Cần nới lỏng điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ

Tại Diễn đàn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19: Thu hẹp khoảng cách từ chính sách tới thực thi, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 8-12, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định nếu dịch kéo dài đến hết năm 2020 thì sẽ có khoảng 39,3% DN phá sản.

Tính đến cuối tháng 10, hơn 70.000 DN phải tạm dừng hoạt động và đóng cửa, chủ yếu là DN nhỏ và vừa, hộ kinh doanh cá thể, ảnh hưởng hơn 31 triệu người lao động. Chính phủ, bộ, ngành, các địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ DN vượt khó nhưng không phải tất cả đều tiếp cận được các gói hỗ trợ này.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nhiều DN đánh giá thấp về mức độ thuận lợi khi tiếp cận thông tin về chính sách hỗ trợ, mức độ hữu ích của chính sách hỗ trợ theo từng ngành, lĩnh vực kinh tế... Về nguyên nhân, có thể do DN chưa biết thông tin về chính sách hỗ trợ, cũng có thể do chính sách ban hành với nhiều yêu cầu, thủ tục. DN phản ánh khó tiếp cận nguồn vay gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng để trả tiền lương cho lao động. Các thủ tục hành chính còn phiền hà, chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN.

Dưới góc nhìn DN, ông Lê Việt Cường, Giám đốc HTX Vụn Art (chuyên sản xuất tranh từ vải, ở TP Hà Nội), cho biết đơn vị chịu tác động khá lớn do dịch nhưng việc tiếp cận các gói hỗ trợ rất khó khăn. Là DN với quy mô nhỏ nên các rào cản về pháp lý, các điều kiện, tiêu chí đưa ra khiến DN khó đáp ứng được. Việc xác nhận thông tin liên quan từ chính quyền địa phương cũng không dễ, khiến quá trình hoàn thiện thủ tục để thụ hưởng gói hỗ trợ gặp khó.

Từ những bất cập nêu trên, ông Tuấn cho rằng các bộ ngành, địa phương cần nhìn thẳng vào các vướng mắc để tập trung tháo gỡ, điều chỉnh cho phù hợp trong quá trình triển khai các gói hỗ trợ. Tùy đặc thù từng ngành nghề, lĩnh vực để thiết kế các hình thức hỗ trợ phù hợp trong từng giai đoạn khác nhau. Đặc biệt, cần có chính sách kịp thời, ưu tiên DN nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém của loại hình DN này. Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng lưu ý tránh hiện tượng trục lợi từ chính sách hỗ trợ.

Theo phân tích của ông Tuấn, do dịch, một số ngành kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề như hàng không, du lịch song cũng có một số ngành có cơ hội phát triển tốt như công nghệ thông tin, thương mại điện tử, bưu chính, chuyển phát. Do đó, cần có giải pháp đến đúng đối tượng, tránh dàn trải.

Các thủ tục để tiếp cận, hưởng các gói hỗ trợ cần đơn giản hóa và tạo thuận lợi hơn nữa cho DN. Đây là quan điểm của ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển DN. Ông Huân cho rằng nhiệm vụ cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong kinh doanh là việc làm cấp thiết để giúp DN đứng dậy sau dịch. DN cũng cần chú trọng quá trình chuyển đổi số, xem dịch Covid-19 là một động lực để thúc đẩy quá trình này.

Nhận định của VCCI là dịch Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng lâu dài đến DN, chính vì vậy, các cơ quan có thẩm quyền cần kéo dài thời gian của các gói hỗ trợ để DN kịp thời phục hồi sản xuất - kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch để bảo đảm DN, hộ kinh doanh và người lao động tiếp cận được. Cũng cần nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng và giảm thiểu thủ tục, quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.

Minh Chiến

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/can-noi-long-dieu-kien-tiep-can-cac-goi-ho-tro-20201208224253984.htm