Cần nhiều mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng

Khi tình hình mua bán người vẫn diễn biến phức tạp và những nạn nhân trở về vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần tới sự trợ giúp, thì sự có mặt của những mô hình hỗ trợ tại cộng đồng là thật sự cần thiết, mang nhiều ý nghĩa lớn.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều nội dung thiết thực hỗ trợ nạn nhân được thực hiện như: gắn với công tác tiếp nhận, hỗ trợ tại Trung tâm Nhà tạm lánh, tạm trú; lồng ghép với các chương trình hoạt động của địa phương (dạy nghề, cho vay vốn xóa đói giảm nghèo; truyền thông nâng cao nhận thức, kỹ năng sống... Ở một số địa phương, các tổ chức quốc tế đã có gói hỗ trợ trị giá từ khoảng từ 300 đến 500 USD cho các trường hợp nạn nhân trở về có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn,

Trong các mô hình trên, Ngôi nhà bình yên - mô hình Công tác xã hội chuyên nghiệp do Hội LHPN Việt Nam và Nhà nhân ái Lào Cai thực hiện với các dịch vụ hỗ trợ toàn diện về ăn, ở an toàn, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ y tế, hỗ trợ về tâm lý, trợ giúp pháp lý, nâng cao kỹ năng sống, đào tạo học nghề. Nhiều em sau khi hòa nhập cộng đồng đã trưởng thành, có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định. Đây chính là minh chứng về tính hiệu quả trong việc hỗ trợ cho các nạn nhân tái hòa nhập bền vững.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, các chương trình, dự án được triển khai tại nhiều địa phương không mang tính bền vững khi mà thời gian triển khai dự án ngắn, đối tượng hưởng lợi bị hạn chế. Khi dự án kết thúc thì các đối tượng không thể tự lập cho cuộc sống của mình. Hoặc có những chương trình như đào tạo nghề lại chưa xem xét tới yếu tố phù hợp của nghề đào tạo với điều kiện thực tế của địa phương, nên học viên sau khi được đào tạo cũng không thể vận dụng để sinh sống. Hơn nữa, nạn nhân bị buôn bán chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thái độ, kiến thức và hành vi của cộng đồng đối với họ. Chính vì thế, nếu chỉ tập trung vào nạn nhân mà không có những hoạt động tác động vào cộng đồng nơi nạn nhân sinh sống thì khả năng nạn nhân tiếp tục bị buôn bán hoặc rời bỏ cộng đồng là rất cao.

Ông Lê Minh Sơn, Phó giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Ninh cho biết: tỉnh Quảng Ninh xác định công tác xác minh, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán từ nước ngoài trở về là một hoạt động quan trọng, góp phần giảm bớt nỗi đau cho các nạn nhân và gia đình của họ, đồng thời, đây là bước đầu tiên trong quá trình hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Đa số nạn nhân bị mua bán trở về đều bị tổn thương nặng nề cả thể chất lẫn tinh thần. Sức khỏe họ giảm sút do bị ép buộc lao động quá sức, bị đánh đập, tra tấn, bị giam giữ, bị bóc lột tình dục... Không chỉ nạn nhân mà ngay cả gia đình, người thân cũng chịu nhiều hậu quả của tội phạm mua bán người. 100% các trường hợp là nạn nhân bị mua bán được tiếp nhận, giải cứu trở về đều được hưởng đầy đủ các chế độ và hỗ trợ đúng quy định (nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; y tế; miễn, giảm học phí, chi phí hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu…). Các nạn nhân sau khi trở về được chính quyền cơ sở nơi cư trú phối hợp cùng ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ, theo dõi và tạo điều kiện thuận lợi để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Nạn nhân của mua bán người thường phải trải qua tình trạng bị cưỡng bức, bị tra tấn, nợ nần, bị giam cầm bất hợp pháp, bị bạo lực về thể chất, tình dục và tâm lý, ngay cả người thân trong gia đình cũng bị đe dọa. Hậu quả là nạn nhân phải hứng chịu những tổn thương về sức khỏe và tâm lý nặng nề, có những trường hợp dẫn đến cái chết. Đối với những nạn nhân may mắn được trở về địa phương, việc tái hòa nhập của họ cũng gặp muôn vàn khó khăn.

Rất nhiều người còn gặp vấn đề như thiếu việc làm do không tìm được công việc phù hợp ở địa phương hoặc do tình trạng sức khỏe yếu, mất đất sản xuất, thiếu chỗ ở, bị bệnh tật, hoặc gặp các khó khăn khác như thiếu giấy tờ tùy thân, gia đình không ổn định...

Khi tình hình mua bán người vẫn diễn biến phức tạp và những nạn nhân trở về vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần tới sự trợ giúp, thì sự có mặt của những mô hình hỗ trợ tại cộng đồng là thật sự cần thiết, mang nhiều ý nghĩa lớn. Với các chương trình mục tiêu Quốc gia về phòng, chống mua bán người đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và sự quan tâm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, hy vọng, ngày càng có nhiều mô hình nhà tạm lánh, tạm trú tại cộng đồng với đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp để có nhiều nạn nhân bị mua bán nhận được sự hỗ trợ cần thiết, có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.

Thế Vinh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/can-nhieu-mo-hinh-ho-tro-nan-nhan-bi-mua-ban-tro-ve-tai-hoa-nhap-cong-dong-164284.html