Cần nhiều 'trợ lực' giúp doanh nghiệp và người lao động vượt qua thời điểm khó khăn

Thông thường, cuối năm là thời điểm nhu cầu sản xuất tăng cao. Thế nhưng, hiện không ít doanh nghiệp lại buộc phải thu hẹp quy mô, thậm chí phải ngừng sản xuất, dẫn đến hàng nghìn người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động.

Công nhân Công ty TNHH JASAN Việt Nam, xã Định Liên (Yên Định) trong ca sản xuất.

Công nhân Công ty TNHH JASAN Việt Nam, xã Định Liên (Yên Định) trong ca sản xuất.

Cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng

Những năm trước, thời điểm cận Tết các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh liên tục tăng ca, tuyển dụng thêm lao động mới đáp ứng kịp các đơn hàng ký kết. Tuy nhiên năm nay, đa phần các doanh nghiệp mới ký kết đơn hàng đủ sản xuất từ 50 - 60% công suất trong tháng 11, tháng 12. Nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng không chỉ “ăn đong” từng đơn hàng, mà còn bị ép giá xuống tới 20 - 30%.

Nhà máy May xuất khẩu Sơn Hà, thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn (thị xã Bỉm Sơn) đang tạo công ăn việc làm cho khoảng hơn 1.000 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 9 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, thời điểm này, nhà máy gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng. Cố gắng hoạt động cầm chừng để giữ chân người lao động, tuy nhiên lãnh đạo doanh nghiệp đã tính đến phương án cắt giảm lao động nếu tình trạng này vẫn kéo dài.

Ông Vũ Văn Thành, Giám đốc Nhà máy May xuất khẩu Sơn Hà, cho biết: Thời điểm này năm ngoái, lương công nhân là khoảng 9 triệu đồng/tháng, nhưng năm nay do không có đơn hàng, lương bình quân giảm xuống còn 6 triệu đồng/tháng. Chưa kể sang tháng 1, tháng 2-2023, khách hàng thông báo sẽ cắt giảm 50% đơn hàng, nên doanh nghiệp buộc phải giảm ngày làm, giảm giờ làm, thậm chí phải cho công nhân nghỉ việc.

“Để vượt qua thời điểm khó khăn này, doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm; tìm đối tác mới tại thị trường truyền thống, với những mặt hàng đặc trưng, có giá trị xuất khẩu cao. Đồng thời, bắt kịp xu thế thị trường, đầu tư máy móc công nghệ, chuyển đổi để thích ứng với các yêu cầu của nhãn hàng. Cùng với đó, doanh nghiệp tăng cường giải pháp xây dựng, đào tạo nguồn lực thích ứng với tình hình khó khăn của thị trường; chủ động kết nối và chia sẻ rủi ro cũng như lợi ích với các doanh nghiệp khác”, ông Thành cho biết thêm.

Không may mắn như Công ty Sơn Hà, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Ngọc Ninh, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) đã phải tạm thời đóng cửa do không nhận được đơn hàng. Ông Dương Xuân Hải, Giám đốc Công ty cho biết: Dù đã tìm các biện pháp nhưng công ty vẫn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không thể khôi phục hoạt động như kế hoạch đề ra. Do đó, công ty buộc phải đóng cửa và chấm dứt hợp đồng lao động với hơn 300 lao động kể từ tháng 7-2022. Cũng theo ông Hải, công ty hoạt động trong lĩnh vực may xuất khẩu, nhưng từ cuối tháng 6-2022 nhu cầu dệt may tại Mỹ hạ nhiệt do lạm phát cao, nên công ty không nhận được đơn hàng. Vì vậy dù đã cố gắng nhưng doanh nghiệp không thể “cầm cự” nổi đành cho công nhân nghỉ việc. Hiện chỉ còn một vài người đang bảo dưỡng máy móc, chờ cơ hội phục hồi.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm các đơn hàng của các doanh nghiệp may mặc thời điểm này, ông Trịnh Xuân Lâm, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, ngành may nói chung và Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, như phải sản xuất giãn cách thay ca, thậm chí phải chấm dứt hợp đồng lao động. Đầu năm 2022, sau khi các thị trường mở cửa, ngành may đã khởi sắc trở lại. Tuy nhiên từ tháng 9-2022 đến nay do lạm phát toàn cầu nên các đơn hàng may mặc đã bị cắt giảm, có những đơn hàng bị cắt giảm tới 70 - 80%, thậm chí hủy 100% đơn hàng.

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (Sở LĐ,TB&XH), tính đến hết tháng 11-2022, các doanh nghiệp trong tỉnh đã cắt giảm 5.500 lao động phổ thông. Điển hình như Công ty TNHH Fruit of the loom Việt Nam giảm 753 lao động; Công ty Cổ phần Dịch vụ may xuất khẩu Xuân Lam giảm 306 lao động, Công ty Cổ phần quốc tế ABC - CN Thanh Hóa giảm 120 lao động… Trong đó, tỷ lệ lao động bị cắt giảm thuộc ngành dệt may, da giày chiếm 65,32%; ngành sản xuất sản phẩm gỗ, tre, hóa chất, nhựa chiếm 34,68%. Dự kiến trong 3 tháng tới, sẽ có gần 4.500 người lao động tiếp tục bị cắt giảm công việc; trong đó, lao động ngành dệt may, da giày chiếm 99,33%, ngành sản xuất sản phẩm gỗ, tre, hóa chất, nhựa chiếm 0,67%. Ngoài ra, cũng theo thống kê, toàn tỉnh có 25 doanh nghiệp đã giảm từ 100 lao động trở lên (trong 1 tháng). Dự kiến 3 tháng tới sẽ có 7 doanh nghiệp giảm từ 100 lao động trở lên. Đa số các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động thuộc nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp dân doanh. Các doanh nghiệp bị giảm đơn hàng không tổ chức làm thêm giờ, thu nhập của người lao động giảm từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/tháng so với trước.

Tạo thêm việc làm, giải bài toán thu nhập

Căn phòng trọ của vợ chồng chị Nguyễn Thị Thùy, ở xã Lũng Cao (Bá Thước) ngổn ngang các thùng hàng, vừa được chị nhận về làm thêm. “Mấy bữa nay tôi phải lấy hàng từ người quen để làm. Nhưng chắc chỉ làm được 2, 3 bữa nữa là bên đó cũng hết hàng. Tôi tính về quê ít bữa với con rồi lại đi tìm việc sau”, chị Thùy vừa làm hàng vừa trò chuyện. Công ty cho nghỉ việc do thiếu đơn hàng, nên một tháng nay chị nhận làm thêm cho một cửa hàng bán đồ chơi tại nhà; tiền công mỗi cái là 1.000 đồng, ngày nào chăm chỉ làm từ sáng tới khuya thì được 150.000 - 200.000 đồng. Hai vợ chồng chị Thùy đều là công nhân, nhận lương hàng tháng cũng vừa chi tiêu các khoản tiền trọ, điện, nước, tiền ăn uống, sinh hoạt; vừa tiết kiệm để gửi về quê cho ông bà ngoại đang nuôi đứa con nhỏ 5 tuổi, rồi thêm chút ít về cho ông bà nội. Giờ bỗng dưng mất việc, nên 2 vợ chồng phải quay ra “ai thuê gì làm nấy” để có thêm đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống.

Hay như trường hợp chị Lê Thị Hạnh, xã Yên Lâm (Yên Định) làm công nhân cho một công ty giày da đóng trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, gần 4 tháng nay công ty không nhận được đơn hàng nên chị Hạnh đành phải nghỉ việc. Chị cho biết: “Vài tháng nay tôi cũng đi tìm việc, nhưng chỗ thì xa, chỗ thì không đúng ngành nghề. Cũng có nhiều công ty may họ tuyển lao động, nhưng họ lại may áo quần, còn mình đã có thâm niên may giày da đến cả chục năm. Trước giờ tôi chỉ chuyên ngồi máy, giờ công ty khác tuyển thì phải đứng cả ngày, do đã lớn tuổi nên không biết tôi có đứng máy nổi không”.

Không chỉ tìm giải pháp nhằm giải bài toán thu nhập cho người lao động bị mất việc thời điểm này, mà theo thông tin từ Sở LĐ,TB&XH, trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023 sẽ có khoảng 25.000 người lao động trở về địa phương từ các tỉnh, thành phố trong cả nước (nhiều nhất là khu vực phía Nam). Điều này sẽ càng tạo thêm áp lực cho công tác giải quyết việc làm, ổn định sinh kế và thu nhập cho người lao động, nhất là khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Trước tình hình trên, Sở LĐ,TB&XH đã và đang chủ động, tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương nắm bắt tình hình cắt giảm, cho thôi việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động; thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình lao động, việc làm, tiền lương, tiền thưởng để rà soát, đánh giá nhu cầu, phân tích thị trường lao động trong và ngoài tỉnh.

Cùng với đó, Sở cũng tích cực kết nối với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương để giới thiệu doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động phổ thông. Đồng thời, giao Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, UBND các huyện, thị xã, thành phố đánh giá, phân loại, tổng hợp các nhu cầu của doanh nghiệp và trình độ, tay nghề của lao động để tổ chức các phiên giao dịch việc làm theo chuyên đề phù hợp với thị trường lao động và hiệu quả. Phối hợp thông tin giữa các tỉnh, các địa phương trong công tác hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc; tăng cường đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; đẩy mạnh việc liên kết với doanh nghiệp để tổ chức đào tạo nghề; thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp.

Cùng với việc quyết liệt triển khai các giải pháp kể trên, theo lãnh đạo Sở LĐ,TB&XH thì cả trước mắt và lâu dài, tỉnh ta cần triển khai thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tại các địa phương hỗ trợ vay vốn tạo việc làm cho người lao động bị mất việc. Đặc biệt, một trong những giải pháp căn bản trong năm 2023 là tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án của tập đoàn SunGroup, nhà máy hóa chất, các khu du lịch, nghỉ dưỡng... các dự án hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ là yếu tố căn bản và lâu dài trong giải quyết việc làm cho lao động trong và ngoài tỉnh.

Theo dự báo, tình hình việc làm của công nhân, người lao động ở một số doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng đến hết quý I-2023. Do vậy, ngoài những giải pháp nêu trên thì các chính sách về thị trường lao động và an sinh xã hội là hết sức quan trọng. Chính vì lẽ đó, tỉnh cần có giải pháp mạnh để giúp doanh nghiệp duy trì, mở rộng thị trường và có thêm đơn hàng. Ngoài ra, cũng cần có những gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp như trong thời gian dịch bệnh, để giúp doanh nghiệp tiếp tục duy trì, giữ chân người lao động, có các nguồn tín dụng để trả lương cho người lao động. Và hơn lúc nào hết, người lao động bị mất việc làm đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về việc làm, thu nhập để có cái Tết đầm ấm và để “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Trần Hằng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/can-nhieu-tro-luc-giup-doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-vuot-qua-thoi-diem-kho-khan/174495.htm