'Cần quan tâm đặc biệt tâm lý của bé sơ sinh bị giúp việc bạo hành'

Với trẻ sơ sinh, những hành động thô bạo chắc chắn đã tác động rất lớn tới tâm lý của bé.

Clip bé gái hơn một tháng tuổi bị bạo hành Nữ giúp việc dùng tay bóp miệng, tát mạnh vào mặt, đầu bé gái. Người này còn liên tục tung đứa trẻ lên cao, rồi dùng tay đỡ mặc cho bé gái gào khóc.

Liên quan đến sự việc bé sơ sinh hơn một tháng tuổi bị giúp việc bạo hành mới đây tại Hà Nam, PGS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức (Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Bệnh viện 103), cho biết vấn đề sức khỏe và tâm lý của cháu bé cần phải quan tâm đặc biệt.

Ở độ tuổi sơ sinh, các bộ phận cơ thể của bé còn chưa hoàn thiện nên dễ bị tổn thương do ngoại lực.

“Người ta lo ngại nhiều hơn cả tới phần não bộ của cháu bé khi bị bà giúp việc liên tục tung lên cao, trong đó, đáng chú ý là hội chứng rung lắc mang tới nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho cháu bé", PGS Đức nhận định.

Người giúp việc hành hạ bé gái. Ảnh cắt từ clip.

Người giúp việc hành hạ bé gái. Ảnh cắt từ clip.

Sau khi sự việc được phát hiện, vợ chồng chị N.P. (cha mẹ cháu bé) đã đưa con lên khám ở Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Hà Nội. Mẹ của bé gái dẫn lời bác sĩ cho biết sức khỏe của cháu bình thường, song bác sĩ lo ngại đứa trẻ có khả năng bị ảnh hưởng tâm lý sau này.

Chị P. cho biết hiện tại con gái đã bớt quấy khóc và không còn sốt. Cháu vẫn bú mẹ bình thường, song không được nhiều, rời mẹ ra lại quấy khóc, ngủ hay giật mình.

Về điều này, PGS Đức cho biết khi trẻ bị bạo hành sẽ gây sang chấn tâm lý.

Ở độ tuổi sơ sinh, bé sẽ có các biểu hiện như bỏ ăn (bú), hay quấy khóc, ngủ không say, thường giật mình. Những biểu hiện này cũng hay gặp ở trẻ sơ sinh nên nhiều cha mẹ không nhận ra việc con mình bị bạo hành.

Khi trẻ bắt đầu có nhận thức về thế giới xung quanh, biểu hiệu sang chấn tâm lý sẽ đa dạng hơn. Trẻ có biểu hiện sợ sệt và thu mình lại, dẫn đến mất tự chủ, sống khép kín. Tâm lý của bé luôn không ổn định, nhìn thấy ai cũng sợ, dần dần con sẽ bị thui chột những khả năng có thể phát huy. Trẻ cũng có các biểu hiện như giận hờn, nổi nóng vô cớ, khó kiểm soát cảm xúc, tình cảm của mình.

Theo PGS Đức, trẻ bị bạo hành sẽ bị ám ảnh trong thời gian dài, thậm chí cả đời. Những di chứng tâm lý từ việc bị bạo hành làm trẻ mất niềm tin vào người lớn, tình yêu thương. Khi trưởng thành, trẻ có thể trở thành người nóng nảy hoặc có những trở ngại về giao tiếp.

Để xác định các sang chấn tâm lý, trẻ cần được theo dõi kỹ càng. Nhưng trước hết, với một đứa trẻ sơ sinh, những hành động thô bạo này đã tác động rất lớn tới tâm lý, trong đó, tiêu biểu nhất là sự sợ hãi.

Do đó, PGS Đức khuyên rằng với trẻ sơ sinh nói riêng, trẻ em nói chung, khi bị bạo hành, cha mẹ cần phải quan tâm đặc biệt, luôn tình yêu thương, chú ý đến các biểu hiện của con.

Hà Quyên

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/can-quan-tam-dac-biet-tam-ly-cua-be-so-sinh-bi-giup-viec-bao-hanh-post798688.html