Cần quản lý và sử dụng chặt chẽ nguồn nước trong vụ hè thu

Vụ hè thu (HT) 2020 có khả năng hạn hán cao, các địa phương vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên cần theo dõi để có biện pháp ứng phó phù hợp.

Sáng ngày 5/6, Tổng cục Thủy lợi phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi tổ chức triển khai công tác thủy lợi đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh vụ HT, vụ mùa năm 2020 khu vực Trung bộ và Tây Nguyên.

 Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nhận định, trong thời gian tới tình hình hạn hán sẽ diễn ra rất khốc liệt. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nhận định, trong thời gian tới tình hình hạn hán sẽ diễn ra rất khốc liệt. Ảnh: Lê Khánh.

Theo Tổng cục Thủy lợi, từ đầu năm 2020 đến nay, một số khu vực Trung bộ và Tây Nguyên có lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm, đã xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước ở một số địa phương, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Tại vùng Duyên hải Trung bộ, từ đầu vụ ĐX 2019 – 2020, do nguồn nước không đảm bảo, một số địa phương đã điều chỉnh giảm diện tích sản xuất cho khoảng 23.500ha cây trồng, chiếm 6% diện tích gieo trồng vụ ĐX 2019 – 2020.

Vào thời điểm cao nhất (cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2020) có 2.990ha cây trồng chủ yếu là lúa ĐX bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đặc biệt là các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Bên cạnh đó, khu vực này có gần 35.000 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt.

Khu vực Tây Nguyên trong vụ ĐX, thời điểm cao nhất trong vụ ĐX có 27.387ha cây trồng bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước và hiện nay có khoảng gần 7.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Mùa khô khu vực Trung bộ vẫn còn kéo dài đến hết tháng 8/2020. Trong khi đó nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa hiện đang ở mức thấp. Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi, ở vùng Trung bộ, do mùa mưa ở hầu hết các địa phương bắt đầu từ tháng 9 nên lượng nước cung cấp cho sản xuất nông nghiệp chủ yếu từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Trong khi đó, dung tích các hồ chứa trong vùng lại đang ở mức thấp.

Cụ thể như các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, hiện tại dung tích trữ trung bình các hồ chưa trong vùng đạt 59% dung tích thiết kế. Các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận dung tích trữ trung bình cá hồ chứa chỉ đạt 45%. Đặc biệt, một số tỉnh có mức trữ nước thấp như Ninh Thuận chỉ còn 12% DTTK, Bình Thuận còn18%, Khánh Hòa còn 30% so với dung tích thiết kế.

Người dân vùng Duyên hải Nam Trung bộ đang đối mặt với tình trạng hạn hán, thiếu nước trong vụ HT 2020. Ảnh: Lê Khánh.

Trước tình hình các hồ chứa đang có dung tích thấp như hiện nay, nguy cơ hạn hán, thiếu nước sẽ xảy ra trên diện rộng trong vụ HT 2020. Đại diện Cục Trồng trọt cho biết, dựa theo thực tế về lượng mưa, nguồn nước trong thời gian tới, Cục đã đưa ra 2 phương án về kế hoạch sản xuất vụ HT, vụ mùa 2020 tại khu vực này.

Theo đó, nếu tình hình khu hậu thời tiết bình thường như hằng năm, vùng Tây Nguyên sẽ sản xuất 5,88 nghìn ha lúa, giảm 0,02 nghìn ha, vụ mùa sản xuất 148,41 nghìn ha, giảm 890 ha, vùng Duyên hải Nam Trung bộ vụ hè thu sản xuất 171,74 nghìn ha , giảm 1,16 nghìn ha so với vụ HT năm 2019.

“Nếu tình hình khô hạn trầm trọng hơn năm 2015 – 2016 thì vùng Duyên hải Nam Trung bộ sẽ giảm khoảng gần 45 nghìn ha so với vụ HT năm 2019. Trong đó có 5 tỉnh ảnh hưởng nặng nhất là Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định, Khánh Hòa và Quảng Ngãi.

Phương án trước mắt là như thế, thời gian tiếp theo thì các địa phương tiếp tục theo dõi nguồn nước, nước tới đâu sẽ sản xuất tới đó”, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết.

Cũng theo Cục trồng trọt, các tỉnh trong khu vực có nguy cơ thiếu nước, hạn hán cao cần căn cứ vào dự báo của cơ quan Khí tượng thủy văn Trung ương và tình hình nguồn nước trong các hồ đập chứa để chuẩn bị tốt phương án sản xuất cây trồng cho vụ HT.

Các địa phương cần điều tiết nguồn nước phù hợp để đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vụ HT 2020. Ảnh: Lê Khánh.

Theo đó, đối với vùng an toàn nguồn nước phải sản xuất tập trung canh tác đúng lịch thời vụ. Vùng có nguy cơ hạn hán, không đủ nước cho cây trồng vào cuối mùa vụ cần tập trung bố trí chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn và áp dụng kỹ thuật canh tác để hạn chế tác động của khô hạn đến sản xuất lúa.

Đặc biệt, vụ HT này cần sử dụng các giống lúa ngắn và cực ngắn ngày (dưới 100 ngày) có năng suất, chất lượng khá, cứng cây chống đổ ngã, chống chịu khô hạn. “Ngoài ra, các địa phương cần quản lý tốt nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Trong đó chú trọng các phương án điều tiết nước theo từng giai đoạn phù hợp với yêu cầu cây trồng; bố trí diện tích sản xuất không vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi, chuyển đổi mùa vụ, cơ cấy cây trồng phù hợp tránh thiệt hại do khô hạn”, đại diện Cục Trồng trọt cho biết.

Về vấn để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, Tổng cục Thủy lợi cho rằng, trước mắt cần xác định từng vùng, số hộ có khả năng thiếu nước sinh hoạt sinh hoạt để xây dựng phương án cân đối cấp nước cho từng cụm dân, xã, huyện, đảm bảo không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Những vùng hạn hán, nguy cơ thiếu nước cần có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Ảnh: Lê Khánh.

Về lâu dài, ưu tiên nguồn nước cấp cho sinh hoạt nông thôn; xây dựng phương án chuyển nước (bằng đường ống…) từ các công trình thủy lợi, từ khu vực có nguồn nước dồi dào về khu vực thiếu nước; tiếp tục hỗ trợ phát triển loại hình trữ, cấp nước quy mô hộ gia đình, cấp nước phân tán.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nhận định, năm nay, hạn hán tương đương mức 2015 – 2016, có một số vùng còn cao hơn đặc biệt 3 tỉnh là Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa. Trong thời gian, tới vấn đề thiên tai nói chung, đặc biệt là vấn đề về hạn hán còn xảy ra nghiêm trọng, khốc liệt hơn.

Do đó, các địa phương cần lưu ý theo dõi tình hình thời tiết, khí hậu đặc biệt là nguồn nước. Khi nắm được tình hình như thế thì có thể thực hiện giãn vụ, dừng sản xuất hoặc chuyển đổi để ứng phó hạn hán hay gọi là né hạn.

Cũng theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, về nước sinh hoạt, trong trường hợp hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn thì nước sinh hoạt là vấn đề phải quan tâm hàng đầu. Bộ NN-PTNT cũng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp thiên tai thì có 1 chương trình riêng về nước sạch trong đó có vùng Trung bộ và Tây Nguyên, làm thế nào để tách nước sản xuất và nước sinh hoạt ra riêng.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh: Vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên có nhiều hồ chứa thủy điện, khi hạn hán và thiếu nước như thế thì ngành NN-PTNT chủ trì điều hành các nhà máy thủy điện theo điều 56 Luật Thủy lợi. Trong trường hợp địa phương phối hợp với ngành điện khó khăn thì làm văn bản gửi về Bộ để chúng tôi phối hợp với EVN giúp địa phương điều hành đúng theo yêu cầu.

LÊ KHÁNH - MAI PHƯƠNG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/can-quan-ly-va-su-dung-tot-nguon-nuoc-trong-vu-he-thu-d265787.html