Cần qui định trách nhiệm của chủ doanh nghiệp!

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội họp phiên toàn thể hội trường, thảo luận về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. Đại biểu Nguyễn Văn Chương (TP HCM) cho hay, theo phản ánh của các cơ quan quân sự quận, huyện tại TP HCM, việc huy động huấn luyện lực lượng dự bị động viên ngày càng khó do tác động trực tiếp của kinh tế nhiều thành phần.

Nếu như sắp tới đây thành phần kinh tế cá thể, tư nhân ngày càng tăng, GDP của họ đóng góp từ 60-70% GDP cả nước thì việc xây dựng lực lượng dự bị động viên còn khó khăn hơn nhiều bởi dân quân dự bị tập trung ở đây càng đông, đời sống và việc làm của họ chịu sự tác động chi phối của chủ DN.

Trong khi đó, Dự thảo luật chỉ đưa ra nghĩa vụ, quyền lợi của quân nhân dự bị, chưa đưa ra quy định ràng buộc đối với chủ DN tư nhân trong nước và chủ DN có yếu tố nước ngoài.

“Theo tôi, phải có một điều trong luật quy định trách nhiệm của chủ hai loại DN trên và biện pháp chế tài khi họ không tạo điều kiện cho quân nhân dự bị đi tập trung huấn luyện hoặc động viên sẵn sàng chiến đấu”, đại biểu nói.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Văn Chương, trong hai loại DN này, lực lượng dự bị cũng như quân nhân dự bị ngày càng đông là vì bộ máy Nhà nước của chúng ta ngày càng rút gọn, DN Nhà nước ngày càng ít dần vì cổ phần hóa và khi thay đổi chủ sở hữu thì các quan hệ với quân nhân dự bị cũng khác đi.

 Đại biểu Nguyễn Văn Chương phát biểu ý kiến về dự án Luật lực lượng dự bị động viên. Ảnh:Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Văn Chương phát biểu ý kiến về dự án Luật lực lượng dự bị động viên. Ảnh:Quochoi.vn

Trong khi đó, theo phản ánh của các cơ quan quân sự địa phương, hiện nay các doanh nhân, các chủ DN tư nhân trong nước và chủ DN có yếu tố nước ngoài không sẵn sàng cho quân nhân dự bị trong DN của họ đi tập trung huấn luyện, nếu quân nhân dự bị đi thì khi về sẽ mất việc làm.

Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) bày tỏ hoàn toàn nhất trí về sự cần thiết phải ban hành dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại tên của luật để bảo đảm bao quát hết được nội dung của luật bao gồm của con người và phương tiện kỹ thuật.

Khoản 2 Điều 35 quy định phương tiện huy động phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên thì chủ phương tiện được Nhà nước thanh toán chi phí: Sửa chữa trong trường hợp bị hư hỏng, đền bù thiệt hại trong trường hợp phương tiện bị mất, tiêu hủy; bù đắp một phần giá trị sinh lợi do bản thân phương tiện làm ra trong thời gian huy động.

Theo đại biểu, cần làm rõ qui định "bù đắp một phần giá trị sinh lợi do bản thân phương tiện làm ra", việc huy động phương tiện kỹ thuật phải được thực hiện theo Điều 32 Hiến pháp và các quy định liên quan đến Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản.

Đồng thời, cần xây dựng cơ chế phù hợp trong xây dựng và quản lý dự bị động viên. Những quân nhân dự bị phần lớn là thanh niên xuất ngũ về địa phương, những người này làm việc tại các DN, tổ chức kinh tế, nhất là DN nước ngoài, DN tư nhân, khi huy động tham gia lực lượng dự bị động viên sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của những DN này, từ đó gây khó khăn tới việc phân công lao động của DN.

“Mỗi lần động viên, các Cty, DN không muốn nhả người vì ảnh hưởng đến sản xuất, nhất là những DN có vốn đầu tư nước ngoài. Nếu người lao động là quân nhân dự bị chấp hành thời gian huấn luyện sẽ bị chủ DN chấm dứt hợp đồng, dẫn tới mất việc làm. Nếu không chấp hành thời gian huấn luyện sẽ vi phạm luật, buộc các cấp có thẩm quyền phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Việc tham gia lực lượng dự bị động viên là nhiệm vụ của cá nhân khi xuất ngũ sau khi trở về địa phương, về với cuộc sống đời thường mỗi người có một hoàn cảnh riêng, thời gian tham gia diễn tập của lực lượng dự bị động viên càng dài thì càng không thể thực hiện tham gia theo lệnh được gọi. Có người mới có công ăn việc làm sau khi tham gia lực lượng dự bị động viên trở thành thất nghiệp. Hiện tượng này đã xảy ra ở một số tỉnh miền Trung khi tôi khảo sát”, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cho hay.

Trong khi vấn đề đặt ra Dự thảo luật không thấy quy định cơ quan chức năng nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại các DN tư nhân, DN nước ngoài khi tham gia vào lực lượng dự bị động viên.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) cho rằng, các quy định về quản lý lực lượng dự bị động viên cho thấy việc quản lý vẫn thực hiện theo phương thức truyền thống, thủ công như lập sổ đăng ký, cấp giấy chứng nhận đăng ký.

Để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về thiết lập cơ sở dữ liệu và thực hiện điện tử hóa thông tin về lực lượng dự bị động viên và giao Bộ Quốc xây dựng, duy trì, cập nhật và theo dõi cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động quản lý lực lượng dự bị động viên.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-qui-dinh-trach-nhiem-cua-chu-doanh-nghiep-151702.html