Cần nhất vừa 'hồng' vừa 'chuyên'

Nhiều cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật không phải do nguyên nhân bất tài, năng lực kém, mà do 'tự diễn biến, tự chuyển hóa' dẫn đến tham nhũng.

Hôm qua 16/12 Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM nhiệm kỳ 2015-2020, ông Tất Thành Cang vừa bị cơ quan an ninh khởi tố, bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự. Điều này lại một lần nữa khẳng định việc lựa chọn sử dụng cán bộ quan trọng đến nhường nào.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Nhiều năm trước, ngay từ khi nước nhà mới giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, Theo Người, cán bộ phải vừa “hồng” vừa “chuyên” nghĩa là vừa phải có đức, vừa phải có tài. Hai mặt đức và tài phải kết hợp chặt chẽ với nhau, trong đó đức là gốc. Người nhấn mạnh: Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”...

Thấm sâu lời Bác dạy, nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo các cấp đã luôn gần gũi và sâu sát nhân dân, phấn đấu vượt gian khổ khó khăn, đi đầu trong các phong trào cách mạng. Nhiều cán bộ cấp cao đã dũng cảm hy sinh trong đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, nêu nhiều tấm gương sáng, được nhân dân mến phục và noi theo.

Tuy nhiên những năm gần đây, tác động sâu sắc của nền kinh tế thị trường đã ngày càng có ảnh hưởng lớn, làm thay đổi cách nghĩ, lối sống của nhiều cán bộ lãnh đạo. khiến họ phai nhạt lý tưởng cách mạng, chạy theo ham muốn tầm thường. Lợi dụng cương vị, họ đã làm tất cả mọi việc, kể cả vi phạm pháp luật để thỏa mãn nhưng ham muốn vị kỷ của bản thân, của gia đình, dòng tộc... Qua đó, đã có nhiều người bị thi hành kỷ luật, thậm chí có người đã bị xử lý hình sự...

Có thể thấy nhiều cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật không phải do nguyên nhân bất tài, năng lực kém, mà do “tự diễn biến, tự chuyển hóa” dẫn đến tham nhũng. Nếu chiếu theo điều kiện “hồng”, “chuyên” mà Bác Hồ đã đề ra, thì có thể họ đáp ứng được yếu tố “chuyên”, tức là có thực tài, nhưng đáng tiếc là họ thiếu “hồng”, có nghĩa là thiếu đạo đức. Và đúng như lời Bác đã dạy, họ đã không thể trở thành cán bộ lãnh đạo tốt và bị sa ngã là điều khó tránh khỏi.

Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, 87.000 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật; đã thi hành kỷ luật 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Trong đó, một số trường hợp hết sức đau sót như ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, XI, XII. Từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng, ông Thăng đã có nhiều thành tích nổi bật, tạo được uy tín tốt đẹp, được nhiều người dân tín nhiệm và đánh giá là một lãnh đạo có tài. Đáng tiếc, vị lãnh đạo này lại vấp phải nhiều sai phạm đến nỗi chịu án tù “kịch khung” và hiện tại vẫn còn phải chịu tiếp “án chồng án”.

Hai vị nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đều bị quy kết “vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” và “nhận hối lộ”. Ông Trương Minh Tuấn thậm chí còn là chủ biên một cuốn sách có nhan đề “Phòng, chống tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay”. Tiếc thay ông lại chính là người “tự diễn biến, tự chuyển hóa về tư tưởng”…

Trường hợp của Nguyễn Đức Chung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, là lãnh đạo cấp cao của Hà Nội. Ông còn là một vị tướng của ngành Công an, từng được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Song, cũng vì thiếu yếu tố “hồng”, dù đã có “chuyên”, vị tướng này cũng vi phạm pháp luật và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Thực tế trên càng khẳng định, những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ đến hôm nay và mãi mãi về sau vẫn vẹn nguyên giá trị. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng thường nhấn mạnh, công tác cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định và luôn giữ vị trí “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”; là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng và quyết định sự thành bại của cách mạng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu rõ, đối với công tác cán bộ, trong mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng thì phải lấy chất lượng là chính; trong mối quan hệ giữa đức và tài thì phải lấy đức là gốc.

Từ đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, phải là những cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng; có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng; có trí tuệ, tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược, thật sự trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, luôn luôn đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Đào Nguyên Lan

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/can-nhat-vua-hong-vua-chuyen-177567.html