Cần những giải pháp giải quyết dứt điểm vấn đề du canh, du cư

Sau nhiều năm thực hiện, chính sách định canh, định cư (ĐCĐC) của Đảng và Nhà nước đã giúp hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo ổn định đời sống. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên vấn đề di cư tự do (DCTD) trong đồng bào DTTS vẫn xảy ra và gây ra những hệ lụy không nhỏ đến phát triển kinh tế, đời sống cũng như trật tự an toàn xã hội.

Tình trạng du canh, du cư trong đồng bào DTTS dẫn đến nhiều hệ lụy cho sự phát triển của xã hội. Ảnh: Linh Đan

Tình trạng du canh, du cư trong đồng bào DTTS dẫn đến nhiều hệ lụy cho sự phát triển của xã hội. Ảnh: Linh Đan

Theo số liệu tại Hội nghị giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS DCTD được Ủy ban Dân tộc tổ chức mới đây, đa phần những trường hợp DCTD là người DTTS. Trong giai đoạn 2005-2017, tổng số dân di cư trên cả nước là 67.000 hộ, trong đó, tại các khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống như Tây Bắc là hơn 5.800 hộ, Tây Nguyên hơn 5.900 hộ, Tây Nam bộ hơn 2.000 hộ. Đến hết năm 2017, tổng số hộ DCTD được hỗ trợ ĐCĐC là 42.000 hộ, còn hơn 24.500 hộ cần được sắp xếp bố trí ĐCĐC.

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, tính hết năm 2019, cả nước có gần 17.300 hộ DTTS DCTD được bố trí nơi ở, nhưng vẫn còn hơn 12.440 hộ chưa có chỗ ở ổn định. Những hộ này hiện đang sinh sống trong rừng phòng hộ, rừng quốc gia, lòng hồ thủy điện, đất của các nông trường, lâm trường. Đây là những nơi sống phân tán, không có trong quy hoạch dân cư, gây ra nhiều hệ lụy cả về phát triển kinh tế-xã hội và an ninh, bảo vệ môi trường và trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Chia sẻ về thực trạng đời sống của đồng bào DTTS DCTD, ông Triệu Hồng Sơn, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Dân tộc cho biết, nhóm người này chưa được tiếp cận các dịch vụ xã hội, tỷ lệ đói nghèo cao, trẻ em trong độ tuổi không được đến trường, người dân không được thụ hưởng các quyền lợi về pháp lý, vấn đề quản lý hộ khẩu, quản lý di dân cả nơi đến và nơi đi đều rất khó khăn. Thêm vào đó, ngoài ảnh hưởng đến vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, thực trạng trên còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh đẻ quá dày, đẻ nhiều, suy dinh dưỡng nặng, mù chữ, bản sắc văn hóa bị mai một... Đây chính là một trong những nguyên nhân căn cốt làm cho đời sống đồng bào gặp nhiều khó khăn, rơi vào vòng luẩn quẩn đói nghèo.

Về góc độ an ninh, Giáo sư Phan Xuân Sơn, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc DCTD gây áp lực lớn lên hệ thống quản lý, cơ sở hạ tầng và đất đai ở địa phương, từ đó, dẫn đến việc nhiều nơi không quản lý được dân cư. Chính vì vậy, DCTD tiềm ẩn các yếu tố phức tạp về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, trong đó có an ninh biên giới.

Được biết, để hạn chế tình trạng DCTD trong đồng bào DTTS, từ năm 2002, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều quyết định hỗ trợ đồng bào ĐCĐC như: Quyết định 132, Quyết định 134, Quyết định 74, Quyết định 29, Quyết định 1592, Quyết định số 755, qua đó giúp đồng bào phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, hạn chế du canh, du cư và giảm nghèo bền vững. Đáng chú ý, Điều 27, Luật Đất đai năm 2013 ghi nhận, cần có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

Đồng thời, phải xây dựng chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất. Ủy ban Dân tộc cũng ban hành Thông tư số 2/2017/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Theo đó, đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo được áp dụng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư Phan Xuân Sơn cho biết: Muốn đồng bào ĐCĐC, trước hết phải tạo ra các điều kiện tối thiểu cho sự tồn tại, ít ra ngang bằng với DCTD, sau đó là các yếu tố cho sự phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc hưởng chính sách ĐCĐC. Chúng ta nên đầu tư nguồn lực của Nhà nước theo hướng này, nếu không, các chương trình ĐCĐC sẽ không thành công. Thất bại của các dự án ĐCĐC là không tạo ra các sản phẩm thay thế cho đời sống của đồng bào. Từ cách tiếp cận này, điểm lại các chính sách ĐCĐC, chúng ta có thể thấy rằng, các biện pháp tiến hành có nhiều bất cập, trong một số trường hợp là áp đặt duy ý chí, chỉ xuất phát từ lòng tốt mà thiếu căn cứ khoa học, vì thế sinh ra lãng phí nguồn lực.

Ở góc độ khác, Tiến sĩ Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phân tích: Mặc dù có rất nhiều chính sách để đồng bào ĐCĐC, tuy nhiên, vẫn còn sự nhận thức chưa đầy đủ trong vấn đề hoạch định chính sách cũng như tổ chức thực hiện. Vẫn có tình trạng, nhiều địa phương thực hiện theo phong trào nhằm hoàn thành những chỉ tiêu định trước. Ngay cả việc xác định đối tượng cụ thể đôi lúc cũng không được rõ ràng, kéo theo đó là các biện pháp giải quyết không triệt để. Định cư chưa gắn liền với định canh, trong thực hiện còn bộc lộ nhược điểm về quy hoạch sử dụng đất, ví dụ như chưa phù hợp với tập quán canh tác, nguyện vọng của cộng đồng tại chỗ. Do vậy, tiềm ẩn nguy cơ đất canh tác bị bán, đổi. Kinh phí đầu tư cho công tác ĐCĐC hạn hẹp và dàn trải, mang tính hỗ trợ là chủ yếu, trong khi thực tế lại cần sự đầu tư đủ mạnh.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, để giải quyết căn cơ tình trạng trên, cần xác định đúng đối tượng ưu tiên để có những giải pháp và bước đi phù hợp với từng vùng, từng nhóm dân tộc cụ thể trên cơ sở nghiên cứu kỹ phong tục tập quán, đặc điểm văn hóa và xu hướng phát triển của các nhóm dân tộc; tiến hành dứt điểm, tập trung cho những vùng trọng điểm như vùng trọng yếu về tình trạng DCTD (vùng dễ bị thiên tai, vùng biên giới, vùng nhạy cảm về trật tự an toàn xã hội), đồng thời cần gắn chặt lợi ích của người dân với vấn đề bảo vệ tài nguyên, kể cả phương án cân đối lương thực ở mức phù hợp để hỗ trợ người dân bảo vệ rừng, có thể sống dựa vào rừng thay vì phải mở rộng các điều kiện sản xuất lương thực khác...

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS đề ra mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành cơ bản công tác ĐCĐC. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ DTTS đang cư trú, phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Một trong 10 tiểu dự án thuộc chương trình này có nội dung về quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết. Tiểu dự án hướng đến việc trong 10 năm tới, bố trí sắp xếp ổn định cho 334.987 hộ dân ở vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, dân DCTD, dân cư trú trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hộ đồng bào DTTS còn DCTD.

Linh Đan

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/can-nhung-giai-phap-giai-quyet-dut-diem-van-de-du-canh-du-cu-post430513.html