Cần nhiều hơn những mô hình 'Cầu thang văn hóa'

Sau hơn 20 năm đi vào hoạt động, cầu thang văn hóa tại khu tập thể nhà A3, tổ dân phố 17, phường Nghĩa Tân không chỉ trở thành không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà con là nơi kết nối, giao lưu, nâng cao tinh thần tình làng nghĩa xóm.

Duy trì thói quen đọc sách cho người dân

Xuất phát từ ý tưởng xây dựng một khu vực sinh hoạt cộng đồng để người dân tiếp cận thông tin, giao lưu, học hỏi, ông Hồ Quang Bảo cùng ông Nguyễn Tục, ông Đoàn Chương và ông Trương Văn Côn đã cùng nhau bàn bạc và kêu gọi mọi người đóng góp để mua sách, báo. Ngay từ khi mới phát động, ý tưởng này đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo người dân đang sinh sống tại đây. Cũng kể từ đó, thư viện nhỏ tại khu vực chân cầu thang của khu tập thể đã được hình thành và trở thành địa điểm sinh hoạt báo chí cộng đồng cho người dân.

Trong không gian nhỏ xinh chưa đầy 20m2, các vật dụng được bài trí một cách ngay ngắn, chỉn chu; không cần ai nhắc nhở, người dân luôn ý thức giữ vệ sinh chung và thu dọn gọn gàng mỗi khi ra về. Tại đây, dù là ngày thường hay ngày nghỉ đều rộn ràng tiếng nói cười, bàn luận của các cụ, các ông, các bà, giúp cho ai nấy tạm quên đi những ồn ào, huyên náo của cuộc sống nơi phố thị phồn hoa.

Bà Đàm Thị Bích Hằng (người dân sống tại khu tập thể A3) chia sẻ: Báo ở đây luôn được cập nhật theo ngày. Do vậy, như một thói quen, sau khi đi chợ về, tôi và các ông, các bà trong xóm thường tập trung tại khu vực cầu thang văn hóa để trao đổi, bàn luận với nhau về những bài báo, cách làm hay đã được đăng tải để từ đó có thể vận dụng vào trong cuộc sống thường nhật. Có thể khẳng định, từ ngày cầu thang văn hóa đi vào hoạt động, tinh thần đọc sách của người dân, dân cư tại khu vực đã được nâng cao và phát huy.

 Khu vực cầu thang văn hóa được bố trí gọn gàng, ngăn nắp.

Khu vực cầu thang văn hóa được bố trí gọn gàng, ngăn nắp.

Để mô hình cầu thang văn hóa đi vào hoạt động quy củ, nền nếp, một bản nội quy đã được xây dựng chặt chẽ, chi tiết với đầy đủ các đầu mục đã được lập ra. Cụ thể, mọi hoạt động tại khu vực cầu thang phải diễn ra nhẹ nhàng, theo một khung thời gian sinh hoạt nhất định; các sách báo sau khi đọc xong cần kẹp lại gọn gàng, không mang đi nơi khác, chỉ được mượn ngoài giờ khi đã được sự đồng ý của người quản lý; giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Thêm vào đó, để giúp cho mô hình này đi vào hoạt động ổn định, người dân tại khu tập thể A3 còn lập ra một khoản quỹ cố định dưới sự tự nguyện đóng góp của người dân theo từng quý. Nhờ có khoản kinh phí tương đối ổn định này, khu tập thể A3 có thể đặt báo hằng ngày, hằng tuần thay vì chỉ nhận nguồn tư liệu từ việc quyên góp sách.

Góp phần giao lưu, kết nối cộng đồng

Cầu thang văn hóa không chỉ là một thư viện thu nhỏ, giúp trau dồi tri thức mà còn là nơi để mọi người cùng nhau ngồi lại, kể cho nhau nghe về những câu chuyện buồn vui trong cuộc sống thường nhật.

Là người trực tiếp quản lý khu vực cầu thang văn hóa gần 20 năm nay, bà Đào Thị Anh Tuấn cho biết: Nếu như khu vực chân cầu thang của nhiều khu tập thể thường được tận dụng để buôn bán, chứa đồ, tập kết phế liệu thì tại khu nhà tập thể A3, khu vực này đã được tận dụng để xây dựng không gian sinh hoạt cộng đồng lành mạnh. Đây không chỉ là nơi giúp cho người dân tiếp cận với báo chí chính thống, đầu sách hay mà còn là nơi giao lưu, kết nối, chia sẻ cảm xúc để mọi người thấu hiểu và đồng cảm với nhau.

“Sự ra đời của mô hình cầu thang văn hóa đã góp phần duy trì trật tự, giữ vững an ninh. Từ ngày cầu thang văn hóa đi vào hoạt động, tình trạng trộm cắp, cướp giật, sử dụng ma túy không còn. Nhờ vậy, người dân sinh sống tại khu tập thể dù đi sớm về khuya vẫn cảm thấy yên tâm”, bà Đào Thị Anh Tuấn thông tin thêm.

Người dân đọc báo tại khu vực “Cầu thang văn hóa” nhà A3.

Đánh giá về ý nghĩa của mô hình cầu thang văn hóa, ông Lâm Văn Thảo, Phó chủ tịch phường Nghĩa Tân cho biết: Theo tôi, đây là mô hình tiêu biểu của phường, gắn liền với cuộc sống của nhân dân, mang tinh thần đoàn kết, là nơi để người dân giao lưu, chia sẻ, những tâm tư, nguyện vọng của mình, góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết, gắn bó; đồng thời góp phần củng cố và thắt chặt an ninh trật tự của khu tập thể.

“Để mô hình này đi vào hoạt động hiệu quả và nhân rộng quy mô, thời gian qua phường đã chủ động vận động xã hội hóa đóng góp thông qua các nhà hảo tâm, các đơn vị mạnh thường quân. Bên cạnh đó, khi phường có các nguồn sách được hỗ trợ thì luân chuyển cho các bác hoặc giới thiệu để các đơn vị cung cấp nguồn sách báo”, ông Lâm Văn Thảo cho biết thêm.

Hơn 20 năm đi vào hoạt động, nét đẹp của mô hình cầu thang văn hóa tại nhà A3 đã được lan tỏa ra nhiều khu vực trên địa bàn phường Nghĩa Tân. Sự thành công của mô hình này không chỉ là minh chứng cụ thể cho những nỗ lực gìn giữ của cộng đồng dân cư nơi đây mà còn là bước đệm để nhân rộng các mô hình, chung tay xây dựng môi trường sống nền nếp, văn minh.

Bài và ảnh: TRẦN YẾN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/can-nhieu-hon-nhung-mo-hinh-cau-thang-van-hoa-653080