Cần phòng trừ sâu bệnh trên cây hồ tiêu, không để lây lan diện rộng

Để thực hiện tốt việc quản lý dịch bệnh trên cây hồ tiêu, đặc biệt là theo dõi và dự tính, dự báo để chủ động phòng bệnh, xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng trên vùng đất không phù hợp với cây hồ tiêu, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành Công văn yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức bình tuyển công nhận giống tiêu có năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ đến thăm vườn tiêu tại xã Đăc Ơ chỉ còn trơ trọi nọc do dịch bệnh hại cây.

Từ đó làm cơ sở đề ra các giải pháp, chính sách cho ngành hàng hồ tiêu phát triển bền vững; rà soát lại diện tích trồng cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh, nhất là diện tích người dân trồng theo phong trào, không phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước. Đồng thời, chuyển đổi diện tích tiêu chết để khuyến cáo người dân chuyển sang trồng các loại cây khác phù hợp, mang lại lợi ích kinh tế cao hơn (khoảng 2.000 ha) giai đoạn 2019-2021. Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu hồ tiêu để xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển vùng nguyên liệu đạt năng suất, chất lượng và bền vững.

Đối với Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Bình Phước, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng cổ phần thương mại đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thống kê tất cả các khoản vay tín dụng của nông dân vay để trồng và phát triển vườn cây hồ tiêu, đồng thời, tiếp tục hỗ trợ các hộ dân vay vốn để chuyển đổi cây trồng khác trên vùng đất trồng cây hồ tiêu bị bệnh hại vừa qua.

UBND huyện, thị xã, thành phố phối hợp Sở NN&PTNT, các ngành liên quan rà soát lại diện tích cây hồ tiêu người dân địa phương trồng tự phát theo phong trào không phù hợp điều kiện đất đai, nguồn nước làm cơ sở xây dựng kế hoạch nhằm khuyến cáo, hướng dẫn người dân trồng cây hồ tiêu chuyển đổi hoặc đề xuất các chính sách phù hợp. Khuyến khích trồng các cây khác có hiệu quả kinh tế cao như: nhãn, xoài, sầu riêng, chôm chôm, cây có múi... tùy vào điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng.

Tăng cường công tác tập huấn, tuyên truyền người dân phòng trừ sâu bệnh, không để lây lan diện rộng; vận động người dân không mở rộng diện tích tiêu, nhất là các vùng không thích nghi với điều kiện sinh trưởng và phát triển của loại cây trồng này... Trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 523,1 ha hồ tiêu bị bệnh chết nhanh, mức độ gây hại hơn 70%, tập trung ở các huyện, thị xã Bù Gia Mập 310 ha, Bình Long 79 ha, Hớn Quản 54 ha, Bù Đốp 41,1 ha, Lộc Ninh 25,5 ha, Đồng Phú 8,5 ha. Ngoài ra, một số diện tích chết dưới dạng cục bộ rải rác theo trụ khoảng 1-5 trụ/vườn.

Hà Nguyễn

Nguồn Lao Động: https://laodongtre.laodong.vn/doi-song/can-phong-tru-sau-benh-tren-cay-ho-tieu-khong-de-lay-lan-dien-rong-652457.ldo