Cần phải làm gì để ngăn ngừa hút thuốc trong thanh thiếu niên?

Hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tử vong lớn nhất trên thế giới. Vậy mà theo tổ chức Y tế Thế giới, mỗi ngày trên thế giới có từ 80.000-100.000 thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc. Trước thực trạng đó, Việt Nam cần phải làm gì để ngăn ngừa hút thuốc trong thanh thiếu niên?

Thanh thiếu niên hãy nói không với thuốc lá - ảnh: minh họa Thanh thiếu niên có thể dễ dàng nghiện chất Nicotine chỉ sau khi hút vài điếu thuốc và trở thành người nghiện thuốc lá khi bước vào tuổi trưởng thành. Rất nhiều người trong số hộ sẽ phải gánh chịu những căn bệnh do thuốc lá gây ra. Ở Việt Nam, theo điều tra về thực trạng sử dụng thuốc lá trong học sinh Việt Nam năm 2007 cho thấy, có 17,6% ở nam và 5,5% ở nữ dưới 10 tuổi đã từng thử hút thuốc; tỷ lệ học sinh nam hút thuốc trước 10 tuổi là 17%; tỷ lệ hút thuốc ở học sinh nam độ tuổi 13-15 là 6,5% và ở nữ là 1,2%; đặc biệt có 10,3% học sinh nam và 4% học sinh nữ độ tuổi 13-15 trả lời có ý định sẽ hút thuốc trong tương lai. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng, một người đã bắt đầu hút thuốc càng sớm từ tuổi thanh, thiếu niên thì càng dễ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá như ung thư phổi, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp, lao phổi, suy giảm khả năng tình dục, suy giảm khả năng miễn dịch… Ngoài ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của những người xung quanh, hút thuốc lá cũng thường là con đường dẫn đến những chất gây nghiện khác như rượu, cà phê, thậm chí ma túy. Về lâu dài, một người đã bắt đầu hút thuốc càng sớm từ tuổi thanh thiếu niên thì càng dễ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá. Một nghiên cứu ở Mỹ cho biết hút thuốc từ khi còn trẻ dễ gây nên biến đổi gen ở phổi và sẽ làm tăng nguy cơ ung thư phổi, ngay cả khi người đó sau này quyết định bỏ thuốc. Mặc dù Việt Nam có quy định cấm bán thuốc cho trẻ em dưới 18 tuổi, nhưng hầu hết các học sinh được hỏi đều trả lời không bị từ chối vì chưa đến tuổi mua thuốc. Hơn 50% học sinh hút thuốc đều nói các em mua thuốc tại các cửa hàng bán lẻ. Thuốc lá tại Việt Nam được bày bán lẻ ở khắp mọi nơi như trên phố, hàng rong, tại các quầy hàng tạp hóa, hàng nước… Điều này làm cho việc mua thuốc trở nên quá dễ dàng, làm tăng khả năng sử dụng thuốc lá và tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên. Mặt khác, vẫn còn có hiện tượng Công ty thuốc lá thông qua các giải pháp: giảm giá thuốc, bao bì nhãn mác đẹp... để kích thích thị hiếu người tiêu dùng vô hình chung làm tăng lượng người hút thuốc, nhất là trong thanh thiếu niên. Để ngăn ngừa tình trạng thanh, thiếu niên hút thuốc, nhất thiết chúng ta phải thực hiện các khu vực công cộng không hút thuốc lá, nhất là tại trường học. Tăng cường giám sát thực hiện quy định không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi; Tiến hành các chương trình phòng chống tác hại thuốc lá dựa vào thanh niên (thông qua các tổ chức thanh thiếu niên, hội học sinh sinh viên, Đoàn Thanh niên) nhằm nâng cao nhận thức trong thanh thiếu niên về tác hại thuốc lá. Bên cạnh đó, cần tăng giá thuốc thông qua biện pháp tăng thuế và đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trong thanh niên về tác hại của thuốc lá. Cấm bán bao gói nhỏ dưới 20 điếu vì đây chính là nguyên nhân quan trọng tạo điều kiện cho thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận với thuốc lá, làm gia tăng tỷ lệ hút thuốc ở nhóm tuổi này. Điều đáng lưu ý là cha mẹ và thầy giáo và những người thân cần gương mẫu, không hút thuốc lá, trò chuyện với các bạn trẻ về tác hại của thuốc lá và xây dựng các dịch vụ tư vấn bỏ thuốc…

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=390277&co_id=30087