Cần quản lý hiệu quả hoạt động cho vay ngang hàng

Ngày 14/5, tại Hà Nội, Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tổ chức tọa đàm khoa học 'Cho vay ngang hàng (P2P lending): Lợi ích, rủi ro và quản lý' với sự tham gia của đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một số ngân hàng thương mại cổ phần, các công ty fintech trong và ngoài nước và các nhà khoa học trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng…

Tọa đàm được tổ chức nhằm đưa ra một số góc nhìn về thực tiễn hoạt động cho vay ngang hàng hiện nay trên thế giới, trong khu vực và tại Việt Nam, xu hướng phát triển, những lợi ích, rủi ro và đặc biệt là cơ chế, chính sách, quy định quản lý hoạt động cho vay ngang hàng tại một số nước trong khu vực.

Hiện nay, trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, các công ty fintech trong những năm gần đây đã có sự phát triển mạnh mẽ, cung cấp các giải pháp tài chính mới trên nền tảng số. Trong đó, mô hình các công ty cho vay ngang hàng (P2P lending) cung cấp các nền tảng kết nối kỹ thuật số (platform) để người có tiền và người đi vay gặp nhau giao dịch trực tuyến, thỏa thuận và ra quyết định cho vay sử dụng nền tảng trên.

P2P lending mang lại nhiều lợi ích như tăng tiếp cận cho cả người vay và cho vay 24/7, ứng dụng công nghệ để đánh giá xếp hạng khách hàng, đáp ứng nhu cầu nhanh chóng. Do đó, P2P lending đang có tiềm năng phát triển rất lớn, giúp các cá nhân và tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể tiếp cận tài chính và qua đó góp phần quan trọng giúp các quốc gia trong nỗ lực phát triển tài chính toàn diện. Đồng thời, các công ty tham gia P2P lending góp phần thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính.

Tuy nhiên, rủi ro trong cho vay theo hình thức P2P lending cũng rất lớn như khách hàng vay có thể không trả nợ, rủi ro khi xuất hiện các sàn, công ty cho vay P2P lending được dựng lên để lừa đảo, huy động tiền rồi “mất tích” khiến các nhà đầu tư mất tiền, vấn đề hacker... và thực tế đã có những vụ đổ vỡ diễn ra. Bên cạnh đó, các vấn đề về quản lý nhà nước đối với P2P lending còn rất mới mẻ, kể cả đối với các quốc gia phát triển.

Trước những rủi ro như vậy, nhiều nước đã nghiên cứu, đưa ra các khuôn khổ chính sách để giám sát và quản lý đối với hoạt động P2P lending. Song, cho đến nay, chưa có một chuẩn mực quản lý thống nhất nào trên toàn cầu đối với hoạt động P2P lending. Xu hướng chung là khi loại hình cho vay này phát triển, các nhà quản lý ở các nước thường cố gắng cân bằng giữa rủi ro và lợi ích, giữa tạo môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo và sự lành mạnh của thị trường tài chính.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đều thống nhất về lợi ích tổng thể có thể thấy P2P lending mang lại cơ hội tiếp cận nhanh về vốn cho người cần vay, lãi suất có thể rẻ hơn nếu bên cho vay và bên vay được bảo vệ đầy đủ bởi pháp luật, người có tiền cho vay kiếm được thu nhập cao hơn và khi mọi việc quản lý minh bạch, Nhà nước có thể thu thuế trên hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra đề xuất, cần tạo điều kiện khuyến khích mô hình kinh doanh mới này phát triển nhưng cần quản lý để bảo đảm an toàn. Theo đó cần một hành lang pháp lý thử nghiệm cho Fintech nói chung và trường hợp của P2P lending với quan điểm xây dựng văn bản: Khuyến khích đổi mới sáng tạo; gia tăng tiếp cận tài chính; bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư và người vay; kiểm soát rủi ro trong mức chấp nhận.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-quan-ly-hieu-qua-hoat-dong-cho-vay-ngang-hang-119607.html