CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ, CHẶT CHẼ VỀ QUẢN LÝ, PHÁT HÀNH, PHỔ BIẾN PHIM TRÊN MẠNG INTERNET

Cần quy định cụ thể, chặt chẽ về quản lý, phát hành, phổ biến phim trên mạng Internet là kiến nghị của ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức.

Ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị

Ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại Hội nghị

Theo ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước đã hình thành và phát triển từ năm 2002 kể từ khi Thủ tướng ban hành Quyết định số 79/2002/QĐ-TTg về quản lý việc thu các kênh chương trình truyền hình của nước ngoài. Tính đến hết 31/12/2020, cả nước có 36 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, có doanh nghiệp cung cấp 1 loại dịch vụ, có doanh nghiệp cung cấp 2 đến 4 loại dịch vụ đồng thời. Trong số 36 doanh nghiệp này, có 22 doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền trên mạng Internet (hay còn gọi là OTT TV).

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền dẫn internet băng rộng, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài đang xâm nhập vào thị trường trong nước, đưa các nội dung không biên tập đến người xem trong nước, có thu tiền qua tài khoản ngân hàng. Ông Nguyễn Hà Yên cho rằng, đặc điểm chung của các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới là cung cấp các nội dung giải trí nước ngoài hết sức đa dạng cho mọi lứa tuổi, gồm phim điện ảnh, phim truyền hình, phim tài liệu, phim hoạt hình, các loại trò chơi truyền hình thực tế, các chương trình thể thao quốc tế. Trên thực tế, các nội dung này đã đáp ứng nhu cầu của một bộ phận khán giả trẻ ở khu vực thành thị. Hiện nay, để tiếp tục thâm nhập thị trường trong nước, các dịch vụ truyền hình xuyên biên giới tích cực mua bản quyền và cung cấp trên kho nội dung một số phim điện ảnh, truyền hình của các nhà sản xuất Việt Nam. Tuy nhiên, về nguy cơ rủi ro đối với nội dung không biên tập theo quy định Việt Nam là rất lớn và có thể tác động lâu dài đến nhận thức của người dân cả nước.

Với quy định hiện hành, các Bộ, ngành liên quan đang nỗ lực ngăn chặn các nội dung không phù hợp, giảm tối thiểu tác động tiêu cực đến người dân. Phó Cục trưởng nêu ví dụ như những nội dung xuyên tạc chủ quyền và làm sai lệch lịch sử, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có yêu cầu Netflix gỡ bỏ để khắc phục. Bên cạnh đó, Bộ cũng triển khai các biện pháp kỹ thuật sẵn sàng ngăn chặn khi doanh nghiệp không hợp tác.

Tuy nhiên, để thể chế chế hóa các quy định quản lý dịch vụ truyền hình xuyên biên giới nhằm ngăn chặn có hiệu quả mọi loại nội dung xấu, kể cả những những nội dung gây ảnh hưởng về văn hóa, thuần phong, mỹ tục do khác biệt về quan niệm, nhận thức của doanh nghiệp nước ngoài, từ năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 06/2016/NĐ-CP để bổ sung các quy định phù hợp xu thế công nghệ và dịch vụ hiện nay.

Đồng thời, trong khuôn khổ chương trình công tác sửa đổi Luật Điện ảnh, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã có nhiều ý kiến vào các quy định quản lý, phát hành, phổ biến phim trên mạng internet để tạo thuận lợi cho công tác quản lý các dịch vụ nội dung xuyên biên giới trong giai đoạn tiếp theo. Ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu kiến nghị:

Thứ nhất, quản lý về phim là quản lý về nội dung và việc quản lý nội dung này phải được thực hiện đồng bộ về cách thức quản lý. Bởi việc phát sóng trên truyền hình, chiếu tại rạp hay cung cấp trên môi trường internet chỉ là phương thức để cung cấp phim đó đến người xem. Vì vậy, cần thống nhất quản lý theo một tiêu chí chung, không phân biệt nội dung phim được chiếu ngoài rạp, chiếu trên truyền hình và chiếu trên mạng internet, theo đó cần quy định chi tiết nhất có thể về các nội dung bị cấm trên phim; nội dung bị hạn chế,…

Thứ hai, đối với phim phổ biến trên mạng internet, trên dịch vụ OTT TV phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh cấp giấy phép phổ biến hoặc phải được cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình biên tập, quyết định phát sóng, phổ biến.

Thứ ba, cần có các quy định về cảnh báo rõ ràng cho người xem về những nội dung có thể không phù hợp, nguy hiểm,… và gỡ bỏ nội dung vi phạm khi có yêu cầu; đơn vị cung cấp buộc phải cung cấp công cụ để người xem có thể phản ánh về nội dung vi phạm, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam./.

Lê Anh - Lê Na

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=54489