Cần nhiều hơn những công trình công cộng dành cho người khuyết tật

Nhiều công trình xây dựng với chức năng để người khuyết tật (NKT) tiếp cận nhưng trên thực tế vẫn gặp một số vấn đề như khi xây dựng không hiểu rõ về tiêu chuẩn tiếp cận dẫn đến công trình không phù hợp, khó sử dụng... từ đó NKT lại không thể sử dụng và còn vô vàn lý do khác khiến công trình tiếp cận có thể có nhưng lại không được đi vào thực tế.

Ở nước ta nhiều công trình xây dựng, đặc biệt là những công trình cũ, chưa chú ý tới việc xây dựng các làn đường tiếp cận dành cho NKT. Đôi khi chỉ những bậc tam cấp ngay cửa ra vào, những rào chắn... ở một số nơi công cộng đã khiến mọi con đường, cánh cửa, mọi cơ hội có thể đóng lại đối với họ.

Người khuyết tật tham gia phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động cho người khuyết tật (Ảnh: K. Tiến)

Người khuyết tật tham gia phiên giao dịch việc làm lồng ghép tuyển dụng lao động cho người khuyết tật (Ảnh: K. Tiến)

Tại nhiều tòa nhà, công trình công cộng, nhà ga, bến xe, trên các tuyến đường, vỉa hè, cầu vượt dành cho người đi bộ nhiều nơi bố trí thiếu những làn đường trượt dốc và hệ thống tay vịn dành cho họ. Trong khi đó, tại nhiều cơ quan, văn phòng, nhà chung cư chưa bố trí điểm đỗ xe dành riêng cho xe 3 bánh, thậm chí có nơi từ chối nhận trông loại phương tiện này.

Theo quan sát của phóng viên, trên địa bàn Thủ đô không quá dễ để có thể tìm thấy một nơi có các công trình công cộng, phương tiện giao thông xây dựng riêng biệt dành cho NKT. Tại một số điểm dừng đón khách của xe buýt ở Hà Nội hầu hết các phương tiện đều chưa phù hợp cho người khuyết tật sử dụng như cửa xe hẹp, gầm xe cao, điểm dừng xe buýt không có đường tiếp cận để NKT có thể lên xe…

Chia sẻ về việc NKT tiếp cận với các công trình công cộng, chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc cho biết: “Từ góc độ cá nhân mình thấy NKT còn gặp nhiều khó khăn để tiếp cận với các công trình công cộng mặc dù Chính phủ cũng như các tổ chức xã hội, cộng đồng đã có nhiều nỗ lực để cải thiện vấn đề này.

Nhiều công trình công cộng đã được xây mới hoặc sửa chữa, tuy nhiên vẫn gặp một số vấn đề như: khi xây dựng không hiểu rõ về tiêu chuẩn tiếp cận dẫn đến công trình không phù hợp, khó sử dụng hoặc xây xong rồi, nhưng nhiều người không hiểu về tác dụng của nó, nên sử dụng cho 1 mục đích khác (để đồ, làm nhà kho...) từ đó NKT lại không thể sử dụng và còn vô vàn lý do khác khiến công trình tiếp cận có thể có nhưng lại không được đi vào thực tế”.

Thực tế, bản thân NKT thường có tâm lý tự ti, khép mình và ngại giao tiếp với những người xung quanh, để hòa nhập cộng đồng, học tập và làm việc, họ muốn có thể trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông và sử dụng các phương tiện, công trình công cộng. Do đó các công trình công cộng nếu đầu tư xây dựng có tính đến nhu cầu của người khuyết tật sẽ giúp họ hòa nhập và đóng góp vào sự phát triển xã hội một cách dễ dàng hơn.

N. Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/can-nhieu-hon-nhung-cong-trinh-cong-cong-danh-cho-nguoi-khuyet-tat-90408.html