Cần quản lý chặt thực phẩm chay

Hiện nay, nhiều gia đình lựa chọn sử dụng thực phẩm chay, tuy nhiên trong nguồn cung loại thực phẩm này trên thị trường vẫn xuất hiện rất nhiều đồ ăn chay trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đặc biệt, sau các vụ ngộ độc vừa qua cho thấy, nếu thực phẩm chay không được quản lý, kiểm soát chặt sẽ gây hậu quả khôn lường với sức khỏe người tiêu dùng.

Theo khảo sát tại các cơ sở, nhà hàng kinh doanh đồ ăn chay trên địa bàn Hà Nội, đa số đồ ăn chay đều được chế biến từ rau củ quả, nấm, đậu, đỗ..., không sử dụng đồ đông lạnh chứa chất bảo quản. Mối lo lớn nhất hiện nay nằm ở dạng thực phẩm chay đóng gói công nghiệp, chế biến sẵn bán tràn lan ở chợ dân sinh, cửa hàng, hoặc bán trên mạng... Đáng lưu ý, không ít sản phẩm chay đóng gói không ghi ngày, tháng sản xuất và hạn sử dụng, mà người bán hàng toàn tự khẳng định đây là đồ chay do tự làm (handmade) để người sử dụng tin tưởng. Thế nhưng gần đây lại xuất hiện một số vụ ngộ độc thực phẩm đồ ăn chay do người dân tự chế biến. Nguyên nhân đến từ việc sử dụng sản phẩm ở dạng đóng gói kín không đảm bảo an toàn thực phẩm, được mua từ bên ngoài, nên xuất hiện một số vi khuẩn sinh độc tố gây bệnh và phổ biến là vi khuẩn Clostridium botulinum gây ra chất độc botulinum.

Thực tế, dù cơ quan chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra và có nhiều cảnh báo nhưng việc kinh doanh thực phẩm chay không bảo đảm chất lượng vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Do đó, ngày 1/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ ăn chay, bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm. Việc này càng cho thấy tầm quan trọng trong quản lý, kiểm soát thị trường thực phẩm chay. Từ đó, đòi hỏi cơ quan chức năng tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hơn thị trường thực phẩm chay, bên cạnh ý thức cẩn trọng sử dụng sản phẩm của người tiêu dùng để tránh những vụ ngộ độc đáng tiếc xảy ra.

Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chay quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm còn hạn chế.

Nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chay quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm còn hạn chế.

UBND thành phố Hà Nội cũng vừa có văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về tăng cường quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm sản xuất kinh doanh đồ chay. Trước đó, UBND thành phố Hà Nội nhận được văn bản của Bộ NN&PTNT về việc tăng cường quản lý, kiểm soát đồ ăn chay. Văn bản nêu rõ, thời gian gần đây, nhu cầu sử dụng thực phẩm chay tăng cao, dẫn đến có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay hoạt động rất đa dạng. Thực tế, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chay quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình nên điều kiện bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm còn hạn chế về nhà xưởng, trang thiết bị và thực hành chế biến, bao gói, bảo quản, vận chuyển. Rủi ro lạm dụng hóa chất, phụ gia cũng như nhiễm vi sinh vật dẫn đến sinh ra độc tố là rất cao như vụ ngộ độc khi sử dụng Pate Minh chay năm 2020, sản phẩm chay tháng 3/2021 tại Bình Dương.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn liên quan ở địa phương: Phổ biến quy định pháp luật, hướng dẫn, tập huấn cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay. Không dùng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất kinh doanh thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế. Đảm bảo điều kiện vệ sinh công nghiệp, vệ sinh công nhân, xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm dựa trên HACCP, đặc biệt lưu ý kiểm soát chặt chẽ tại công đoạn tiệt trùng (thời gian, nhiệt độ tiệt trùng); điều kiện bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ sản phẩm.

Tuyên truyền, phổ biến đến người tiêu dùng những lưu ý trong việc lựa chọn thực phẩm nói chung, thực phẩm chay nói riêng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và chỉ mua, sử dụng sản phẩm được bảo quản đúng như công bố trên nhãn của nhà sản xuất (về nhiệt độ, cách thức bảo quản sản phẩm, hạn sử dụng và hướng dẫn sử dụng thực phẩm an toàn...).

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chay từ khâu nguyên liệu, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển và bày bán sản phẩm; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp phát hiện vi phạm cần thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết không mua, tiêu thụ sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Về phía người tiêu dùng nên chọn mua thực phẩm chay, đồ hộp chay có đầy đủ nhãn mác với các thông tin về tên hàng hóa, giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần hoặc thành phần định lượng, thông tin cảnh báo vệ sinh... Đối với những người đã sử dụng sản phẩm chay mà có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, như: mệt mỏi, sụp mi mắt, khó nuốt, liệt cơ, khó thở..., cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất.

Thanh Phượng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/can-quan-ly-chat-thuc-pham-chay-n190892.html