Cần quy chế phối hợp cụ thể

Theo quy định, việc phối hợp giữa các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) và các trường nghề trong dạy chương trình văn hóa ở trường nghề bắt đầu thực hiện từ năm học 2020-2021. Tuy nhiên, đến thời điểm này, khi các trường đã đi vào giảng dạy, quy định này vẫn chưa được thực hiện. Các trường, trung tâm vẫn đang phải chờ hướng dẫn từ ngành GD-ĐT.

Hình thức đào tạo nghề kết hợp dạy học văn hóa đã góp phần quan trọng trong công tác phân luồng học sinh sau THCS. Trong ảnh: Học sinh hệ trung cấp nghề của Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai (TP.Biên Hòa)trong giờ học. Ảnh: T.VI

Hình thức đào tạo nghề kết hợp dạy học văn hóa đã góp phần quan trọng trong công tác phân luồng học sinh sau THCS. Trong ảnh: Học sinh hệ trung cấp nghề của Trường cao đẳng Kỹ thuật Đồng Nai (TP.Biên Hòa)trong giờ học. Ảnh: T.VI

* Phối hợp để nâng cao chất lượng dạy học

Hiện nay, ngoài các trường nghề vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa, còn có 2 hình thức phối hợp khác là: các trung tâm GDTX liên kết với các trường nghề để vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề cho học viên tại trung tâm (trung tâm GDTX phụ trách dạy văn hóa, trường nghề phụ trách dạy nghề); trường nghề tuyển sinh trung cấp nghề rồi liên kết với trung tâm GDTX để tổ chức dạy văn hóa tại các trường nghề.

Dù khác nhau về hình thức tổ chức nhưng các mô hình này đều là giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện tốt chủ trương phân luồng học sinh sau THCS, thực hiện công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề. Mặt khác, những hình thức đào tạo này đã giúp người học rút ngắn được thời gian học tập, giảm bớt khó khăn cho học viên và giúp họ sớm tham gia vào thị trường lao động.

Đề xuất thêm giải pháp

Việc các trường nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Nai không mặn mà phối hợp với các trung tâm GDTX trong dạy học văn hóa là điều thấy rõ. Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng dạy chương trình văn hóa trong trường nghề, một số trường nghề đã đưa thêm giải pháp. Cụ thể, nếu trường nghề đủ điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên đủ chuẩn thì ngành Giáo dục nên cấp phép cho trường được chủ động dạy học chương trình văn hóa như hiện nay. Giải pháp thứ 2 là cơ quan quản lý, cơ quan chức năng có thể xem xét cho phép thành lập trung tâm GDTX trong trường cao đẳng để thực hiện chức năng dạy văn hóa.

Xét về phương diện này, các trường nghề đang thực hiện theo mô hình vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa ở Đồng Nai đã có đóng góp quan trọng cho công tác phân luồng, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho tỉnh nhà. Tuy nhiên, từ góc độ của ngành Giáo dục, việc trao quyền quản lý chuyên môn dạy văn hóa ở các trường nghề cho trung tâm GDTX hoặc trường THPT là hợp lý. Điều này cũng phù hợp với Luật Giáo dục.

Ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho hay: “Tinh thần chung là các trung tâm GDTX chỉ phụ trách quản lý về chuyên môn nhằm đảm bảo việc thực hiện thống nhất chương trình học, đảm bảo không cắt xén nội dung; quản lý hồ sơ, học bạ của học sinh, chịu trách nhiệm ký vào những hồ sơ này để sau này các em có đủ điều kiện thi tốt nghiệp theo quy chế của Bộ GD-ĐT… Việc phối hợp này nhằm nâng cao chất lượng dạy học chương trình văn hóa hệ GDTX”.

Về công tác phối hợp, ông Thạch cho biết, các trường nghề được quyền chủ động trong công tác phối hợp. Theo đó, các trường nghề sẽ chủ động làm việc với trung tâm GDTX trên địa bàn. Nếu trung tâm GDTX không đáp ứng được thì sẽ liên hệ với các trường THPT. Nếu vẫn không có đơn vị phù hợp thì khi đó Sở mới chỉ định đơn vị phụ trách.

* Còn nhiều vấn đề phải bàn

Để các trường nghề và các trung tâm GDTX có cơ sở phối hợp với nhau trong dạy văn hóa, trước tiên, cả phía trường nghề và trung tâm GDTX phải tiến hành rà soát lại điều kiện cơ sở vật chất, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cơ hữu của đơn vị. Trên cơ sở đó, đơn vị phụ trách sẽ phân công giảng dạy cho các giáo viên có đủ tiêu chuẩn theo quy định. Hai bên cùng cử nhân sự của đơn vị để phụ trách công tác phối hợp trong việc giảng dạy văn hóa.

Khi chọn giáo viên giảng dạy, đơn vị phụ trách phải ưu tiên phân công giáo viên thuộc biên chế tại các trường nghề trước (trên cơ sở đề xuất của các trường trung cấp, cao đẳng). Trường hợp thiếu tiết thì mới phân công giáo viên cơ hữu của trung tâm hoặc hợp đồng giáo viên các đơn vị khác.

Theo các trung tâm GDTX, hiện nay việc quản lý số lượng đông học sinh không phải là việc quá khó khăn, bởi công tác quản lý này đã có sự “hỗ trợ” của phần mềm quản lý VNEdu. Do vậy, nếu được giao nhiệm vụ, các trung tâm GDTX có thể đảm đương được nhưng trước mắt các trung tâm cần phải củng cố lại bộ máy.

Ngoài công tác chuyên môn, một vấn đề cũng được các đơn vị đặt ra đó là vấn đề tài chính. Các đơn vị sẽ chi trả tiền lương, thù lao như thế nào cho các bên liên quan? Sở GD-ĐT chỉ hướng dẫn về mặt chuyên môn, còn về mặt tài chính, Sở GD-ĐT không phải cơ quan chủ quản của các cơ sở GDTX (vì hiện các trung tâm GDNN-GDTX thuộc cấp huyện quản lý) và các trường trung cấp, cao đẳng nên không có thẩm quyền hướng dẫn đối với vấn đề tài chính. Như vậy, các trường trung cấp, cao đẳng và các trung tâm GDTX sẽ phải tự thỏa thuận với nhau để thực hiện.

Bên cạnh đó, sự thay đổi trong quản lý cũng ít nhiều tác động đến đội ngũ cán bộ, giáo viên. Làm thế nào để đội ngũ này yên tâm công tác và ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục là điều mà các bên cần tính toán, phối hợp giải quyết khéo léo.

Tường Vi

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202009/can-quy-che-phoi-hop-cu-the-3021259/