Cần những chính sách cụ thể

Trong tiến trình đô thị hóa tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… xuất hiện ngày càng nhiều khu đất nông nghiệp xen kẹt. Đây là những mảnh đất vườn, đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư hoặc đất dôi dư sau quy hoạch; không có cơ sở hạ tầng để sản xuất hay kêu gọi đầu tư.

Tuy nhiên, đây cũng là một nguồn lực phát triển và nhiều địa phương đã sử dụng hiệu quả quỹ đất này đem lại nguồn thu cho ngân sách.

Thế nhưng do gặp một số vướng mắc nên không phải địa phương nào cũng giải quyết tốt vấn đề đất xen kẹt để bảo đảm quyền lợi, đời sống của nhân dân cũng như tránh lãng phí, phát huy giá trị tài nguyên đất. Thực tế cho thấy, không ít người dân có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, song do vượt quy định về hạn mức, khó xác định ranh giới... nên chính quyền chưa thể giải quyết. Bên cạnh đó là thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất còn rườm rà, phức tạp...

Đáng lo ngại hơn là tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự xây dựng trên các khu đất xen kẹt cũng như giao dịch những khu đất xen kẹt - đất nông nghiệp xen kẹt đang diễn ra một cách khó kiểm soát tại nhiều địa phương. Việc “mua đi, bán lại” đất nông nghiệp xen kẹt một cách không hợp lệ không chỉ gây rủi ro cho người dân, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản; thậm chí tạo cơ hội cho một số cá nhân trục lợi, tham nhũng vặt.

Thời gian vừa qua, Hà Nội đã tập trung giải quyết với nhiều văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp xen kẹt thành đất ở... Tuy nhiên để việc này mang lại hiệu quả cao nhất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân, các cơ quan chức năng và các địa phương cần đồng bộ triển khai nhiều giải pháp.

Trước hết là rà soát các quy định hiện tại, sớm có điều chỉnh phù hợp với thực tế phát triển, có chính sách cụ thể với việc chuyển đổi mục đích sử dụng những khu đất xen kẹt - đất nông nghiệp xen kẹt vượt hạn mức quy định nhưng nằm trong các khu dân cư, sát nhà ở… tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý tài nguyên đất ở các địa phương. Mặt khác là đơn giản hóa thủ tục hành chính trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tránh phiền hà cho người dân.

Cùng với đó là những giải pháp quyết liệt ngăn chặn tình trạng lấn chiếm, vi phạm về trật tự xây dựng trên các khu đất nông nghiệp xen kẹt..., đặc biệt là tình trạng “mua đi, bán lại” vi phạm quy định của pháp luật về đất đai. Đồng thời có các biện pháp hữu hiệu nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất nói riêng và thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai nói chung.

Mặt khác, các địa phương cần chủ động rà soát, đưa vào kế hoạch sử dụng đất các khu đất xen kẹt - đất nông nghiệp xen kẹt trong các khu dân cư; lập dự án đấu giá quyền sử dụng một cách công khai, minh bạch, tạo thuận lợi và đáp ứng yêu cầu của người dân. Từ đó tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Với những chính sách cụ thể cũng như sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, các địa phương, chắc chắn việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nói chung và đất nông nghiệp xen kẹt trong khu dân cư nói riêng sẽ mang lại hiệu quả cao nhất.

Thế Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/988911/can-nhung-chinh-sach-cu-the