Cần quy định cụ thể việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức

Chiều 10-6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định) cho rằng cần làm rõ thế nào là kiểm định chất lượng đầu vào công chức?

Đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định). Ảnh: quochoi.vn

Theo đại biểu Huỳnh Cao Nhất (Bình Định), về tuyển dụng công chức dự thảo Luật quy định kiểm định chất lượng đầu vào công chức được thực hiện trước khi cơ quan có thẩm quyền lựa chọn, tuyển dụng công chức. Đây là nội dung mới nhưng trong điều luật không xác định những nội dung cơ bản như hình thức tổ chức, nội dung kiểm định, cơ quan tổ chức kiểm định. “Vì vậy, tôi thấy chưa rõ ràng. Nếu chúng ta không quy định rõ một số vấn đề về nguyên tắc trong điều luật thì dễ dẫn đến lợi dụng chính sách, lạm dụng quyền lực, tiêu cực trong việc kiểm định chất lượng nói riêng, trong tuyển dụng công chức nói chung. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ”, đại biểu cho hay.

Đại biểu cũng cho rằng, cần làm rõ thế nào là kiểm định chất lượng đầu vào công chức? Trong điều luật cần nêu rõ một số vấn đề về nguyên tắc, hình thức tổ chức, nội dung kiểm định, cơ quan, tổ chức kiểm định, trình tự, thủ tục kiểm định, trong đó hình thức tổ chức và nội dung kiểm định là hết sức quan trọng cần mạnh dạn thay đổi. Như vậy sẽ đảm bảo công tác tuyển dụng công chức khách quan, chính xác, tuyển dụng đúng người cần tuyển nhằm nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Về thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật đối với đối tượng cán bộ, công chức, đại biểu cho rằng, viên chức đã nghỉ hưu trong dự thảo luật không quy định dẫn đến có thể hiểu là dù sau 10, 15, 20 năm thậm chí lâu hơn nữa tính từ ngày nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm thì đều bị xử lý. Cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu trong Tờ trình 109 của Chính phủ và trong dự thảo luật xác định đó là đối tượng khác so với cán bộ và công chức nên không thể áp dụng thời hiệu, thời hạn xử lý 2 năm, 5 năm hoặc 10 năm.

Đại biểu lý giải, quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét kỷ luật, tức là ở đây chỉ xác định cán bộ, công chức đương chức, không xác định đối tượng cán bộ, công chức là đối tượng khác. “Nếu như vậy thì theo tôi là không công bằng và thiếu thống nhất trong luật, vì đối tượng đương chức nếu vi phạm kỷ luật thì có thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật tùy mức độ tối đa là 10 năm. Còn đối tượng đã nghỉ hưu nhưng vi phạm khi còn đương chức thì lại không có thời hiệu, thời hạn và có thể hiểu là vô thời hạn”, đạo biểu bày tỏ.

Để khắc phục hạn chế trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm các vấn đề về thời gian, thời hiệu xử lý, hình thức xử lý, trình tự, thủ tục, mối quan hệ xử lý kỷ luật đối tượng này để đảm bảo tính khả thi, thống nhất trong luật./.

BL

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/day-manh-cai-cach-tu-phap-va-hoat-dong-tu-phap/can-quy-dinh-cu-the-viec-kiem-dinh-chat-luong-dau-vao-cong-chuc-525129.html