển lãm về văn hóa nghệ thuật, năm 2014 con số này là 589 cuộc và năm 2015 tăng lên là 594 cuộc (số liệu thống kê của 44/63 tỉnh, thành phố); năm 2016 thống kê 27/63 tỉnh, thành phố đã có 385 cuộc triển lãm.

Nhìn chung, mặt tích cực của hoạt động triển lãm trong những năm qua là đã góp phần nâng cao hiểu biết, trình độ và nhu cầu hưởng thụ văn hóa, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân; là hoạt động hiệu quả giúp tổ chức, cá nhân trong việc công bố, phổ biến tác phẩm, sản phẩm, sự kiện, hình ảnh; góp phần gìn giữ, quảng bá, giới thiệu những thành tựu, hoạt động của các lĩnh vực trong xã hội, những tinh hoa văn hóa, nghệ thuật và những giá trị nhân văn, truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam cũng như những tinh hoa văn hóa của thế giới.

Tăng cường quản lý hoạt động triển lãm

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, hiện nay những quy định về hoạt động triển lãm đã được quy định tại các văn bản khác nhau như: Luật Thương mại có một số điều quy định về triển lãm, hội chợ thương mại; Luật Di sản văn hóa có một số điều quy định về triển lãm tại hệ thống bảo tàng; Luật Xuất bản có một số điều quy định về triển lãm xuất bản phẩm; Nghị định số 113/2013/NĐ-CP ngày 2/10/2013 của Chính phủ có một số điều quy định về triển lãm mỹ thuật; Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ có một số điều quy định về triển lãm văn hóa, nghệ thuật… Các văn bản này là căn cứ pháp lý để các cơ quan quản lý văn hóa từ Trung ương đến địa phương tổ chức và quản lý các hoạt động triển lãm.

Tuy nhiên, do sự phát triển của đời sống xã hội, sự hội nhập sâu, rộng của Việt Nam với thế giới, hoạt động triển lãm đã có những bước phát triển với nhiều nội dung, hình thức mới rất đa dạng, phong phú, đồng thời nảy sinh nhiều vấn đề mới cho thấy sự cần thiết phải có những quy định pháp lý để điều chỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, các mô hình, nội dung, hình thức triển lãm hiện nay rất đa dạng. Đối tượng tổ chức, tham gia hoạt động triển lãm cũng không chỉ là các cơ quan Nhà nước, Bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố mà có sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Mặt khác, việc chủ động hội nhập quốc tế thúc đẩy các triển lãm mang danh nghĩa quốc gia, nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam tại nước ngoài, nhưng không ít triển lãm chưa thực sự đạt yêu cầu, thậm chí có triển lãm còn có sai phạm về nội dung và thời gian tổ chức chưa phù hợp. Bên cạnh đó, có những trường hợp triển lãm được tổ chức vào thời điểm nhạy cảm không phù hợp dẫn đến những phản ứng tiêu cực trong một bộ phận nhân dân, gây bất ổn chính trị, có trường hợp triển lãm nội dung phản cảm gây bức xúc trong xã hội.

Thực tiễn hoạt động triển lãm nêu trên cho thấy, những quy định về quản lý hoạt động triển lãm ban hành trước đây chủ yếu mới chỉ dừng ở phạm vi triển lãm, hội chợ thương mại, triển lãm mỹ thuật, triển lãm nhiếp ảnh, chưa bao quát được toàn bộ hoạt động triển lãm với rất nhiều loại hình, nội dung triển lãm khác; vì thế nếu không bổ sung, ban hành văn bản quy định về hoạt động triển lãm thì việc tổ chức và quản lý hoạt động triển lãm sẽ gặp nhiều khó khăn.

Như vậy, bên cạnh các luật, nghị định đã có, việc ban hành Nghị định về hoạt động triển lãm sẽ góp phần bổ khuyết hệ thống văn bản quy định về hoạt động triển lãm. “Trong thời gian chưa xây dựng được Luật Triển lãm, Nghị định về hoạt động triển lãm sẽ là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước cũng như tổ chức, cá nhân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cụ thể trong hoạt động triển lãm” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-quy-dinh-phap-ly-dieu-chinh-hoat-dong-trien-lam-113220.html