Cần nỗ lực cả ASEAN và quốc tế giải quyết khủng hoảng Myanmar

ASEAN cần sự hợp sức từ các tổ chức, quốc gia trong và ngoài khu vực để có thể giúp giải quyết khủng hoảng chính trị ở Myanmar.

Ngày 3-3, biểu tình phản đối chính biến tiếp tục diễn ra trên khắp các TP lớn ở Myanmar. Cảnh sát vẫn triển khai số lượng lớn hơi cay, vòi rồng, đạn cao su và đạn thật để giải tán đám đông. Hãng tin AP dẫn nguồn truyền thông Myanmar cho biết ít nhất chín người biểu tình bị cảnh sát bắn chết và nhiều người bị thương trong các vụ đụng độ giữa hai bên. Hàng trăm người biểu tình bị bắt.

Các diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh các bộ trưởng ngoại giao ASEAN ngày trước đó họp trực tuyến bàn về tình hình Myanmar. Không có tuyên bố chung hay động thái gì được thống nhất sau cuộc họp. Thay vào đó, nhiều nước thành viên đã đưa ra tuyên bố riêng của mình, theo hãng tin AFP.

Người biểu tình Myanmar dùng khiên tự chế và bình cứu hỏa để cản lại hơi cay từ phía cảnh sát ở TP Yangon ngày 3-3. Ảnh: REUTERS

Người biểu tình Myanmar dùng khiên tự chế và bình cứu hỏa để cản lại hơi cay từ phía cảnh sát ở TP Yangon ngày 3-3. Ảnh: REUTERS

Thách thức với ASEAN trong vấn đề Myanmar

Trong các tuyên bố riêng, đa số các nước đều bày tỏ sự quan ngại về tình trạng bạo lực leo thang ở Myanmar và bàng hoàng trước việc chính quyền quân sự sẵn sàng bắn vào người dân.

Ngoại trưởng Hassanal Bolkiah của Brunei, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế hết sức và nỗ lực giải quyết mâu thuẫn thông qua các biện pháp đối thoại hòa bình. Trong khi đó, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan nhấn mạnh đây là lúc ASEAN đứng lên khẳng định vai trò trung tâm trong giải quyết các thách thức an ninh khu vực. Theo ông: “Khủng hoảng Myanmar càng để lâu sẽ không có lợi cho nước này nói riêng và toàn Đông Nam Á nói chung. ASEAN phải cho thấy khối này đủ khả năng bảo vệ các giá trị mình đang theo đuổi là quyền con người và quản trị dân chủ”. Đồng quan điểm, Ngoại trưởng Malaysia Hishammuddin Hussein cũng kêu gọi ASEAN phải chủ động hơn trong nỗ lực giải quyết khủng hoảng Myanmar. Mặt khác, chính quyền quân sự Myanmar cũng phải hợp tác với ASEAN qua việc tôn trọng quyền con người và tôn trọng ý kiến của người dân.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Al Jazeera, ThS Aaron Connelly thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nhận định ASEAN đang bị đặt vào thế khó khi đối mặt với khủng hoảng chính trị Myanmar. Ông băn khoăn việc ASEAN duy trì tiếp xúc với chính quyền quân sự sẽ giúp lực lượng này củng cố tính chính danh, trong khi người dân Myanmar đang quyết liệt tỏ ý không chấp nhận sự lãnh đạo của quân đội. Tuy nhiên, nếu không tiếp xúc với quân đội Myanmar thì ASEAN không thể giải quyết được khủng hoảng bởi lực lượng này đang là bên nắm quyền cao nhất ở đây. Một lý do khác còn nằm ở nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ nước thành viên của ASEAN.

Đức Giáo hoàng Francis ngày 3-3 kêu gọi chính quyền quân sự nên đối thoại thay vì đối đầu trực diện với người dân, đồng thời khẳng định thế hệ trẻ Myanmar xứng đáng “có một tương lai nơi mà hận thù và bất công nhường chỗ cho tương tác và hòa giải”, theo hãng tin Reuters.

ASEAN cần sự hợp tác trong và ngoài khu vực

Theo ông Connelly, đó là lý do tại sao đến lúc này ASEAN vẫn chưa thể có động thái rõ ràng trong khi tình hình Myanmar ngày càng diễn biến xấu. ASEAN cũng khó có thể làm trung gian để hai bên Myanmar đối thoại khi gần như toàn bộ lãnh đạo chính quyền dân sự đã bị phía quân đội bắt giữ. Vì thế ông cho rằng “chỉ nỗ lực từ ASEAN là chưa đủ mà cần phải phối hợp chặt chẽ với các tổ chức và các quốc gia khác trong và ngoài khu vực”.

Trong bài viết mới đây cho tờ South China Morning Post, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á (Thái Lan) James Gomez cũng cho rằng ASEAN cần phải phối hợp với các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc để thống nhất phản ứng chung về vấn đề Myanmar. Bản thân mỗi phản ứng của mỗi bên đều có những ưu, nhược điểm khác nhau. Chẳng hạn Mỹ hay các nước phương Tây thì chỉ trích công khai chính quyền quân sự Myanmar nhưng lại quá chú trọng vào việc trừng phạt kinh tế. Trong khi đó, ASEAN luôn kêu gọi hai bên đối thoại nhưng lại chưa có động thái đủ sức nặng thay đổi tình hình. Việc các bên này kết hợp lại và phối hợp phản ứng nhịp nhàng sẽ giúp bổ sung cũng như củng cố những điểm yếu và phát huy thêm những điểm mạnh sẵn có.

Trả lời phỏng vấn của đài BBC ngày 2-3 về khủng hoảng Myanmar, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng chỉ trừng phạt kinh tế không là chưa đủ để tạo ra thay đổi ở đây.

“Không gì có thể ép phía quân đội Myanmar phải làm thế này, thế kia mặc cho Mỹ, Liên minh châu Âu, ASEAN hay Liên Hợp Quốc muốn gì hay nói gì đi nữa. Hơn nữa, những nước như Mỹ ngoài trừng phạt kinh tế thì có thể làm gì nữa, họ không thể đột nhiên gửi quân đội tới Myanmar can thiệp được” - ông Lý nhận định.

Ngoài ra, ông Lý cũng kêu gọi quân đội Myanmar trả tự do cho lãnh đạo lđảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ Myanmar (NLD) Aung San Suu Kyi. Ông nhấn mạnh việc bắt giữ bà Suu Kyi không giải quyết được bất kỳ vấn đề nào.

Theo ông, một giải pháp tốt hơn là để bà Suu Kyi được công khai phản biện bất kỳ cáo buộc gian lận bầu cử nào từ phía quân đội và hai bên cùng ngồi xuống đàm phán trong hòa bình, cùng nhau tìm ra con đường phát triển cho tương lai Myanmar.

Ông Gomez cho rằng chính quyền quân sự về dài hạn sẽ không thể cứ tiếp tục đối đầu căng thẳng mãi với người biểu tình vì họ cũng cần giữ hình ảnh và khi lực lượng sẵn sàng đối thoại thì sẽ có ASEAN làm cầu nối. Tuy nhiên từ đây đến lúc đó vẫn cần áp lực từ các bên ngoài khu vực để giúp quân đội Myanmar nhớ là cả thế giới đang rất không hài lòng về các hành động của lực lượng này.•

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/can-no-luc-ca-asean-va-quoc-te-giai-quyet-khung-hoang-myanmar-970314.html