Cần phương án tháo gỡ để xe điện 4 bánh hoạt động ở Khu du lịch Thiên Cầm
Khu du lịch Thiên Cầm (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) không nằm trong diện thí điểm cho phép chở khách bằng xe điện 4 bánh, khiến hoạt động du lịch ở đây sụt giảm.
Giảm khách lưu trú vì không có phương tiện di chuyển ở khu du lịch
Năm 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 518/TTg-CN về việc đồng ý thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng phục vụ khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế.
Đến nay, trên cả nước có 35 địa phương được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm hoạt động đối với xe điện 4 bánh phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hạn chế.
Hà Tĩnh là tỉnh không nằm trong số 35 tỉnh, thành thí điểm chở khách bằng xe điện nên các cơ quan chức năng đã chỉ đạo, quán triệt dừng các hoạt động xe điện 4 bánh tại một số khu du lịch.
Ghi nhận tại khu du lịch Thiên Cầm (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh), năm 2018 có khoảng 80 phương tiện xe điện được người dân địa phương đưa vào khai thác du lịch.
Cuối năm 2023, Công an huyện Cẩm Xuyên đã có văn bản yêu cầu các chủ phương tiện xe điện 4 bánh phục vụ khách du lịch ở Thiên Cầm tạm dừng hoạt động.
Sau khi xe điện 4 bánh chấm dứt hoạt động, du khách ít có cơ hội khám phá các điểm du lịch, ẩm thực xung quanh khu du lịch Thiên Cầm, dẫn đến liên kết các điểm du lịch trải nghiệm tại đây bị đứt gãy. Nhiều người dân nghỉ nghề biển do mất sức lao động cũng phải đối mặt với việc mất thu nhập, thanh lý xe.
Anh Hoàng Ngọc Anh (SN 1969, trú thôn Xuân Bắc, xã Cẩm Nhượng) cho biết, năm 2018, nhận thấy nhu cầu sử dụng xe điện ở Thiên Cầm rất lớn, ngoài khám phá biển Thiên Cầm, khi đi xe điện, các đoàn khách còn được tham quan ngọn Hải Đăng, chợ Cồn Gò, Chùa Yên Lạc, cảng cá Cửa Nhượng, mua sắm hải sản… nên anh vay tiền mua một xe điện 4 bánh giá 120 triệu đồng.
Thế nhưng, cuối năm 2023, xe điện 4 bánh bị cấm hoạt động, anh Ngọc Anh cùng nhiều người phải thanh lý xe điện, chuyển sang chạy xe ôm nhưng lượng khách có nhu cầu đi xe ôm rất ít khiến thu nhập của anh bị giảm rất nhiều.
"Mới hoàn vốn không lâu thì hè vừa rồi tôi phải thanh lý xe 15 triệu. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm có quy định cho phép xe điện vận hành vì du khách có nhu cầu rất lớn đối với dịch vụ này, cũng là tạo công ăn việc làm thu nhập cho người dân tại khu du lịch", anh Ngọc Anh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Trọng Quang (SN 1969, trú thôn Hải Nam, xã Cẩm Nhượng) cũng chia sẻ việc cấm xe điện 4 bánh hoạt động còn bất thuận lợi cho du khách lưu trú tại khu du lịch Thiên Cầm.
"Khách du lịch họ thường nghỉ cả gia đình từ 3 người trở lên nên có nhu cầu di chuyển bằng xe điện, không thích đi xe ôm. Từ khi ở đây cấm xe điện, khách du lịch có xu hướng rút ngắn ngày nghỉ vì ngoài tắm biển và ăn hải sản họ không có phương tiện để di chuyển đi thăm thú các điểm du lịch khác trong khu vực. Ngày trước, tôi hay chở khách sang gò mua hải sản mang về nay chẳng có ai đi nữa", anh Nguyễn Trọng Quang cho hay.
"Tôi đứng trụ cả ngày nay nhưng vẫn chưa có khách. Trước đây, khi lái xe điện 4 bánh, chúng tôi mỗi ngày thu nhập từ 200 – 300.000 đồng, nay đi xe ôm thu nhập chưa đến 100.000 đồng", ông Nguyễn Thanh Hải (SN 1960, trú thôn Tân Dinh) buồn bã nói.
Chị Nguyễn Thanh Nga (du khách ở Hà Nội) từng đến du lịch ở biển Thiên Cầm cũng chia sẻ, năm ngoái, chị cùng cơ quan về nghỉ dưỡng ở đây. Lúc đấy, có xe điện nên khám phá được nhiều điểm du lịch tâm linh, cộng đồng, đặc biệt là đi chợ Cồn Gò mua hải sản tươi sống, chị rất ấn tượng.
"Vì thế, nghỉ hè năm nay tôi dẫn cả gia đình về đây để nghỉ dưỡng, thế nhưng không có xe điện nên cả gia đình chỉ nghỉ 1 đêm rồi di chuyển chỗ khác vì ở Thiên Cầm ngoài tắm biển, ăn hải sản thì không biết làm gì nữa", chị Nga nói.
Cần phương án tháo gỡ
Liên quan nội dung này, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng cho biết, việc dừng hoạt động của xe điện 4 bánh đã ảnh hưởng rất lớn đến lượng du khách đến với khu du lịch này, đặc biệt là thời gian lưu trú của du khách đã bị rút ngắn vì khi đến đây không có phương tiện di chuyển, đồng thời cũng không còn tạo được liên kết các điểm du lịch trên địa bàn với nhau.
Theo ông Hùng, trước đây, du khách đến với khu du lịch Thiên Cầm sẽ được giới thiệu đi khám phá một số điểm du lịch xung quanh khu vực như: Chùa Cầm Sơn, chợ Cồn Gò, ngọn Hải Đăng, chợ quê, làng nghề truyền thống nước mắm… đưa lại trải nghiệm thú vị cho du khách cũng như tạo liên kết tiêu thụ sản phẩm "kéo" theo kinh tế - xã hội của xã phát triển. Chưa kể, hoạt động xe điện còn tạo công ăn việc làm, thu nhập cho khoảng 80 lao động địa phương.
"Nhiều người dân mất sức lao động bỏ nghề đi biển, đầu tư mua xe điện 4 bánh để làm dịch vụ. Tuy nhiên, từ cuối 2023 đến đầu 2024, cơ quan chức năng yêu cầu chấm dứt triệt để hoạt động xe điện 4 bánh tại Khu du lịch Thiên Cầm nên số lao động này phải bán tống bán tháo xe điện, chuyển đổi nghề nghiệp. Một số chạy xe ôm, số khác mở quán nước buôn bán nhỏ ở khu du lịch... Thu nhập của lao động vì thế giảm đi nhiều", ông Hùng trăn trở.
Ông Hoàng Xuân Hướng, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Truyền thông huyện Cẩm Xuyên cũng cho biết, khi ông đang làm Trưởng ban quản lý Khu du lịch Thiên Cầm, việc xe điện hoạt động đã góp phần kích cầu du khách, biến Thiên Cầm thành khu du lịch hấp dẫn, sôi động, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Riêng năm 2023, Khu du lịch Thiên Cầm thu hút hơn 50.000 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng và hầu hết đều sử dụng xe điện 4 bánh để khám phá các điểm du lịch, dịch vụ, ẩm thực xung quanh Khu du lịch Thiên Cầm, du khách rất hài lòng về dịch vụ xe điện.
Theo ông Hướng, tại các khu du lịch tâm linh như Chùa Hương Tích (huyện Can Lộc) và một số khu, điểm du lịch khác được sử dụng xe điện 4 bánh vì ở đó chỉ di chuyển trong đường nội bộ khuôn viên quản lý của đơn vị chủ quản, xe điện 4 bánh không tham gia giao thông ở khu vực khác.
Còn tại Khu du lịch Thiên Cầm, xe điện 4 bánh ngoài phục vụ du khách trong khu du lịch còn tham gia giao thông trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ.
Theo tìm hiểu, ngoài Khu du lịch Thiên Cầm thì Hà Tĩnh còn có nhiều khu, điểm du lịch cần dịch vụ xe điện 4 bánh phục vụ du khách như: Khu du lịch Xuân Thành, biển Thạch Hải, Thạch Bằng, Kỳ Ninh, Kỳ Xuân…
Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ, an toàn giao thông đường bộ chưa có quy định về xe 4 bánh chạy bằng điện và hoạt động vận tải chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế.
Vì vậy, việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, áp biểu tính các loại thuế, phí liên quan… đều có nhiều điểm khó khăn cho cả cơ quan Nhà nước cũng như doanh nghiệp.
Chính vì vậy, phương án "gỡ khó" cho xe điện 4 bánh hoạt động đúng theo quy định vừa đảm bảo an toàn trật tự giao thông vừa phục vụ du khách để kích cầu du lịch địa phương khởi sắc đang là mong mỏi của ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh.
Liên quan nội dung này, theo đại diện Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh, đơn vị đã nhiều lần đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất Bộ Giao thông vận tải đưa tỉnh Hà Tĩnh vào danh sách các tỉnh để Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt cho thí điểm chạy xe điện phục vụ khách du lịch trong phạm vị giới hạn cho phép tại các khu, điểm du lịch như: Thiên Cầm, Xuân Thành, Ngã Ba Đồng Lộc… Tuy nhiên, đến nay nội dung này vẫn chưa có phương án tháo gỡ.