Cần những cầu nối bền vững

Lâu đời, nổi tiếng, thậm chí là từng nổi tiếng thế giới, nhiều sản phẩm làng nghề truyền thống Việt là kết tinh lao động sáng tạo độc đáo của các nghệ nhân nhiều thế hệ.

Khai thác, phát huy giá trị đặc biệt của các sản phẩm thủ công truyền thống, nhiều năm trở lại đây, không ít nhà thiết kế đã có những tìm tòi, thử nghiệm, đưa lên sàn diễn. Đây là một trong những kênh quảng bá hữu hiệu, tác động nhanh và rộng ở cả trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, sự kết nối này chưa thực sự bền chặt.

Lụa Lãnh Mỹ A – niềm tự hào của xứ lụa Tân Châu (An Giang) từ những năm đầu thế kỷ XX nhưng dần mai một và từng rơi vào “cảnh báo đỏ” nếu không được kịp thời bảo tồn, phát triển. Sau một số thử nghiệm thành công của nhiều nhà thiết kế nổi tiếng, trong đó có Nguyễn Công Trí, vài năm gần đây, Lãnh Mỹ A đột ngột được “hồi sinh”.

Không chỉ được khai thác, giới thiệu trong nhiều bộ sưu tập của các nhà thiết kế nổi tiếng trên các sàn diễn thời trang lớn trong nước, Lãnh Mỹ A còn theo chân các nhà thiết kế, lên sàn diễn nhiều chương trình thời trang ở nước ngoài.

Tương tự Lãnh Mỹ A, các sản phẩm từ vải đũi truyền thống, trong đó có đũi Nam Cao, Kiến Xương, Thái Bình, sau các cuộc đồng hành của nhiều nhà thiết kế trên các sàn diễn đã ngày càng phổ biến hơn, thông dụng hơn trong đời sống.

Kéo theo đó là sự hồi sinh, phát triển của không ít làng nghề, vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất… Tuy nhiên đến nay, những làng nghề hồi sinh và có sự kết nối chặt chẽ với các nhà thiết kế thời trang vẫn chưa nhiều.

Lụa Vạn Phúc nổi tiếng thế giới hàng trăm năm nhưng chưa hấp dẫn nhiều nhà thiết kế tìm về hợp tác.

Lụa Vạn Phúc nổi tiếng thế giới hàng trăm năm nhưng chưa hấp dẫn nhiều nhà thiết kế tìm về hợp tác.

Ngay lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), nơi nổi tiếng như là một làng nghề dệt lụa đẹp với nhiều mẫu hoa văn và lâu đời bậc nhất nước ta. Từ chất liệu tằm tơ với công nghệ cổ truyền, người Vạn Phúc đã dệt nên nhiều loại lụa quý, được chọn may quốc phục cho triều đình - đặc biệt dưới các đời vua chúa nhà Nguyễn.

Lụa Vạn Phúc (lụa Hà Đông) còn nổi tiếng thế giới khi hai lần được người Pháp mang đi “đấu xảo” tại Paris và Marseille năm 1931 và năm 1938. Hiện nay, lụa Vạn Phúc còn là một trong những làng nghề nổi tiếng cả nước cả về tốc độ hồi sinh sau một thời gian dài chật vật để tồn tại.

Như chia sẻ của ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề dệt lụa Vạn Phúc thì nhờ sự phát triển của khoa học, đặc biệt là cơ khí, nhiều sản phẩm là “đặc sản” tinh túy của làng đã được đưa vào sản xuất bằng động cơ điện, giảm bớt người dệt, thời gian sản xuất 1m lụa giảm đáng kể, năng suất cao đáp ứng nhu cầu của khách, sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Nếu trước đây, Vạn Phúc chỉ có hơn 20 mẫu hoa văn thì đến nay đã có trên 400 loại mẫu hoa văn.

Trước đây, lụa nhuộm bằng lá cây, màu sắc tự nhiên, nay nhuộm bằng thuốc nhuộm của nước ngoài, vừa phong phú, an toàn cho người sử dụng. Không những thế, Vạn Phúc còn trở thành vùng du lịch nổi tiếng. Không còn đất trồng trọt và để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, Vạn Phúc lên tận Bảo Lộc, Lâm Đồng mua nguyên liệu.

Năm 2018, làng đã sản xuất 1,5 triệu mét vải. Năm 2019, dự kiến sẽ sản xuất được 1,9 triệu mét vải. Duy chỉ có điều, Vạn Phúc, phần lớn chỉ cung ứng về vải. Việc tăng tính thời trang cho sản phẩm trong nước và quốc tế còn hạn chế.

Lý do là các nhà may ở địa phương hạn chế về thiết kế mẫu mã. Nếu may áo dài truyền thống, mỗi nhà may chỉ có vài kiểu. Váy và tư trang khác cũng tương tự. Nhiều năm nay, Hiệp hội làng nghề luôn tìm kiếm các cơ hội kết với các nhà nghiên cứu thời trang để phát huy giá trị của sản phẩm của làng nhưng hiệu quả chưa được bao nhiêu.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thu Lan, Phó Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội – một trong những địa chỉ thường xuyên hỗ trợ quảng bá các làng nghề truyền thống cũng như thời trang Hà thành cho hay, tại Hà Nội có rất nhiều làng nghề truyền thống, sản phẩm làng nghề đang được phát huy để phục vụ đời sống. Thời trang và văn hóa lại có vai trò lớn trong đời sống xã hội.

Để kết nối 2 mảng hoạt động này, thời gian gần đây, mỗi dịp lễ, Ban Quản lý thường lựa chọn, giới thiệu một số làng nghề tiêu biểu, có liên quan thời trang như nón làng chu, lược sừng, mây tre đan Phú Vinh, lụa Vạn Phúc… và kết nối làng nghề với thời trang, góp phần định hướng phát triển, hỗ trợ lẫn nhau. Nhưng thực tế, hiệu quả chưa như mong muốn.

Nhà thiết kế Đắc Ngọc, một trong những gương mặt trẻ khá tích cực tham gia các show thời trang ở nước ngoài cũng cho hay, anh đã từng rất nhiều lần mang các bộ sưu tập sử dụng sản phẩm chất liệu truyền thống để giới thiệu trên sàn diễn nước bạn.

Cả người xem và giới chuyên môn nước ngoài đều rất thích các bộ sưu tập như thế. Ngoài lụa còn có các bộ sưu tập khai thác văn hóa dân tộc truyền thống lạ, độc như đưa tranh đông hồ lên trang phục, các thiết thiết kế bằng vải thổ cẩm…

Nhưng việc khai thác các bộ sưu tập như thế rất khó cả về kỹ thuật lẫn kinh phí. Đợt thực hiện bộ sưu tập về thổ cẩm, anh phải lên tận Mộc Châu - Sơn La, Sa Pa để tìm mua nguyên liệu.

Khổ nỗi, sản phẩm thổ cẩm khổ nhỏ, phải chắp vá mới có khổ vải theo yêu cầu nên anh phải thay thế bằng chăn thổ cẩm để mang về thiết kế. Chất liệu lụa lại khá đắt nên thiết kế xong khó đi vào đời sống. Với dòng sản phẩm cho trẻ em, nhà thiết kế thay thế bằng lụa Hàn Quốc để giá thành rẻ, thông dụng hơn.

Chưa kể, khi xuống làng nghề, hầu hết các nghệ nhân đều có cơ sở gia đình gia công sản phẩm và cung cấp trực tiếp cho khách. Nhà thiết kế tìm kiếm nguyên liệu phục vụ cho thiết kế mới nhưng cũng là phát triển dòng sản phẩm cho riêng thương hiệu mình. Vì “đụng chạm” quyền lợi như thế nên rất khó kết hợp với cơ sở sản xuất nguyên liệu vải.

Để giải quyết bài toán này, theo nhà nghiên cứu, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, trong thực tế là không dễ. Hiện nay, nhiều làng truyền thống không giữ được, sản phẩm được sản xuất thì giá thành cao, có khi đối tượng sử dụng hẹp.

Giữa bản chất nội dung làng nghề đã mâu thuẫn lớn giữa tính truyền thống và phát triển. Người phát triển không chịu tìm tòi nghiên cứu thật kỹ để làm sao truyền thống phát triển đúng hướng.

Người làm nghề truyền thống thì chê người phát triển sản phẩm không giữ được hồn cốt sản phẩm. Sự kết nối, nếu có, cũng còn rất lỏng lẻo. Để phát huy được giá trị, sản phẩm của làng nghề truyền thống, nhiều nước trên thế giới có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà sản xuất, nhà nghiên cứu khoa học, hoạch định chính sách phát triển.

Ở Việt Nam, vấn đề này chưa thực sự nhận được quan tâm đúng mức, chưa được quan tâm phát triển thực sự. Muốn làng nghề phát triển phải có sự ủng hộ, hỗ trợ lớn hơn, đầu tư nghiên cứu bài bản, không phải theo cách để các làng nghề tự mày mò làm như hiện nay. Chúng ta chưa thật sự biết trân trọng giá trị sáng tạo của người Việt và nâng nó lên, phát triển trong đời sống xã hội cho phù hợp – họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức nhấn mạnh.

N.Nguyễn

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/can-nhung-cau-noi-ben-vung-544747/