Cần những bài học về 'Kỹ năng sống' từ việc trẻ em bị xâm hại

Mới đây, Báo Pháp Luật Việt Nam có bài viết phản ảnh 'Nghi án nữ sinh lớp 9 bị cưỡng hiếp nhiều lần, mang thai hơn 3 tháng', xảy ra đối với học sinh trường Trung học cơ sở Thị trấn (thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa) mang thai gần 15 tuần, nghi bị bạn học cùng lớp thực hiện hành vi ép quan hệ tình dục nhiều lần…

Theo đó, trường hợp em N.L (sinh năm 2006, hiện đang học Trung học cơ sở ở huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) có tình cảm và lần lượt quan hệ tình dục với cả 3 thanh niên, dẫn đến việc cháu N.L mang thai, Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 nam thanh niên ở huyện Tứ Kỳ để điều tra hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Một buổi tập huấn “Kỹ năng sống” ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Một buổi tập huấn “Kỹ năng sống” ở thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Trước nhiều hành vi xâm hại trẻ em xảy ra, không ít người đã đặt dấu chấm hỏi, lỗi tại ai? Gia đình, nhà trường hay xã hội?... Và mỗi người sẽ tìm ra câu trả lời cho mình. Bên cạnh nỗ lực của cả 3 mệnh đề quan trọng là: Gia đình, nhà trường hay xã hội, tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến tâm tư tình cảm, suy nghĩ và hành động của trẻ em.

Vào đầu năm học mới 2020- 2021, Bộ Giáo Dục- Đào tạo cũng đã có nội dung tiếp tục yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc giáo dục phát triển nhân cách, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh,…Mỗi con người sinh ra đều có một tính cách riêng, không ai giống ai.

Vì vậy, cần phải giáo dục ngay từ ban đầu, chiến lược phát triển giáo dục mầm non được đặt lên hàng đầu. Bởi vì trẻ em sẽ có nhận thức và phát triển tư duy thông qua quan sát và học hỏi, các em sẽ học được điều tốt, sẽ có nhân cách tốt và ngược lại.

Giáo viên ở trường hào hứng với chương trình “Kỹ năng sống”.

Trong một chương trình “Kỹ năng sống”, đã được Bộ Giáo Dục- Đào tạo thẩm định và ban hành tại Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014. Phóng viên nhận thấy có nhiều nội dung thiết thực, bám sát thực tiễn, những hoạt động gần gũi, xảy ra hằng ngày, hằng giờ như: Kết bạn, phòng tránh cháy nổ - thoát nạn thoát hiểm, ứng xử với người lạ, phòng tránh tai nạn thương tích, tự bảo vệ mình, cảm thông và chia sẻ, ứng phó khi bị bắt nạt, biết từ chối, giải quyết mẫu thuẫn bạn bè, sử dụng tiền bạc hợp lý, tác hại của việc nghiện truyền hình - trò chơi điện tử,… và phòng tránh xâm hại tình dục…

Thầy Nguyễn Văn T., hiệu trưởng một trường Trung học cơ sở ở huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cho biết: “Với các em học sinh bậc Tiểu học, Trung học sơ sở, rất cần được trang bị kiến thức về kỹ năng sống, để tránh bị xâm hại đến thân thể, tinh thần bị tổn thương,…nhất là ở vùng sâu vùng xa.

Chương trình “Kỹ năng sống” của Bộ Giáo Dục- Đào tạo thật sự là một chương trình thiết thực với nhiều nội dung bổ ích, sống động, gần gũi đời sống, chắc chắn sẽ được đón nhận trong tương lai không xa”.

Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 của Bộ Giáo Dục- Đào tạo.

Theo đó, chương trình “Kỹ năng sống” được Bộ Giáo Dục- Đào tạo Quy định chi tiết “Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa” kèm Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT, tuy là hoạt động ngoài giờ chính khóa, nhưng chương trình “Kỹ năng sống” cũng thực hiện chế độ miễn học phí cho các đối tượng là: gia đình chính sách, con giáo viên, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật.

Hiện chương trình “kỹ năng sống” đã được thực hiện rộng khắp ở TP. Hồ Chí Minh; Bình Dương; Đồng Nai; Long An; Vĩnh Long; An Giang; Tiền Giang,…và sẽ lan tỏa đến các địa phương khác./.

Anh Duy

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/can-nhung-bai-hoc-ve-ky-nang-song-tu-viec-tre-em-bi-xam-hai-11710/