Cần quy định chặt chẽ và khả thi hơn

Thời gian gần đây, một số quy định liên quan giá và phí do UBND thành phố ban hành, được HĐND thành phố thông qua thiếu tính khả thi, không theo kịp tình hình thực tế trên thị trường, thậm chí còn bộc lộ sự bị động và yếu kém của bộ máy thực thi, cho nên tính chất chế tài của các quy định này chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.

Theo Quyết định 35/2018 của UBND TP Hồ Chí Minh (có hiệu lực từ ngày 1-10) quy định giá tối đa dịch vụ trông giữ xe đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước thì mức giá thu ban ngày đối với xe máy (kể cả xe máy điện) ở khu vực các quận 1, 3, 5 là 4.000 đồng/xe/lượt, đêm là 6.000 đồng/xe/lượt, tháng là 210.000 đồng/xe/tháng. Đây là mức giá quy định đối với nhóm 1 gồm trường học; bệnh viện; bến xe; chợ; siêu thị; các địa điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng như nhà văn hóa, nhà thiếu nhi, trung tâm sinh hoạt thanh, thiếu niên, các công viên do những cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và quận, huyện quản lý. Nhóm 2 gồm những địa điểm khác không thuộc nhóm 1 với mức giá ban ngày là 6.000 đồng/xe/4 giờ/lượt, ban đêm là 9.000 đồng/xe/4 giờ/lượt, tháng là 310.000 đồng/xe/tháng. Quy định này có tăng về mức thu so với hai quy định mà UBND thành phố ban hành, áp dụng vào năm 2012 và 2017 nhưng không nhiều.

Song trên thực tế, giá giữ xe gắn máy ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, nhất là các khu vực trung tâm luôn cao gấp nhiều lần mức giá trần mà UBND thành phố ban hành. Đơn cử như tại Công viên Lê Văn Tám (quận 1), từ nhiều năm qua, khách vào công viên đã trả vé xe máy 5.000 đồng/lượt, khách đi chợ Tân Định là 5.000 đồng/lượt. Tại quận 3, người dân vào làm hộ chiếu đối diện Công viên Tao Đàn, gửi xe gắn máy tại một số điểm giữ vãng lai gần đó phải trả từ 7.000 đến 10.000 đồng/xe. Còn các điểm giữ xe chung quanh các Bệnh viện lớn như Chợ Rẫy, Trường đại học Y dược (quận 5), chủ bãi xe thẳng tay thu với giá từ 6.000 đến 10.000 đồng/lượt, thậm chí khách còn phải năn nỉ các điểm giữ xe nhận xe vì bãi xe tại bệnh viện luôn quá tải. Đáng chú ý, khu vực chung quanh chợ Bến Thành, các điểm giữ xe tư nhân còn thu với giá 10.000 đồng/lượt. Tại các khu vực đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Đông Du, Mạc Thị Bưởi, khách vào nhà hàng, quán cà-phê, trung tâm thương mại phải trả từ 10.000 đến 20.000 đồng/xe là chuyện bình thường.

Theo quy định, các điểm giữ xe phải niêm yết công khai giá cho khách biết nhưng hầu hết các điểm giữ vãng lai đều không thực hiện, chỉ thỏa thuận miệng với khách, còn việc kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng cũng chỉ mang tính phong trào! Thực hiện quyết định của UBND thành phố, ngày 1-8-2018, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã thực hiện thu phí tự động đậu ô-tô dưới lòng đường tại 23 tuyến đường ở các quận 1, 3, 5 và quận 10. Trong đó, mức thu áp dụng trong hai giờ đầu tại khu vực quận 1, 3, 5 là 25.000 đồng/xe/giờ, khu vực quận 10 là 20.000 đồng/giờ. Điểm mới của việc thu phí là các cá nhân sử dụng phương tiện để đỗ xe phải cài đặt và sử dụng ứng dụng My Parking hoặc tin nhắn SMS để nộp phí. Ngay từ khi thực hiện thu phí này, dư luận nhận định việc thu phí là cần thiết vì mức thu trước đó thành phố áp dụng chỉ 5.000 đồng/xe là quá thấp, dẫn đến tình trạng nhiều tài xế cho xe “nằm” trên đường cả ngày, thậm chí nhân viên thu phí không xé vé mà ngang nhiên bỏ túi riêng với số tiền được lái xe trả cao gấp bốn đến năm lần.

Trong khi dư luận đồng tình việc thành phố tăng mức thu phí đậu ô-tô dưới lòng đường để tránh thất thu cho ngân sách thành phố, thì lại xảy ra tình trạng thất thoát lớn tiền phí vì nhân viên thu phí không hợp tác và hướng dẫn người đỗ xe sử dụng phần mềm cũng như không xé vé. Theo Sở GTVT, trong 20 ngày đầu thu phí của tháng 8, tổng tiền phí thu được trên 23 tuyến đường chỉ khoảng 220 triệu đồng, tức trung bình mỗi ngày đạt khoảng 11 triệu đồng, chỉ tương đương với mức thu 5.000 đồng/lượt so với trước đây. Sở GTVT kết luận: Tỷ lệ thất thoát lớn, lên đến 60%. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở GTVT cũng thừa nhận: Nguyên nhân số tiền thu không như kỳ vọng vì các nhân viên thu phí làm việc theo giờ hành chính, trong khi Nghị quyết HĐND thành phố quy định việc thu phí diễn ra từ 6 giờ tới 24 giờ mỗi ngày, vì vậy chưa bảo đảm được thời gian. Cùng với đó, phần mềm thu phí và thiết bị cung cấp cho nhân viên thu phí ở một số thời điểm còn xảy ra trục trặc, dẫn đến việc hướng dẫn cho lái xe và công tác thu phí còn thiếu sót. Ngoài ra, điểm hạn chế là nhân viên thu phí thuộc các đơn vị công ích quận, huyện chỉ thực hiện thu phí hộ, cho nên về lâu dài cần giao cho một đơn vị dịch vụ có chuyên môn để việc thu phí mang tính chuyên nghiệp và quy củ hơn.

RÕ ràng, với những quy định mang tính chế tài, ảnh hưởng nhiều đối tượng cũng như gắn với hoạt động dân sinh thì nội dung văn bản pháp luật cần được các đơn vị chức năng có thẩm quyền nghiên cứu, xây dựng một cách chặt chẽ, lấy ý kiến rộng rãi từ các giới, các ngành gắn với công tác khảo sát, điều tra, vận dụng thực tiễn cũng như thực tế xã hội, hạn chế tình trạng “luật phát huy hiệu lực chỉ ở trên giấy”, thiếu tính khả thi. Cùng với đó, công tác quản lý, vận hành của bộ máy chính quyền, đơn vị chức năng góp phần thực thi quy định của thành phố, đưa quy định vào cuộc sống cần chủ động, tránh sự loay hoay, lúng túng; tổ chức quy trình thực hiện chặt chẽ, khoa học, tăng cường kiểm tra giám sát, xử phạt vi phạm, hạn chế câu chuyện “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” làm mất ý nghĩa chế tài của quy định pháp luật để tạo niềm tin trong người dân.

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/tphcm/item/37965702-can-quy-dinh-chat-che-va-kha-thi-hon.html