Cần quản chặt để giảm nỗi lo lớn từ xe máy phân khối nhỏ

Theo qua định của Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) thì người điều khiển xe máy điện, xe máy có động cơ dưới 50 phân khối (CC) trở xuống không cần phải có bằng lái (GPLX). Thế nhưng trên thực tế loại phương tiện này khi tham gia giao thông cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Vì thế, không ít ý kiến đã cho rằng, cần bổ sung quy định bắt buộc người điều khiển những loại xe trên phải có GPLX để bảo đảm ATGT.

Tại Việt Nam hiện nay, những người sử dụng xe máy dưới 50cc hầu hết là học sinh độ tuổi từ 16 - 18 do có lợi thế khi điều khiển loại xe này không cần GPLX. Bên cạnh đó, các mẫu xe loại này có giá bán khá rẻ, chỉ từ khoảng 20 triệu đồng trở xuống. Dù dung tích thiết kế dưới 50CC, nhưng với tốc độ di chuyển có thể lên đến 80km/h, loại hình phương tiện này đang tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT rất cao.

Có một thực tế đáng buồn là từ 3 - 4 năm nay, số vụ TNGT liên quan đến trẻ em, đặc biệt là ở học sinh THPT diễn biến phức tạp và không ngừng tăng. Nếu đã chứng kiến những hình ảnh các em học sinh tuổi còn rất nhỏ lái xe gắn máy, thậm chí môtô bất chấp quy định pháp luật… hẳn sẽ không bất ngờ khi số vụ TNGT liên quan đến trẻ em như thời gian qua.

Phần lớn các phụ huynh mua xe gắn máy cho con đều vì lý do tiện dụng, không phải học, thi GPLX. Họ cũng không dạy, hướng dẫn kỹ năng lái xe cho con. Đến khi tham gia giao thông, các em vừa không hiểu luật, vừa không có kỹ năng xử lý được các tình huống trên đường nên rất dễ xảy ra va chạm, TNGT.

Những loại xe máy 50cc được quảng cáo là phù hợp với đối tượng học sinh, sinh viên vì không cần phải có GPLX.

Những loại xe máy 50cc được quảng cáo là phù hợp với đối tượng học sinh, sinh viên vì không cần phải có GPLX.

Theo ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, cần thiết phải có quy định yêu cầu người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện hay xe máy dưới 50CC phải có GPLX. Vì thế, khi sửa đổi bổ sung Luật GTĐB sắp tới cần phải đưa vào quy định này. Có thể không cần GPLX đầy đủ như người trưởng thành nhưng ít nhất cũng phải là một loại chứng chỉ để đảm bảo các em từ 16 - 18 tuổi sử dụng các loại xe trên được học những kiến thức luật cơ bản, nhận diện các biển báo cơ bản và đặc biệt có những kỹ năng để tránh xe tải, xe buýt thế nào, đi làm sao cho an toàn… “Ủy ban ATGT quốc gia đã đưa kiến nghị về việc người điều khiển xe máy điện, xe đạp điện và xe máy dung tích từ 50CC trở xuống cần có GPLX. Hiện, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã có đề xuất người sử dụng những loại xe này phải có GPLX”, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết thêm.

Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho hay, đề xuất người điều khiển xe đạp, xe máy điện hay xe máy dưới 50CC (xe gắn máy) cũng cần phải có GPLX dựa trên tình hình thực tế. Vừa qua, tình hình tai nạn đối với xe máy điện liên quan đến học sinh rất nhiều đã cho thấy sự cần thiết của việc quy định phải có GPLX hay chứng chỉ đối với người điều khiển các loại phương tiện này. “Nếu như môtô (xe máy động cơ trên 50CC) yêu cầu phải có GPLX trong khi cũng cùng một cái xe hai bánh như thế, cùng công suất động cơ điện tương đương khoảng trên 4 kW, tương đương môtô lại không yêu cầu GPLX.

Dưới góc độ nguồn gốc xuất xứ của loại phương tiện này, ông Nguyễn Văn Phương, Phó phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm VN cho biết, trước đây loại xe này chủ yếu được nhập khẩu, nhưng hiện nay nhập khẩu rất ít, chủ yếu là xe được sản xuất, lắp ráp trong nước, với nguồn gốc linh kiện có xuất xứ từ Trung Quốc. Các kiểu loại xe trước khi được nhà sản xuất, lắp ráp trong nước đưa ra thị trường đều phải được Cục Đăng kiểm VN thử nghiệm, kiểm định, cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Cơ sở sản xuất chỉ được sản xuất, lắp ráp khi đảm bảo các sản phẩm này phù hợp với hồ sơ đăng ký chứng nhận, mẫu điển hình đã được thử nghiệm và chứng nhận chất lượng kiểu loại.

Trong quá trình sản xuất, lắp ráp và xuất xưởng từng phương tiện được cơ sở sản xuất quản lý theo quy trình quản lý chất lượng, có sự kiểm tra, giám sát của Cục Đăng kiểm VN. “Động cơ, kết cấu các bộ phận, chi tiết kỹ thuật của xe gắn máy được tính toán phù hợp với vận tốc lớn nhất của xe để đảm bảo hoạt động ổn định ở mọi chế độ. Trường hợp xe bị thay đổi kết cấu động cơ, “độ chế” nòng gây ra sự mất ổn định khi xe vận hành, nguy hiểm cho người sử dụng, nguy cơ xảy ra tai nạn do mất an toàn kỹ thuật”, ông Phương cho biết.

Được biết, đối với xe gắn máy, trước khi có Luật GTĐB năm 2008 vẫn yêu cầu phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức pháp luật giao thông. Tuy nhiên, sau này ra luật lại bỏ, không yêu cầu người điều khiển xe gắn máy phải có loại chứng chỉ này nên hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang đề xuất người điều khiển xe gắn máy cần phải có chứng chỉ. Tương tự đối với người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện cũng cần phải có loại chứng chỉ này mới được điều khiển xe. Để có được chứng chỉ này, bắt buộc phải học các kiến thức cơ bản để đảm bảo ATGT, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông mới được cấp chứng chỉ.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia cho rằng, cần thiết phải có quy định yêu cầu người điều khiển xe đạp điện, xe máy điện hay xe gắn máy dưới 50CC phải có GPLX. Vì thế, khi sửa đổi bổ sung Luật GTĐB sắp tới cần phải đưa vào quy định này. Có thể không cần GPLX đầy đủ như người trưởng thành nhưng ít nhất cũng phải là một loại chứng chỉ để đảm bảo các em từ 16 - 18 tuổi sử dụng các loại xe trên được học những kiến thức luật cơ bản, nhận diện các biển báo cơ bản…

Cũng theo ông Hùng, trước việc nhiều vụ TNGT liên quan đến xe gắn máy, trong đó nhiều người đặt ra nghi vấn về chất lượng của nhiều xe gắn máy, có hiện tượng xe có thông số kỹ thuật dưới 50CC nhưng thực tế động cơ được “độ chế” đến 80CC thậm chí 100CC, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh loại xe này. Ủy ban ATGT quốc gia cũng khuyến cáo, tới nay Luật GTĐB chưa yêu cầu phải có GPLX nhưng bản thân nhà trường, phụ huynh cần phối hợp với các cơ sở bán loại xe này hướng dẫn cho các cháu học sinh cách sử dụng phương tiện, hướng dẫn lái xe an toàn, tuân thủ Luật GTĐB vì an toàn của chính các học sinh.

Nguyễn Đăng

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-quan-chat-de-giam-noi-lo-lon-tu-xe-may-phan-khoi-nho-172886.html