Cần nhiều nguồn lực để khắc phục bom, mìn vật nổ tồn sót sau chiến tranh

Cho đến nay, mặc dù rất nỗ lực và cố gắng nhưng công tác khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ (BMVN) tồn sót sau chiến tranh ở Việt Nam chưa bao giờ hết tính thời sự.

Hiện nay, nhu cầu khắc phục BMVN tồn sót sau chiến tranh là rất lớn. Để đạt được mục tiêu trong kế hoạch khắc phục BMVN mà Chính phủ Việt Nam đặt ra trong Chương trình 504 (Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025), việc quan trọng hơn cả là cần tìm cách thu hút thêm nhiều nguồn lực từ nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Đây là việc khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới.

Đánh giá về kết quả khắc phục hậu quả BMVN tồn sót sau chiến tranh của Việt Nam trong những năm qua, Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó tổng giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) đánh giá, thời gian qua Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể khắc phục hậu quả BMVN tồn sót sau chiến tranh. Tính đến nay, Việt Nam đã hoàn thiện cơ chế hành lang pháp lý thông qua ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các chế độ, chính sách liên quan đến công tác quản lý, điều hành hoạt động rà phá bom, mìn. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 18/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 về quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh; Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 195/2019/TT-BQP ngày 27-12-2019 về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 18/2019/NĐ-CP; xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật trong hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn.

 Một đội dò tìm, xử lý BMVN tồn sót sau chiến tranh của VNMAC thực hiện nhiệm vụ tại Quảng Bình. Ảnh: Thành Hữu.

Một đội dò tìm, xử lý BMVN tồn sót sau chiến tranh của VNMAC thực hiện nhiệm vụ tại Quảng Bình. Ảnh: Thành Hữu.

Từ năm 2016 đến hết năm 2019, Việt Nam đã chi khoảng 3.780 tỉ đồng và rà phá khoảng 120.000ha. Ngoài ra, Việt Nam cũng được nhiều chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế tài trợ ở các hình thức khác nhau để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ này. Đáng chú ý là dự án tài trợ 20 triệu USD của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) cho Việt Nam trong dò tìm, xử lý BMVN tồn sót sau chiến tranh tại Quảng Bình và Bình Định. Đến nay, các lực lượng đã khảo sát kỹ thuật được 15.691,86ha (Quảng Bình 5.249,5ha, Bình Định 10.442,36ha) và đã bàn giao 6.407,89ha cho địa phương. Đã rà phá bom, mìn được diện tích: 2.890,9ha (Quảng Bình 1.396,45ha, Bình Định 1.494,45ha).

Theo báo cáo của VNMAC, năm 2018, Việt Nam đã công bố “Báo cáo hiện trạng tồn lưu BMVN sau chiến tranh ở Việt Nam - Giai đoạn 1”. Cung cấp dữ liệu tổng thể về thực trạng ô nhiễm BMVN còn sót lại sau chiến tranh trên phạm vi toàn quốc; phân tích, đánh giá tác động của ô nhiễm BMVN đến phát triển kinh tế-xã hội; đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả BMVN sau chiến tranh.

Thượng tá Trần Hữu Thành, Phó trưởng phòng Kế hoạch-Điều phối (VNMAC) cho biết, Việt Nam có 9.116 xã (tương đương 81.87%) thuộc 63/63 tỉnh/thành phố bị ô nhiễm BMVN ở các mức độ khác nhau. Tổng diện tích đất đai hiện còn bị ô nhiễm BMVN tính đến thời điểm tháng 12-2017 là khoảng 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích đất cả nước. Sau khi rà phá và rò gỡ, tính đến nay, Việt Nam còn khoảng 600.000-800.000 tấn BMVN sót lại sau chiến tranh mà chưa được khắc phục.

Hậu quả của BMVN tồn sót sau chiến tranh là rất lớn, khó có thể đong đếm bằng con số và quy ra giá trị kinh tế. Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ sau năm 1975 đến những năm gần đây, ở Việt Nam đã có 46.191 người bị thương, vong (23.775 người bị thương và 22.416 người tử vong) vì BMVN. Điều đáng chú ý là số liệu thực tế chưa được thống kê còn cao hơn nhiều. Hiện Việt Nam có 49/63 tỉnh, thành phố có tai nạn do BMVN gây ra và dù đã giảm đáng kể, song 5 năm gần đây hơn vẫn có khoảng 1.800 trường hợp tai nan về BMVN trong đó tỷ lệ tử vong chiếm tới hơn 50%.

Đánh dấu vị trí phát hiện BMVN trên thực địa. Ảnh: Thành Hữu.

Cũng theo Thượng tá Trần Hữu Thành, những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn BMVN thường là do quá trình dò tìm, xử lý (chiếm khoảng 2%); tìm kiếm phế liệu (chiếm khoảng 31%); trồng trọt chăn nuôi (chiếm khoảng 21%); xây dựng công trình (chiếm khoảng 8%); trẻ em chơi, đùa nghịch (chiếm khoảng 28%); hoạt động khác (chiếm khoảng 8%) và không biết (chiếm khoảng 2%).

Ngoài những ảnh hưởng về con người, kinh tế, đáng chú ý là BMVN tồn sót sau chiến tranh đã làm giảm diện tích đất canh tác ở nông thôn và miền núi; gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên đất, rừng, nước và kìm hãm tốc độ phát triển sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, BMVN tồn sót sau chiến tranh còn gây ra hiện tượng mất an toàn xã hội ở các mức độ khác nhau. Phổ biến là người dân dò tìm, thu nhặt phế liệu, trong đó có các loại BMVN rồi cưa, cắt lấy thuốc nổ bán ra ngoài thị trường mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát được. Hậu quả là nhiều người dùng thuốc nổ đánh bắt cá, hủy diệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường nước và gây ra những vụ nổ mìn nhằm các mục đích cá nhân, ảnh hưởng lớn đến trật tự và an toàn xã hội.

Là cơ quan tham mưu, giúp việc và điều phối hoạt động rà, phá, xử lý BMVN tồn sót sau chiến tranh cho Bộ Quốc phòng và Chính phủ, theo Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó tổng giám đốc VNMAC cho biết, trong tương lai, VNMAC sẽ phấn đấu tổ chức điều phối và quản lý tốt các dự án về khắc phục BMVN; triển khai thực hiện giải phóng mỗi năm khoảng 50.000ha đất ô nhiễm.

Để làm được điều này, vấn đề quan trọng là phải huy động nhiều nguồn lực trong nước, đặc biệt là từ nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và các nước. Việt Nam cần phải tổ chức các diễn đàn, hội thảo trong nước, khu vực và quốc tế và đẩy mạnh tuyên truyền đối ngoại về khắc phục hậu quả BMVN tồn sót sau chiến tranh. Hiện nay, chính phủ các nước Bỉ, Ấn Độ đã tiếp nhận cán bộ của Việt Nam tham gia các khóa huấn luyện nâng cao năng lực về quản lý, điều hành hoạt động khắc phục hậu quả BMVN. Chính phủ các nước Hungary, Italy, Ba Lan, Séc… đang xem xét hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này. Thế nhưng, theo Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, tình hình dịch Covid-19 đang tạm thời gây ra cho Việt Nam những bất lợi trong xúc tiến ngoại giao, tìm kiếm nguồn lực khắc phục hậu quả BMVN tồn sót sau chiến tranh.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này, trước khi có các nguồn lực hỗ trợ từ chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục ưu tiên nguồn vốn cho hoạt động này một cách mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, việc tối cần là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đẩy mạnh nghiên cứu, biên soạn các tài liệu, đưa nội dung giáo dục phòng, tránh tai nạn do BMVN vào chương trình ngoại khóa trong các trường học, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng quốc tế, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình 504 mà Chính phủ đã xác định.

ĐỨC TÂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/can-nhieu-nguon-luc-de-khac-phuc-bom-min-vat-no-ton-sot-sau-chien-tranh-614173